VSA dự phóng nhu cầu thép Việt Nam có thể tăng trung bình 5-7%/năm trong 5 năm tới, đạt mức tiêu thụ thép bình quân đầu người 290kg vào năm 2030.

Tiêu thụ thép có thể phục hồi nửa cuối năm 2024

Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán VnDirect cho rằng nhu cầu từ thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng hạ tầng sẽ là yếu tố hỗ trợ phục hồi tiêu thụ thép trong năm 2024, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2023, sản xuất thép thô của cả nước đạt gần 19,2 triệu tấn, giảm 4% so với năm trước. Tiêu thụ thép thô đạt gần 18,8 triệu tấn, tăng nhẹ 1%. Xuất khẩu thép thô đạt gần 1,8 triệu tấn, gấp 1,4 lần năm 2022.

Ngành thép Việt Nam hiện đứng thứ 14 về xuất khẩu ra thế giới. Trong đó, Đông Nam Á, EU, Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc là các thị trường nhập khẩu chính.

Tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam hiện ước tính khoảng 240kg, thấp hơn mức trung bình của châu Á là 309kg

Theo VSA, tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam hiện ước tính khoảng 240kg, thấp hơn mức trung bình của châu Á là 309kg, dư địa và tiềm năng phát triển của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

VSA dự phóng nhu cầu thép Việt Nam có thể tăng trung bình từ 5-7%/năm trong 5 năm tới, so với mức tăng trưởng 4,5% trong 6 năm qua, đạt mức tiêu thụ thép bình quân đầu người 290kg vào năm 2030 với dân số được kỳ vọng là 104 triệu người.

Điều này được thúc đẩy nhờ mức tăng trưởng GDP ổn định khoảng 6,5% mỗi năm, cũng như tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, dòng vốn FDI ổn định.

Bên cạnh đó, yếu tố hỗ trợ đến từ nhu cầu của thị trường bất động sản. Theo nhóm phân tích, nguồn cung và mức hấp thụ của thị trường bất động sản được kỳ vọng cải thiện so với năm 2023, khi chủ đầu tư và nhà đầu tư tự tin hơn về sự hồi phục của thị trường lãi suất duy trì ở mức thấp và các dự án hạ tầng trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện.

Việc mở bán thành công các dự án, đặc biệt trong thời điểm nửa cuối 2024 sẽ là yếu tố thúc đẩy hoạt động xây dựng, từ đó làm tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép như thép xây dựng, tôn mạ.

Lĩnh vực nhà xưởng/nhà kho xây sẵn là lĩnh vực thu hút nguồn vốn FDI trong giai đoạn 2024-2025, qua đó đem lại nhu cầu tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm tôn mạ, ống thép.

Yếu tố hỗ trợ tiếp theo là nhu cầu từ hoạt động xây dựng hạ tầng. Sau giai đoạn thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, các dự án hạ tầng trọng điểm bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng, tập trung trong thời kỳ 2024-2025.

Sản lượng tiêu thu và tốc độ tăng trưởng tôn mạ giai đoạn 2017-2023

Đối với mảng tôn mạ, VnDirect cho biết nhu cầu tăng trưởng ổn định từ 2016-2023 với sản lượng tiêu thụ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép là 6%.

Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép nội địa của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép là 4%, trong khi xuất khẩu tăng với tốc độ tăng trưởng kép là 8%.

VnDirect kỳ vọng mảng tôn mạ trong giai đoạn 2024-2026 sẽ tăng trưởng kép ở mức ít nhất 6%, tương đương với tốc độ tăng trưởng của 8 năm trước đây.

Theo Fitch Ratings, nhu cầu thép sẽ tiếp tục tăng trưởng ở hầu hết các khu vực vào năm 2024 với mức tiêu thụ toàn cầu tăng khoảng 20-30 triệu tấn so với năm 2023. Nhu cầu tăng trưởng mặt hàng này được hỗ trợ bởi thị trường Đông Nam Á sôi động, sự phục hồi mạnh mẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi nhu cầu của Trung Quốc sẽ giảm nhẹ.

Nhu cầu thép sẽ tiếp tục tăng trưởng ở hầu hết các khu vực vào năm 2024 với mức tăng khoảng 20-30 triệu tấn so với năm 2023

Sẽ tự chủ nguồn thép chất lượng cao

Hiện nay, các sản phẩm tôn mạ chủ yếu sử dụng trong xây dựng mái, vách, sàn nhà và công xưởng quy mô vừa và nhỏ nên một số doanh nghiệp thép đang có kế hoạch hướng tới phân khúc cao cấp bằng cách sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hơn - nguyên liệu đầu vào cho lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng và ô tô.

Bộ Công Thương cho rằng, ngành thép có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là ngành công nghiệp nền tảng, vật liệu đầu vào cho các ngành kinh tế quan trọng của đất nước như cơ khi chế tạo, công nghiệp hỗ trợ...

Tại Việt Nam, ngoài Formosa, Hòa Phát là doanh nghiệp trong nước duy nhất sản xuất được thép cuộn cán nóng HRC. Số liệu của VSA ghi nhận năm 2023 bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 6,8 triệu tấn. Trong khi đó, theo thống kê năm 2023 từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam vẫn nhập khẩu tổng lượng thép HRC tới hơn 8 triệu tấn.

Như vậy, các loại thép HRC chất lượng cao cho ngành công nghiệp đóng tàu, ô tô, thép kết cấu, cơ khí chế tạo vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Theo báo cáo đề xuất “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Công Thương, các chủng loại thép hợp kim sử dụng trong đóng tàu, ô tô, thép kết cấu, cơ khí chế tạo có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tiếp tục phải nhập khẩu.

Cụ thể, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỷ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỷ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỷ USD; giao thông đường sắt là 35 tỷ USD; tàu điện ngầm là 10 tỷ USD và ô tô là 120 tỷ USD.

Bộ Công Thương nhận định đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.