Duy trì lãi suất cho vay ở mức 18%-20%, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng đối phó với lạm phát. Nhưng thực tế lại có thể gây ra tâm lý e ngại đầu tư sản xuất bởi mức lãi suất quá cao, khó đầu tư có lãi. Tác giả Cảnh Thái cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra các quyết sách có tầm ảnh hưởng lớn như vậy.

Lợi bất cập hại

Lãi suất cơ bản được giữ ở mức độ cao ở Việt Nam trong những năm qua nhằm đối phó với lạm phát và hỗ trợ chính sách lãi suất thực dương.

Tuy nhiên, lãi suất cơ bản có thể là nguyên nhân dẫn đến lãi suất huy động cao, lãi suất cho vay rất cao, doanh nghiệp và nền kinh tế cảm thấy sức ép lớn, quá sức chịu đựng của hoạt động sản xuất kinh doanh, gây đình trệ, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Cần có các nghiên cứu sâu cả định tính lẫn định lượng nhằm hỗ trợ các nhà điều hành kinh tế vĩ mô có các quyết sách đúng đắn và chính xác trong việc ban hành các chính sách kinh tế phù hợp cho các giai đoạn phát triển của đất nước.

Doanh nghiệp khi vay ngân hàng lãi suất cao sẽ đưa chi phí vay vào giá vốn và giá bán tăng lên cao dẫn đến hình thành một mặt bằng giá bán hàng mới. Ai cũng thấy phản ứng của thị trường càng lúc càng nhanh trước các chính sách kinh tế vĩ mô vừa mới ban hành. Lãi suất vừa ban hành tăng lập tức giá cả hàng hóa tăng theo nhanh chóng. Giá ổ bánh mì, gói xôi, tô phở, giá bơm xe, giá giử xe .v.v. đều tăng gây khó khăn cho mọi người dân.

Có thể nói, ở góc độ nào đó, một doanh nghiệp đi vay với lãi suất thấp, nhờ ưu thế mối quan hệ hay tài năng xoay xở, để kinh doanh và làm ăn sẽ có cơ may bán hàng giá thấp hơn, giá cạnh tranh hơn là doanh nghiệp khác phải vay với lãi suất cao trong cùng một thị trường và sản phẩm dịch vụ.

Cẩn thận hiệu ứng ngược

Ai cũng nghĩ lãi suất tăng cao là để kềm chế lạm phát! Nhưng ...

Khi giá cả hàng hóa gia tăng khắp nơi vì lãi suất đầu vào cao, các doanh nghiệp chưa tăng được giá bán chịu sức ép chung sẽ không giữ được giá bình ổn, cũng phải tăng giá theo để trang trải các chi phí trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến đầu vào của doanh nghiệp. Thậm chí, đối với các doanh nghiệp không bị áp lực tăng chi phí đầu vào cũng có tâm lý muốn đón đầu tăng giá bán, thu lợi nhuận cao hơn. Điều này có thể dẫn tới việc toàn thị trường đều tăng giá bán.

Thực tế cho thấy, giá cả hàng hóa sau Tết tăng mạnh vì dường như đã bị kềm nén trước Tết giờ phải bung ra!

alt

Có thể phân biệt các mặt hàng trong rổ hàng hóa, cái nào là thiết yếu, nhu yếu phẩm, các mặt hàng phục vụ sản xuất kinh doanh, các mặt hàng phụ trợ, các mặt hàng không thiết yếu .v.v và nói rằng điều nói trên chưa hẳn đúng. Nhưng chúng ta đều thấy việc tăng lãi suất cơ bản hay tăng lãi suất cho vay doanh nghiệp thì dù muốn hay không, sớm hay muộn, doanh nghiệp vẫn phải cố tồn tại, vẫn phải tiếp tục làm hay duy trì bộ máy nếu không muốn đóng cửa, dẹp tiệm, thì phải tiếp tục làm ra sản phẩm với giá bán mới.

