05/04/2021 3:48 PM
Nhu cầu vốn được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới và tăng trưởng tín dụng theo đó cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục từ quý II trở đi.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong quý đầu năm đạt 4,48%, một mức tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Các số liệu thống kê cũng cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước đang trên đà phục hồi tích cực. Bởi vậy nhu cầu vốn được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới và tăng trưởng tín dụng theo đó cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục từ quý II trở đi.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến hết tháng 3 tín dụng tăng trưởng khoảng 2,3% so với cuối năm 2020. Con số này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái khi tín dùng toàn nền kinh tế chỉ tăng chưa đến 1%. Theo giới chuyên gia, mức tăng trưởng tín dụng này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng điều hành của NHNN cũng như sự hồi phục của nền kinh tế.

Thực tế ghi nhận tại một số ngân hàng cũng cho thấy dấu hiệu khả quan về tín dụng trong quý I. Đáng chú ý có trường hợp MaritimeBank, theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng này thì đến hết quý I/2021 tín dụng tăng khoảng 9%. Lãnh đạo Sacombank cho biết, trong quý I tín dụng của ngân hàng tăng khoảng 4% so với cuối năm 2020 nhờ những biện pháp kiểm soát dịch tốt của Chính phủ và triển vọng hồi phục của nền kinh tế. Hết quý I/2021 tăng trưởng tín dụng của ACB ước đạt 3,5%, trong khi cùng kỳ tăng 2,3%. Tại VPBank tín dụng có thể tăng 3,9% trong quý đầu năm...

Vietcombank được phân bổ hạn mức tín dụng năm 2021 là 10,5%

Tuy tăng trưởng tín dụng có tín hiệu khả quan, nhưng NHNN vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá thận trọng khi giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong năm 2021. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng. Với diễn biến nền kinh tế như hiện tại, NHNN đang hướng tới kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 12%, nhưng sẽ linh hoạt điều chỉnh. Đối với các NHTM Nhà nước ngoại trừ Vietcombank được giao room tăng trưởng tín dụng năm nay là 10,5%; ba ngân hàng còn lại hạn mức tín dụng là 6-7,5%. Còn đối với các NHTMCP, room tín dụng từ 8-12%. Với hạn mức tín dụng NHNN cấp cho các ngân hàng, theo đánh giá của SSI Research là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%.

Theo nhận định của giới chuyên môn, với thông điệp không chốt cứng hạn mức tín dụng mà sẽ linh hoạt điều chỉnh, nhiều khả năng cũng như những năm trước NHNN sẽ tiếp tục có đợt nới room cho các ngân hàng. Thời điểm nới room có thể là bước sang quý III/2021 hoặc sớm hơn tùy thuộc diễn biến cung cầu vốn trên thị trường và chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Thực tế, các ngân hàng đã quen với cách thức điều hành chính sách tín dụng linh hoạt trong những năm gần đây. Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết, định hướng của NHNN cho phép NHTM tăng tín dụng khoảng 12% trong năm nay, nhưng cũng khá linh động, phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể về mức 10% hay lên 14% tùy theo từng giai đoạn. "NHNN có sự thận trọng nhất định, nên giao chỉ tiêu 7-12% ở lần đầu tiên", ông Vỹ nhận xét.

Tương tự, lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngân hàng được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 12%. Mặc dù được giao room tín dụng thấp hơn so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng ban đầu của ngân hàng, nhưng vị CEO này cho rằng, khi giao chỉ tiêu như vậy, NHNN đã phải tính toán rất thận trọng. Điều đó thể hiện rõ qua việc NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng để sẵn sàng có các giải pháp điều hành phù hợp với diễn biến thị trường. Trên thực tế những năm trước đây, trong nửa cuối năm NHNN sẽ điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng phù hợp với diễn biến nền kinh tế và khả năng tăng trưởng tín dụng của từng nhà băng.

Động thái đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thận trọng, giới chuyên môn nhận định, từ góc độ các nhà hoạch định chính sách NHNN muốn cân bằng giữa mong muốn đạt tăng trưởng tín dụng cao và nguy cơ giảm chất lượng tài sản, đặc biệt khi những bất ổn kinh tế vẫn còn do rủi ro liên quan đến Covid-19… "NHNN đang chọn phương pháp tiếp cận "củ cà rốt và cây gậy" nhằm quản lý rủi ro tín dụng. Các ngân hàng sẽ có động lực để cải thiện hoạt động và thận trong hơn trong các hoạt động cho vay đầu cơ và rủi ro. Như vậy, các ngân hàng khỏe mạnh hơn sẽ có thể thêm hạn mức tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm", VDSC nhận định.

Nhận định về điều hành chính sách tín dụng, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện nay NHNN vẫn điều hành dựa trên tổng mức tăng tín dụng, nhưng linh hoạt trước các diễn biến, cố gắng vừa góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế nhưng cũng phải làm sao khéo léo không gây vỡ trận về vĩ mô.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng có quan điểm thận trọng đối với tăng trưởng tín dụng. Theo TS. Lực, tốc độ tăng trưởng tín dụng những năm gần đây chậm hơn, song mức tăng trưởng không hề thấp so với những năm trước. Hơn nữa, quy mô dư nợ tín dụng/GDP ngày càng lớn (hiện khoảng 140%) nên việc kiểm soát tín dụng tăng ở mức 12% trong năm nay là hợp lý. Nếu sự phục hồi của nền kinh tế tốt, vị chuyên gia này ước tính, tín dụng có thể tăng từ 11-13% trong năm 2021 và kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn từ quý II.

Hiện tại, thanh khoản các NHTM vẫn rất dồi dào và NHNN vẫn nhấn mạnh mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. SSI Research cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I và đầu quý II, có thể nhích tăng từ cuối quý II khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.

Khẳng định NHNN điều hành tín dụng linh hoạt tùy theo tình hình thực tế, nhưng ông Nguyễn Tuấn Anh lưu ý, NHNN hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không tăng trưởng bằng mọi giá vì kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô mục tiêu hàng đầu.

Hà Thành (Thời báo ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.