Hà Nội đang triển khai quyết liệt xử lý các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo dọc các tuyến đường mới mở. Bên cạnh sự đồng thuận cao của xã hội, bản thân những người thực thi chủ trương này của thành phố vẫn còn không ít băn khoăn về câu chuyện hậu thu hồi: Giải pháp kiến trúc nào cho những thửa đất này?
Làm gì với đất siêu mỏng, siêu méo?
Một nhà siêu mỏng trên đường Xã Đàn, Hà Nội

Để dân tự hợp khối trước

Nhà siêu mỏng siêu méo là dạng nhà hình thành trên thửa đất có diện tích nhỏ hơn 15m2 hoặc có chiều sâu tính từ chỉ giới đường đỏ hoặc chiều rộng mặt tiền dưới 3m. Lâu nay những trường hợp này đều không được cấp phép xây dựng. Đương nhiên nếu tồn tại những ngôi nhà như thế bên các tuyến đường cải tạo, mở rộng vừa qua chắc chắn là dạng nhà không phép. Đối chiếu với quyết định 15 ban hành ngày 6-5 của thành phố Hà Nội, toàn bộ các trường hợp kể trên đều buộc phải hợp khối thửa đất hoặc bị thu hồi. Đến nay, hầu hết các quận huyện trên địa bàn thành phố triển khai quyết liệt việc thống kê, phân loại và hoàn thiện hồ sơ pháp lý những thửa đất dạng này từ cấp phường,đề xuất xử lý.

Tại quận Thanh Xuân, địa bàn được thành phố chọn làm điểm từ trước khi ra đời quyết định 15, thống kê ban đầu có khoảng 70 trường hợp thuộc diện phải chỉnh trang. Đến thời điểm hiện nay còn khoảng hơn 30 trường hợp đang được rốt ráo giải quyết, trong đó có những thửa đất siêu siêu nhỏ như thửa ở số 116, đường Nguyễn Xiển mới mở (phường Hạ Đình). Tổng diện tích phần đất này chỉ 3,1m2, trong đó chiều sâu có chỗ 0,12m, nhưng mặt tiền rộng đến 9m. Tại Đống Đa, địa bàn có số lượng thửa đất phải xử lý thuộc diện nhiều nhất trong các quận huyện của thành phố (86 trường hợp), không ít trường hợp chỉ có tổng diện tích 1-3m2. Đến nay các phương án chuẩn bị chỉnh trang từ phía quận Đống Đa đã sẵn sàng trên cơ sở thống nhất với Sở Quy hoạch Kiến trúc từng trường hợp cụ thể, chi tiết về kiến trúc mặt tiền. Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Quận Đống Đa, Phan Hồng Việt vẫn cho rằng chủ trương của quận là tập trung tuyên truyền vận động người dân tự nguyện hợp khối, đưa ra các phương án khả dĩ nhất, nếu chưa đạt được như quy định, lúc đó phía quận mới xuất trình phương án của mình.

Vẫn là giải pháp tình thế

Chủ trương giải quyết nạn nhà siêu mỏng siêu méo của Thành phố đã được các quận huyện quyết tâm thực hiện.Thế nhưng ở ngay những địa bàn được xem là “điểm nóng” cũng còn nhiều trăn trở từ chính những người thực thi.

Phó Chủ tịch Phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) Lưu Đức Lượng cho rằng, chỉnh trang đô thị là hết sức cần thiết, phường chấp hành nghiêm chỉ đạo của thành phố và quận. Tuy nhiên, việc thu hồi những thửa đất nhỏ lẻ này thực chất chỉ là thu hồi phần còn lại của những thửa đất đã thu hồi trước đó khi mở đường.

Theo quy định những trường hợp như thế không thể cấp nhà tái định cư cho dù diện tích thu hồi hiện nay có thể tới gần 15m2. Đó là điều thiệt thòi cho các hộ dân trong khi giá đất mặt tiền ở những nơi này hiện lên đến cả trăm triệu đồng. Giá đền bù khi thu hồi tới đây nếu đúng theo khung giá nhà nước quy định thì thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Vì vậy, theo ông Lượng, thành phố nên có cơ chế đặc thù để giải quyết những trường hợp này, nhất là khi diện tích mặt tiền là nơi tạo nguồn thu chủ yếu của các hộ dân lâu nay.

Chủ tịch UBND Phường Trung Liệt (quận Đống Đa) Nguyễn Chí Tâm nêu quan điểm: quan trọng là phần hậu thu hồi. Nếu thu hồi để làm ki ốt và giao cho phường quản lý như ý kiến hiện nay thì phải có cơ chế. Ai sẽ đầu tư và trực tiếp quản? Hiện nay, tại phường Trung Liệt có gần 20 trường hợp phải xử lý dưới dạng hợp khối hoặc thu hồi, chủ yếu tập trung ở trục đường mới Đê La Thành - Láng.

Thậm chí ông Nguyễn Mạnh Thắng, phó chủ tịch Phường Ngã Tư Sở cho rằng các phường không thể quản nổi nếu biến tất cả các thửa đất dưới 15 m2 dọc các tuyến đường chính đô thị thành các ki ốt. Kể cả xây dựng làm bản tin hay thành vỉa hè ở những thửa đất thu hồi thì cũng không ổn. “Chỉnh trang đô thị theo tinh thần của thành phố hiện nay là rất đúng, tuy nhiên phải thừa nhận, do đây là giải pháp tình thế nên khó hy vọng bộ mặt các tuyến đường sẽ đẹp hơn như trông đợi” - ông Thắng nói.

Ngay trong quyết định 15 vẫn để ngỏ hai khả năng khi mở rộng, làm mới các tuyến đường đô thị: Lấy tiếp 50m đất vào trong để chỉnh trang mặt phố; hoặc thực hiện hợp khối-thu hồi các thửa đất quá nhỏ để chỉnh trang như công việc thành phố đang làm hiện nay. Chính các phương án có tính “linh hoạt” này dễ dẫn đến những giải pháp nửa vời, giải pháp tình thế khiến một số chuyên gia về quy hoạch nhận định: bài toán về cảnh quan đô thị vẫn là thách thức không nhỏ đối với Thủ đô trong thời gian tới.
Theo Tiền Phong (VinaCorp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0