Người dân tại các khu tái định cư sẽ bớt bức xúc nếu có đủ hạ tầng xã hội, cơ chế quản lý thống nhất. Thành phố đã "nhìn rõ" vấn đề này, quyết tâm xây dựng những khu đô thị tái định cư.

alt

Thiếu quan tâm đến hạ tầng xã hội

Ðánh giá chung về nhà tái định cư, đại diện Sở Xây dựng thẳng thắn cho biết: Chất lượng quỹ nhà tái định cư còn nhiều hạn chế. Các khu nhà tái định cư chưa được quy hoạch chi tiết, đồng bộ bao gồm hạ tầng kỹ thuật gắn liền hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, chợ, khu vui chơi, giải trí... Quy hoạch các khu tái định cư chưa đáp ứng được kế hoạch lâu dài của công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Việc phân bổ các địa điểm tái định cư chưa đáp ứng được yêu cầu bố trí, sắp xếp lại dân cư hợp lý...

Khu tái định cư Ðồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai gồm chín tòa nhà, với tổng số 680 căn hộ là quỹ nhà phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Dự án thoát nước Hà Nội, giai đoạn I và II. Bảy tòa nhà đã được bàn giao cho Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý. Sau bốn đến năm năm đưa vào sử dụng, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, vỉa hè, cầu thang máy, nhà để xe bị xuống cấp, hư hỏng. Người dân nhiều lần phản ánh tình trạng này với Ban quản lý tòa nhà, nhưng chưa được xử lý, khắc phục kịp thời. Bà Nguyễn Thị Hòa, sống tại nhà N1 chia sẻ: Tôi chuyển về đây từ năm 2006, chất lượng căn hộ đến nay nhìn chung chưa có điều gì đáng bàn. Nhưng hằng ngày chứng kiến cảnh bậc lên xuống tầng một nứt gãy, tách rời khỏi tòa nhà, vỉa hè bị biến dạng, trơ ra các ống thoát nước khiến tôi cảm thấy bất ổn. Mặc dù Ban quản lý tòa nhà khẳng định, công trình được xây theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với chung cư cao tầng, nhưng tôi vẫn chưa yên tâm, nhất là thời gian vừa qua, Hà Nội xảy ra dư chấn động đất, rồi nhiều ngôi nhà ở riêng lẻ do nhân dân tự xây dựng bị sập, nghiêng. Thành phố cần kiểm tra chất lượng tổng thể tòa nhà, tránh bức xúc, hoang mang trong nhân dân. Tại các khu nhà tái định cư Ðền Lừ 1, Ðền Lừ 2, Ðịnh Công... cũng phát sinh nhiều bất cập tương tự.

Vướng mắc do cơ chế quản lý

Liên quan đến những hạn chế trong xây dựng nhà tái định cư, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, khái niệm 'quỹ nhà, đất tái định cư' chưa thống nhất. Trong Luật Xây dựng, Luật Nhà ở thì không có loại hình nhà tái định cư. Nhưng đến Luật Ðất đai năm 2003 có đề cập đến loại hình nhà tái định cư và quy định: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập và thực hiện các dự án tái định cư trước khi thu hồi đất để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở. Khu tái định cư được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn và phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Các nội dung này dẫn đến nhiều bất cập trong việc đầu tư, tính giá bán và những quy định về quản lý, khai thác, vận hành quỹ nhà tái định cư. Tại một số dự án, chủ đầu tư buộc phải cắt giảm tối đa các trang thiết bị như hệ thống máy phát điện dự phòng, không bố trí diện tích dành cho sinh hoạt cộng đồng, thậm chí sử dụng vôi để thay thế sơn nước khi hoàn thiện nhà... Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Công ty Quản lý và phát triển nhà quản lý, vận hành. Như vậy, chủ đầu tư gần như không còn trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng công trình suốt quá trình sử dụng.

Còn có thực trạng là trong khi Hà Nội đang thiếu nhà tái định cư cho nhiều dự án, nhưng vẫn còn khoảng 1.000 căn hộ để trống, nhiều khu tái định cư chỉ sử dụng khoảng một nửa số căn hộ. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn, Sở đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện đăng ký quỹ nhà tái định cư khi triển khai dự án để bố trí. Tuy nhiên, khi bố trí xong lại nảy sinh khó khăn do dự án chậm hoặc vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng dẫn đến quỹ nhà tái định cư để trống. Sở Xây dựng đã đề nghị UBND thành phố chỉ giao nhà tái định cư cho các dự án trong 12 tháng, nếu không triển khai buộc phải thu hồi quỹ nhà để bố trí dự án khác...

Giải pháp đồng bộ

Ngày 2-4-2010, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Ðề án 'Xây dựng các khu đô thị phục vụ tái định cư trên địa bàn thành phố đến năm 2020'. Giai đoạn 2011-2015, thành phố xây dựng 20 nghìn căn hộ, tương đương 1,6 triệu m2 sàn, với kinh phí khoảng 13 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu đô thị). Giai đoạn 2016-2020 xây dựng 30 nghìn căn hộ, tương đương 2,4 triệu m2 sàn với kinh phí khoảng 18 nghìn tỷ đồng. Khu đô thị phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. UBND thành phố cũng đã thông qua đề án thí điểm quản lý, vận hành, khai thác chung cư tái định cư tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính và Nam Trung Yên. Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội được giao toàn bộ trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác. Chính quyền và người dân sinh sống trong khu nhà trực tiếp tham gia Ban quản trị. Ban quản trị kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định về quản lý, sử dụng nhà tái định cư; thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người dân về các vấn đề liên quan tới việc quản lý, sử dụng để phản ánh với doanh nghiệp quản lý vận hành, các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Ðến nay, việc quản lý, vận hành, khai thác khu nhà từng bước thu được kết quả.

Mới đây nhất, UBND thành phố đầu tư 380 tỷ đồng dự án xây dựng nhà tái định cư tại khu đô thị mới tây nam Kim Giang, diện tích sàn là 30.253 m2 với 186 căn hộ. Theo quy hoạch, khu đô thị mới Kim Giang I có tổng diện tích 49,89 ha, bao gồm nhiều công trình phụ trợ như nhà trẻ, trường học, công viên cây xanh, trụ sở UBND phường, cơ quan viện nghiên cứu, câu lạc bộ văn hóa, trạm y tế, chợ dân sinh... tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển đến sinh sống.

tag: chuyen nhuong nha tai dinh cu

Cafeland.vn - Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland