Năm ngoái, tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được dự đoán “có khi” phải đến 2021. Hôm qua, nó được cái “có khi” được điều chỉnh lại: Khả năng tới 2022. Còn bao giờ nó xong, có lẽ có trời mới biết.
Tổng mức đầu tư ban đầu chỉ 783 triệu euro đã phải “điều chỉnh” lên 1.176 euro và có lẽ còn chưa là con số cuối cùng.
33.000 tỉ, trong đó vốn vay ODA 899,68 triệu euro (khoảng hơn 25.000 tỷ đồng). Vốn đối ứng trong nước gần 280 triệu euro (khoảng 7.800 tỷ đồng) được lấy từ ngân sách thành phố Hà Nội. Cho chỉ 12,5km chiều dài. Và bây suốt từ 2010 tới nay.
Tính ra, mỗi km ngốn hơn 2.640 tỉ đồng, một mức đầu tư cao hơn nhiều mức bình quân đã được coi là kỷ lục: 2.200 tỉ/km.
Và giờ, còn có thêm một phép tính nữa. Mất 365 ngày chỉ để làm 1km đường sắt đô thị.
Cục tức này nuốt trôi sao nổi khi suốt 7-8 năm qua, Nhổn-Xuân Thủy- Cầu Giấy- Kim Mã trở thành một tuyến đường ùn tắc đến mức chỉ nghe tên thôi đã thấy toát mồ hôi.
Nhưng vào cái ngày người ta đưa ra cái mốc mới 2022, vượt 4 năm so với... kế hoạch, người dân còn nhìn thấy một sự thật phũ phàng hơn, đó là 2022 có thể chưa phải là mốc thời gian cuối cùng.
Tại sao? Tại vì nguyên nhân “năng lực, kinh nghiệm quản lý” còn hạn chế, vì tư vấn còn “bất cập”, vì tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, vì kế hoạch vốn không được bố trí đủ...
Tức là có bao nhiêu cái nguyên nhân gây chậm trễ thì ở Dự án này có đủ cả. Chỉ còn thiếu mỗi nguyên nhân tại trời mưa như có thời người ta mang ông trời ra làm nguyên nhân cho cái mặt cầu Thăng Long, cái mặt đường quốc lộ chưa xong đã lún.
Có một chi tiết trong buổi Phó Thủ tướng làm việc với BQL dự án. Ông Giám đốc đưa ra những con số mang tính chất nguyên nhân. Rằng năm 2017, dự án được giao giải ngân 1.641 tỉ, tuy nhiên nhu cầu thi công thực tế cần đến 3.320 tỉ. Năm 2018 được giao giải ngân 1.100 tỉ, nhưng nhu cầu thực tế là hơn 2.500 tỉ...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sau đó cho biết: Những năm qua, đặc biệt năm 2018, Hà Nội có tỷ lệ giải ngân luôn cao hơn mức chung của cả nước. Tuy nhiên trong năm 2018, thành phố phải hoàn thành và đưa vào sử dụng 89/117 công trình, trong khi tới nay mới triển khai được gần 10 công trình. Đây sẽ là thách thức cần được tập trung thực hiện, giúp cả nước hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao. Bởi “chúng ta có tiền mà không tiêu được rất là thiếu trách nhiệm”.
Hóa ra, không tiêu được tiền cũng là một lý do. Hóa ra, ngoài tuyến Nhổn- ga Hà Nội, còn có mấy chục công trình cũng đang bò tiến độ.
Anh Đào (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.