“Chúng tôi kêu gọi loại bỏ giới hạn sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài tại các ngân hàng trong nước, đồng thời tăng thêm mức độ hoạt động, sự hiện diện, tầm kiểm soát của NĐT nước ngoài trong tổ chức tín dụng”, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kiến nghị.

Việt Nam khuyến khích NĐT nước ngoài tham gia tái cấu trúc các NHTM cổ phần

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ, khai mạc hôm qua (5/6), ông Tomaso Andreatta cho rằng, NĐT nước ngoài không chỉ quan tâm tới giới hạn sở hữu, mà còn lo ngại về quyền kiểm soát thực tế tại các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam.

Đây là kiến nghị không mới, các NĐT nước ngoài đã liên tục đề cập tới nội dung nới “room” ngân hàng nội thêm so với mức hiện nay tại khá nhiều diễn đàn trước đó. Tại VBF lần này cũng vậy.

Trước khi EuroCham đưa kiến nghị, ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam), Trưởng nhóm công tác ngân hàng (BWG) nêu khá nhiều vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó tập trung vào hướng dẫn mở, sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) để thực hiện hoạt động FII tại Việt Nam, vì thực tế gặp phải một số vướng mắc.

Ví dụ, điểm a, khoản 2, Điều 9, Thông tư 05/2014/TT-NHNN quy định phải đóng tài khoản FII nếu NĐT nước ngoài không tiếp tục hoạt động FII tại Việt Nam, đồng thời số dư của tài khoản này phải chuyển sang tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng VND được mở theo đó.

“Vậy nhưng, hiện chưa có quy định nào về nhận chuyển khoản, thanh toán trên tài khoản đầu tư trực tiếp bằng tiền đồng để ngân hàng thực hiện. Ngoài ra, chưa có quy định về việc DN có phải mở tài khoản vốn bằng ngoại tệ theo quy định tại Điều 11, Nghị định 160, cũng như liệu NĐT nước ngoài có được dùng tiền đồng trong tài khoản đầu tư trực tiếp để mua ngoại tệ nhằm góp vốn bằng ngoại tệ vào tài khoản vốn trên”, ông Sumit Dutta nói.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số điểm chưa rõ trong hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là Thông tư 32/2013/TT-NHNN, gây khó khăn cho ngân hàng trong triển khai như: trong thanh toán liên quan đến hợp đồng ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu sẽ căn cứ vào số tiền thực tế hay số tiền ghi trên hợp đồng vì hai con số này thường không khớp nhau.

Hay theo khoản 14, Điều 4, Thông tư 32 thì người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người cư trú và người không cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.

“Với quy định này, các công ty làm dịch vụ thanh toán lương hộ có thể thay mặt cho các khách hàng của họ là công ty, thực hiện thanh toán lương cho các nhân viên là người nước ngoài làm việc cho chính các công ty này không?”, ông Sumit Dutta nêu câu hỏi.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Toàn Thắng cho biết, đối với các vấn đề kỹ thuật mà BWG trình bày, tại buổi làm việc giữa NHNN và BWG ngày 21/5/2014 vừa qua do Thống đốc chủ trì, hai bên đã trao đổi để làm rõ. Hiện nay, các nội dung này đang được các Vụ/Cục NHNN nghiên cứu, xử lý.

Đối với kiến nghị của EuroCham, ông Thắng cho hay, Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc NĐT nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam đã quy định theo hướng ưu đãi hơn đối với NĐT chiến lược nước ngoài (tối đa 20%) so với các NĐT là tổ chức trong nước (tối đa là 15%). Nghị định cũng quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐT nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam, phù hợp với cam kết gia nhập WTO. Việt Nam cũng khuyến khích các NĐT nước ngoài tham gia vào quá trình tái cấu trúc các NHTM cổ phần yếu kém, trong các trường hợp này, tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐT nước ngoài tại một TCTD cổ phần yếu kém được cơ cấu lại có thể vượt quá giới hạn quy định (30%) đối với từng trường hợp cụ thể.

“Nghị định có quy định cho phép NĐT nước ngoài tham gia vào HĐQT của TCTD Việt Nam nhưng không quá một TCTD. Quy định này nhằm tránh tạo ra sự xung đột về lợi ích, cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng và phù hợp với mục tiêu giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng”, ông Thắng nói.

“Liên quan đến ngoại hối, để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ của các DN nước ngoài, NHNN tiếp tục xem xét cơ chế bảo lãnh, chuyển đổi ngoại tệ, nhất là những dự án lớn, trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ. NHNN cũng sẽ linh hoạt điều hành thị trường ngoại hối và với tình hình thuận lợi của thị trường này hiện nay khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào, NHNN tin rằng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế nói chung và nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ của DN nước ngoài nói riêng”, ông Thắng nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.