Thực tế cho thấy sau mỗi đợt ngân hàng nhà nước tăng lãi suất cơ bản, lãi suất ngân hàng tăng theo, doanh nghiệp cố gắng giữ giá bán một thời gian để giữ uy tín và quan hệ khách hàng, sau đó không chịu nổi lâu, đều phải gửi thông báo tăng giá bán tới các bạn hàng! Chưa kể tình trạng được gọi là "té nước theo mưa" hay lợi dụng thời cơ ai cũng lên giá nên mình tăng theo!
Đồng tiền từ thu nhập chính đáng của người dân bỗng nhiên không mua được lượng hàng hóa như trước, trở nên mất giá.
Các thành phần kinh tế không cùng dòng chảy

Các khu vực kinh tế quốc doanh, dân doanh, nước ngoài tạo cảm giác một nền kinh tế có nhiều thành phần nhưng có các cách thức vận hành khác nhau, không "cùng chảy", thiếu tương quan bình đẳng, không được tạo điều kiện như nhau về "đầu vào" và "đầu ra" của nguồn vốn đầu tư và cách thức tiêu thụ sản phẩm dịch vụ.

Có hay không một nền kinh tế có các "luồng chảy" hay "mạch chảy" khác nhau, rất khác biệt về nguyên lý vận hành? Nếu nhà nước vì một động cơ nào đó phải bảo hộ cho các doanh nghiệp nhà nước, đưa tay cứu vớt các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, phá sản hay chi thêm tiền ngân sách cho tái đầu tư, tăng lương thưởng, dẫn đến bội chi ngân sách không hiệu quả và tăng dần hàng năm, .v.v. thì lạm phát xãy ra sau đó là tất yếu.
Chúng ta cổ vũ cho một nền kinh tế nhiều thành phần bình đẳng, văn minh hay cổ vũ cho việc có nền kinh tế có nhiều "luồng chảy", nhiều "mạch chảy", hay nhiều "lớp cao thấp" khác nhau? Điều này tùy thuộc vào các chính sách kinh tế vĩ mô tương ứng.

Tinh thần doanh nghiệp có suy giảm?

Tâm lý không muốn sản xuất kinh doanh, không muốn đầu tư vào sản phẩm dịch vụ, kỹ thuật và công nghệ mà chỉ sử dụng đồng tiền quay vòng, cho vay lấy lãi? Lãi suất hiện tại quá cao khi doanh nghiệp phải vay vốn với 18 - 20%/năm khiến ai cũng bối rối. Ai cũng nghĩ rằng có tiền hiện tại tốt nhất gửi ngân hàng, làm ăn chi cho mệt, không đủ trả lãi!

Một người bạn học ở Đức nói đất nước có nền khoa học kỹ thuật trình độ bậc nhất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới này rất chú trọng việc đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D). Các nhân tài khoa học kỹ thuật được trọng dụng và đãi ngộ thích đáng. Điều này khiến nước Đức có được một nền tảng khoa học kỹ thuật và công nghệ vững chắc có thể chống chọi rất tốt với các cơn "bão tài chính" hay "tiền tệ" nào.

Ở Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây, các trường đại học ngành kỹ thuật công nghệ không còn thu hút được những người giỏi nhất nữa. Ưu thế đang thuộc về các ngành kinh tế tài chính, ngân hàng. Đây là vấn đề lớn thuộc về chiến lược huấn luyện, giáo dục đào tạo của đất nước.

Chính sách giáo dục đào tạo đúng sai không được xác quyết ở đây. Tuy vậy, dễ nhận ra thu nhập của các nhân viên với cùng số năm kinh nghiệm làm việc, học ngành kỹ thuật thường vất vả hơn và thời gian dài hơn, thì có vẻ ngành tài chính ngân hàng đang có thu nhập tốt hơn nhiều so với ngành khoa học kỹ thuật hay sư phạm. Về lâu dài sẽ ra sao?

alt

Ở góc độ kinh doanh, trong các năm vừa qua, từ 2008 trở lại đây, ta thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khủng hoảng kinh tế thiệt hại nhiều trong khi các ngân hàng luôn có lãi lớn! Điều này, thực sự không động viên các nguồn lực quốc gia vào công cuộc sản xuất kinh doanh làm ra của cải vật chất mà chỉ khuyến khích người có vốn mang tiền đi cho vay kiếm lời hay mua bán lòng vòng tạo ra các giá trị "ảo" như "bong bong bất động sản", "bong bong cổ phiếu" hay các cơ hội đầu tư mối quan hệ quyền lực nhóm để kiếm lời.

