26/07/2023 8:15 PM
“Điều hành chính sách tiền tệ không phải là đôi đũa thần”, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại một hội nghị diễn ra hôm thứ Ba 25/7. “Lãi suất giảm cũng chỉ là một công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp chứ không thay thế được tất cả những chính sách khác”, ông Tú nói.

Ảnh minh hoạ.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã chỉ ra nguyên nhân tín dụng tăng trưởng đầu năm đến nay chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022, bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ, trong bối cảnh cơ chế, chính sách không có gì thay đổi.

Theo Phó Thống đốc, nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn chung của nền kinh tế khi bối cảnh thế giới và trong nước đều có nhiều biến động.

Theo đó, các khó khăn mà Phó Thống đốc nêu đó là: Cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước lẫn quốc tế đang giảm; từ cầu giảm dẫn đến tồn kho của hàng hóa, dẫn đến cả ngân hàng và doanh nghiệp đều trong tình trạng “tồn kho”; các chính sách nói chung và đặc biệt một số chính sách có ý nghĩa tác động hỗ trợ cho doanh nghiệp hiện nay phần nào còn cầm chừng, một số chính sách còn hạn chế kể từ trung ương đến chính quyền địa phương; công tác truyền thông cần đẩy mạnh, chính sách phát triển thị trường, tài khoá, phát triển thị trường… chưa thực sự đồng đều.

Ông Đào Minh Tú cho rằng, nhìn nhận đi sâu vào mối quan hệ doanh nghiệp và ngân hàng và cả doanh nghiệp với nhau vẫn còn vấn đề về niềm tin. Bản thân các doanh nghiệp cũng còn rất hạn chế, khó khăn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt vấn đề minh bạch dòng tiền minh bạch báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng vẫn là một trong những tồn tại, vì vậy việc chuyển từ trạng thái cho vay bằng tài sản đảm bảo sang quản lý bằng dòng tiền của ngân hàng gặp khó.

Ngoài ra, thị trường bất động sản đang trầm lắng khiến tín dụng cũng trầm lắng theo, bên cạnh đó, thị trường trái phiếu cũng đang không kéo được thị trường vốn ngắn hạn đi cùng.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, đối với riêng ngành Ngân hàng, những khó khăn nêu trên cũng đã tác động đến nhiều mặt hoạt động nhưng NHNN đã tích cực đưa ra các giải pháp có tính khả thi, điều hành và xử lý những vấn đề có tính chất ngắn hạn trước mắt, góp phần không để xảy ra câu chuyện doanh nghiệp đổ vỡ, cắt giảm lao động dẫn đến câu chuyện thất nghiệp tăng lên kéo theo vấn đề xã hội.

Tăng lãi suất hay giảm lãi suất; cung tiền ra nhiều hay ít; làm thế nào để tăng tín dụng, hài hòa giữa chất lượng và số lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia… đều là những vấn đề NHNN phải lưu ý và điều hành. Sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ rất khó của NHNN”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, điều hành chính sách tiền tệ không phải là đôi đũa thần, ngay cả khi lãi suất giảm thì cũng chỉ là một công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp chứ không thay thế được tất cả những chính sách khác.

“Nếu quá dựa vào chính sách tiền tệ, trong ngắn hạn có thể giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp nhưng trong trung và dài hạn, đôi khi chỉ vài năm sẽ bộc lộ bất ổn về nợ xấu, an toàn hệ thống”, Phó thống đốc nhấn mạnh.

Phó Thống đốc cũng cho hay, NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nhưng phải hài hòa, không thể chỉ vì những mục tiêu trước mắt mà để lại hậu quả dài hạn. Nhưng quan điểm trong điều hành, nếu có điều kiện, NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất. Với NHTM sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm các khoản có thể để qua đó hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, trong điều kiện chính sách của FED và một số nước đã giảm nhiệt, với dự trữ ngoại hối hiện nay, NHNN tiếp tục làm chủ được thị trường tỷ giá và tiếp tục mục tiêu giữ ổn định tỷ giá.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh những chương trình tín dụng chính sách tiêu dùng, đặc biệt chính sách an sinh xã hội để giải quyết vấn đề tâm lý thị trường và đời sống. Đây là giải pháp rất hiệu quả và thiết thực lúc này.

NHNN cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt tiếp tục hỗ trợ những chính sách tín dụng về vốn trung, dài hạn cho đầu tư hạ tầng cơ sở và phối hợp với vốn đầu tư công để xây dựng đường xá giao thông; tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi chuyển từ xuất khẩu qua đẩy mạnh thị trường nội địa…

Dù NHNN sẽ nỗ lực hết sức, tuy nhiên, theo ông Đào Minh Tú, để giải quyết bài toán trước mắt, ngân hàng và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay. Về phía ngân hàng, cần tích cực thực hiện các các cơ chế, chính sách mà NHNN ban hành. Bên cạnh đó, đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để thấy khó khăn của nhau, mạnh dạn hơn với những quyết định cho vay khi NHNN đã trao quyền quyết định cho NHTM. Về phía doanh nghiệp, báo cáo dòng tiền, tài chính cần minh bạch hơn, chia sẻ cùng khó khăn của doanh nghiệp. Để đi được đến điểm chung, hai bên phải có sự phối hợp, hợp tác, tăng niềm tin, chữ tín với nhau, đó là chìa khoá quan trọng để giải quyết bài toán tăng tín dụng. Mối quan hệ gắn bó, chia sẻ, “cộng sinh” không ai khác làm thay được giữa NHTM và doanh nghiệp.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.