01/08/2019 8:35 AM
Đầu tư hơn 51 tỷ đồng để xây hàng chục phòng học và mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề cho lao động tại địa phương với quy mô gần 2 ngàn học viên theo học mỗi năm tại huyện Đắk Tô - Kon Tum, nhưng học viên chỉ đạt hơn 10% so với đề án, công trình bị xuống cấp trầm trọng gây bức xúc dư luận.

Quăng tiền tỉ qua "cửa sổ"?

Khu nhà rất hoành tráng nhưng không có học viên.

Ngày 22/10/2010, UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định (số 1128/QĐ-UBND) phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề Đăk Tô trên diện tích đất 45.513 mét vuông, tổng mức kinh phí gần 51,6 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương. Dự án do sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư.

Công trình xây dựng gồm: 8 phòng học; 5 xưởng thực hành; vườn thực nghiệm; nhà hiệu bộ; khối phục vụ học tập; khối phục vụ sinh hoạt (nhà ở nội trú, nhà ở giáo viên, bếp ăn, khu vệ sinh); các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và phụ trợ khác.

Cỏ mọc vào đến tận hành lang công trình.

Theo tính toán, sau khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng đào tạo nghề cho khoảng 2000 lao động nông thôn mỗi năm. Đồng thời đây cũng là nơi học nghề của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số của 4 huyện Đắk Tô, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Đắk Glei tỉnh Kon Tum.

Công trình phủ màu rêu đen kịt, không có học viên theo học.

Dự án có 14 ngành nghề được đào tạo gồm: may công nghiệp, dân dụng; thú y; tin học; điện dân dụng, điện công nghiệp; chế biến gỗ - mộc dân dụng; đan lát - mây tre xuất khẩu; dệt; sửa chữa xe máy, máy nổ, gò hàn.

Đến năm 2016, UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định (số 579/QĐ-UBND) thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Đăk Tô (Trung tâm) trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dạy nghề Đăk Tô và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Đăk Tô (Thực hiện theo Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 04/9/2014 của Chính phủ).

1 khu nhà hoang tàn trong dự án.

Sau khi sáp nhập, phạm vi đào tạo của Trung tâm chỉ phục vụ cho người dân tại huyện Đăk Tô. Theo chỉ tiêu của UBND huyện giao mỗi năm đào tạo cho hơn 300 học viên (khoảng 3 lớp học); thời gian học mỗi năm 9 tháng; địa điểm dạy học chủ yếu tại các nhà văn hóa thôn, nơi sinh sống của các học viên.

Một giáo viên công tác tại Trung tâm chia sẻ: “Sở dĩ, thay đổi địa điểm học cho các lớp vì nếu học ở Trung tâm, nhiều học viên phải đi hàng chục km, như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, kinh phí học tập và sĩ số của lớp học”.

Theo quan sát của PV Infonet, hiện các hạng mục của công trình này gần như bị xuống cấp rất nặng nề, bên ngoài cỏ dại mọc um tùm vào tận hành lang, nhiều hạng mục xây dựng bị nứt nẻ, rỉ sét khó có thể phục hồi, học viên thì không có.

Lãng phí ngân sách, tài sản công

Cỏ mọc bít hết đường vào khu thực nghiệm.

Thu hút nguồn vốn lớn để đầu tư một công trình quy mô, đầy đủ trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn có tay nghề cao là thành quả của tỉnh nhà.

Song, hiệu quả mang lại chưa cao, chưa thể phát huy hết hiệu suất, công năng sử dụng của dự án khiến tài sản nhà nước bị lãng phí.

Thực tế cho thấy, mỗi năm Trung tâm chỉ đào tạo khoảng 3 lớp học và sử dụng hết 3 phòng nếu học tập trung. Số phòng, xưởng thực hành còn lại buộc phải đóng cửa vì không sử dụng đến.

Chính điều này đã gây lãng phí rất lớn nguồn ngân sách Nhà nước, trong khi công trình đang nhanh chóng xuống cấp qua thời gian.

Khu thực nghiệm cỏ mọc um tùm, rỉ sét xuống cấp.

Ông Võ Đình Long - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đăk Tô thông tin: "Từ năm 2017, Trung tâm được UBND huyện giao đào tạo khoảng 250 học viên, chế độ đào tạo áp dụng theo Quyết định 1956 (số 156/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020-PV) của Chính phủ và Quyết định số 17 của UBND tỉnh phân theo khu vực trong tỉnh. Kinh phí đào tạo nghề được cấp mỗi năm từ 500 triệu đến 600 triệu đồng".

Theo quy định hiện nay, Trung tâm áp dụng hai hình thức đào tạo, tâp trung hoặc lưu động. Nếu đào tạo tập trung thì việc tổ chức ở nội trú cần có ngân sách đảm bảo sinh hoạt cho người học. Đúng ra, học viên đi học thì phải đóng góp vì ngân sách Nhà nước bao cấp không nổi.

"Tuy nhiên người dân ở đây cũng khó khăn, do đó việc đào tạo tập trung cũng hạn chế. Giữa nhu cầu sử dụng và công năng thiết kế có thể là nó vượt, nhưng trách nhiệm của chúng tôi là bảo quản tài sản Nhà nước và sử dụng, còn kế hoạch sử dụng tài sản công thuộc về các cơ quan chức năng tỉnh và huyện", ông Long cho biết thêm.

Bá Tứ - Hải Dương (IFN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.