Lạm phát ảnh hưởng thế nào đến thất nghiệp?

Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi và có nhiều nghiên cứu của các nhà kinh tế thuộc nhiều trường phái khác nhau.
Cũng tương tự như việc nhận định liệu lạm phát có tính chu kỳ dài hay ngắn tại mỗi quốc gia, các chính sách kinh tế hiện tại nên tập trung giải quyết vấn đề ngắn hạn trước mắt hay cần đặt mục tiêu dài hạn hơn.

Giảm lãi suất có thể kích thích kinh tế, giảm thất nghiệp hay tăng lãi suất, giảm đầu tư để kiềm chế lạm phát? Lạm phát và thất nghiệp cái nào nguy hiểm hơn? Giảm phát và đình trệ có nguy hiểm hơn lạm phát?

Mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp có song hành hay nghịch hành?

Nước Mỹ đang lo lắng cho nền kinh tế bị thiểu phát và giảm phát nên hạ lãi suất, đưa ra các gói kích thích kinh tế, khuyến khích sản xuất kinh doanh nhằm giảm tỉ lệ thất nghiệp nhưng điều này có luôn đúng? Nhiều kinh tế gia nổi tiếng thế giới đã ủng hộ cũng như phản bác các chính sách này.
Trung Quốc thực thi chính sách duy trì đồng tiền yếu để đẩy mạnh xuất khẩu, giữ đồng Nhân dân tệ thấp, lợi dụng chi phí lao động thấp để hạ giá bán nhằm chiếm lĩnh thị phần hàng hóa toàn cầu nhưng liệu điều này có giữ được lâu?

Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng gần 10% nhưng khó nói chất lượng cuộc sống của người dân Mỹ đã cải thiện sau khi đưa ra các chính sách hạ lãi suất và kích thích kinh tế (nới lỏng định lượng). Ngược lại, Trung Quốc cũng đang đối mặt với vấn đề chất lượng cuộc sống và môi trường ô nhiễm dù đã duy trì chính sách đồng tiền yếu trước giờ.

Tạm kết
Các chủ trương chính sách vĩ mô nhằm can thiệp ngắn hạn vào nền kinh tế bằng cách điều chỉnh lãi suất hay tỷ giá để giảm thất nghiệp trước mắt, hay xa hơn là tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, ... về lâu dài tác động ra sao đến các chính sách có tầm nhìn dài hạn hơn, như ổn định kinh tế vĩ mô và/hoặc chống lạm phát hay giảm phát là điều cần cân nhắc.

Có nên can thiệp từng li, từng chút trước các căn bệnh ngắn hạn của nền kinh tế bằng các mệnh lệnh hành chính hay cứ để thị trường tự điều tiết thì sẽ có tác động tốt hơn trong dài hạn và nhà nước đóng vai người xây dựng và hoàn thiện luật kinh doanh trên cơ sở các pháp luật kinh doanh quốc tế đã được xây dựng lâu đời, hợp lý và được nhìn nhận rộng rãi, hơn là chạy theo các biến động thị trường từng ngày, từng tháng.

Các nghiên cứu định tính (qualitative study) và định lượng (quantitative study) công phu về các vấn đề nóng và cốt tử của nền kinh tế cần được tiến hành trước khi đưa ra các tư vấn hợp lý cho các quyết sách kinh tế vì tầm ảnh hưởng của mỗi chính sách là bao trùm trên phạm vi cả nước và khu vực, ảnh hưởng đến đời sống của mỗi người dân. Có như vậy mới có thể nhấn mạnh vai trò của các nghiên cứu kinh tế, tránh được tình trạng các chính sách ban hành đúng hay sai không rõ ràng, không có ai chịu trách nhiệm hay rút kinh nghiệm để làm tốt hơn về sau.

Khi các chính sách được đưa ra dựa trên nền tảng các nghiên cứu có tính khoa học và học thuật cao sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội và có tính dự báo được đối với mỗi người dân và doanh nghiệp.

Cafeland.vn - Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland