Lãi suất USD tiếp tục tăng cao nhiều ngày nay và đến 20/1 đã chạm mốc 6,22% một năm.
Trong khi tỷ giá USD/VND ổn định, thì lãi suất USD trong các ngân hàng vẫn không ngừng… nhảy múa. Ngày 20/1, ACB (Ngân hàng Á Châu) đã chính thức nâng lãi suất USD kỳ hạn 13 tháng lên 5,1% một năm; 12 tháng là 5,05%, 6 và 9 tháng đều cán mức 5% một năm. Trước đó, mức lãi suất này đều thấp hơn 0,1 – 0,2 % một năm.

Đua nhau tăng

Việc ACB điều chỉnh lãi suất USD trong thời điểm này, theo lãnh đạo ngân hàng này, là điều “chẳng đặng đừng”. Thanh khoản và cầu USD, ngân hàng vẫn đáp ứng tốt. Nhưng sợ mất khách hàng nên ACB phải nhảy vào thị trường lãi suất huy động USD đang sôi động.


Các ngân hàng liên tục tăng lãi suất USD. Ảnh: Như Ý.


Trước đó, ngày 18/1, Eximbank (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam) cũng điều chỉnh lãi suất huy động USD vượt mốc 5% một năm, các kỳ hạn 3, 6, 12 tháng có lãi suất lần lượt 5,15%, 5,18%, 5,20%. Để thu hút khách hàng gửi USD, Eximbank còn có chương trình cộng thêm lãi suất thưởng (0,2% một năm), lãi suất bậc thang và đổi tiền lì xì 2 USD cho các khách hàng cá nhân gửi từ 2.000 USD trở lên.

Tại các ngân hàng vừa và nhỏ, việc tăng lãi suất USD liên tục hơn. Chỉ trên dưới một tuần, Western Bank (Ngân hàng Phương Tây) đã có hai đợt điều chỉnh lãi suất USD, và hiện tại (từ ngày 18/1 áp dụng), mức cao nhất của lãi suất USD là 5,5% một năm. Navibank (Ngân hàng Nam Việt) cũng điều chỉnh lãi suất huy động USD lên cao, kỳ hạn một tháng chạm 5,5%; hai tháng (trên 70.000) là 5,84%; ba tháng đã là 6,02%; cao nhất là kỳ hạn 12 tháng, với lãi suất 6,24% một năm. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, Navibank có ít nhất ba lần điều chỉnh lãi suất USD.

Hiệu ứng “kìm” lãi suất VND

Việc các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động USD, theo các chuyên gia, là điều tất yếu sẽ xảy ra trong bối cảnh “kìm” lãi suất VND. Tuy nhiên, điều cần quan tâm trước hết vẫn là “cầu USD” có thật. Ông Lê Thẩm Dương, chuyên gia kinh tế, ĐH Ngân hàng TP HCM, lý giải: “Cuối năm, nhu cầu USD để nhập hàng tăng lên, nhu cầu vốn cũng tăng lên, nhưng lãi suất huy động VND (14% một năm) như hiện tại, không thu hút được người gửi, trong khi lãi suất cho vay VND cao và doanh nghiệp tìm USD như một lẽ dĩ nhiên”. Trong khi vay USD với lãi suất 7, 8 % một năm thì lãi suất vay VND đến 19, 20%. “Vay USD sai biệt lãi suất đến 10%, trong khi tỷ giá ổn định, thì doanh nghiệp tìm đến USD và có nhu cầu thì ngân hàng phải tăng huy động USD thôi”, ông Dương nói.

Khi kìm giá lãi suất VND ở mức 14% một năm, cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng (nhất là ngân hàng nhỏ) không huy động được VND. Và “nếu không huy động USD thì các ngân hàng nhỏ sẽ vi phạm thông tư 13”, vì họ đã cho vay quá con số 80% vốn huy động. Việc tăng lãi suất huy động USD cũng là một cách mà các ngân hàng nhỏ “lách” để khỏi vi phạm. Nhưng, theo ông Dương, chính việc “kiếm lời tốt” trong cho vay USD là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đua lãi suất USD ở các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu lãi suất USD tiếp tục tăng, thì ảnh hưởng mạnh mẽ đến cân đối vĩ mô. “Khi lãi suất USD tăng cao, nhiều người sẽ mua USD để gửi. Như vậy không chỉ làm USD hóa tiền tệ, mà dẫn đến sự biến động về tỷ giá và mất cân đối vĩ mô”, ông Dương lo lắng.
Cafeland.vn - Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland