13/10/2021 3:21 PM
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ít lạc quan về kinh tế toàn cầu trong năm 2021, nhưng vẫn đưa ra dự báo mức tăng trưởng vừa phải trong trung hạn.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vừa được công bố hôm thứ Ba, IMF dự kiến ​​tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ tăng 5,9% trong năm 2021 - thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với ước tính mà tổ chức này đưa ra vào tháng 7. Trong năm tới, IMF vẫn giữ dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 4,9%.

Triển vọng của năm nay được điều chỉnh trong bối cảnh các vấn đề về chuỗi cung ứng ở các nền kinh tế tiên tiến và làn sóng dịch bệnh Covid-19 tại các nước mới nổi vẫn căng thẳng.

Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết: “Việc điều chỉnh mức tăng trưởng này bao gồm sự tụt hạng lớn của một số quốc gia”.

“Triển vọng đối với nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp đã giảm đáng kể do đại dịch hoành hành. Việc tụt hạng cũng phản ánh triển vọng trung hạn khó khăn hơn đối với nhóm các nền kinh tế tiên tiến, một phần do nguồn cung bị gián đoạn”.

Mỹ là một trong những quốc gia bị tụt hạng. IMF đã cắt giảm ước tính tăng trưởng của nước này trong năm 2021 xuống còn 6%. Triển vọng tăng trưởng của Tây Ban Nha và Đức cũng bị cắt giảm 0,5 điểm phần trăm, trong khi Canada bị giảm 0,6 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, trong trung hạn sau năm 2022, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức vừa phải là 3,3%.

Tốc độ phục hồi khác nhau

IMF đặc biệt lo ngại về tốc độ phục hồi khác nhau ở các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi.

Ước tính của tổ chức này cho thấy, trong khi các nền kinh tế tiên tiến có thể vượt quá mức trước đại dịch của họ vào năm 2024, thì các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, có thể vẫn thấp hơn 5,5% so với dự báo trước đại dịch.

Khu vực ASEAN-5 gồm các quốc gia Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia được dự báo tăng trưởng 2,9% trong năm 2021 và 5,8% trong năm 2022. Trong đó, kinh tế Việt Nam lần lượt tăng lên ở mức 3,8% và 6,6% trong năm nay và năm sau.

Gopinath nói: “Sự khác biệt này là hệ quả của những chênh lệch về phân phối vắc-xin và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ”.

“Trong khi hơn 60% dân số ở các nền kinh tế tiên tiến được tiêm chủng đầy đủ và một số hiện đang được tiêm nhắc lại, thì khoảng 96% dân số ở các nước thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm phòng”.

Lạm phát

Giá tiêu dùng đã tăng đáng kể trong vài tháng qua do gián đoạn chuỗi cung ứng và giá hàng hóa cao hơn, đặc biệt là khí đốt.

Tại Mỹ, giá tiêu dùng đã tăng 5,4% trong tháng 7 so với một năm trước đó – tương đương với mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2008 - trước khi giảm nhẹ vào tháng 8. Trong khi đó, tại khu vực đồng euro, lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 13 năm vào tháng 9.

Lạm phát gia tăng đã gây áp lực lớn hơn lên các ngân hàng trung ương, khiến họ phải giảm bớt các chương trình kích thích kinh tế nhanh hơn dự kiến.

IMF cảnh báo: “Rủi ro lạm phát đang có xu hướng tăng và có thể trở thành hiện thực nếu tình trạng mất cân bằng cung – cầu tiếp tục kéo dài hơn do đại dịch”.

IMF cho rằng: “Các ngân hàng trung ương có thể vượt qua áp lực lạm phát nhất thời và tránh thắt chặt chính sách cho đến khi các động lực giá cơ bản trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, họ nên sẵn sàng hành động nếu tốc độ phục hồi tăng nhanh hơn dự kiến ​​hoặc rủi ro về khả năng lạm phát gia tăng trở nên hữu hình”.

Chủ đề: Kinh tế thế giới
Lam Vy (CNBC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.