18/12/2014 3:44 PM
Giới chuyên gia cho rằng: “Năm qua kinh tế toàn cầu phục hồi phục chậm chạp và không vững chắc”.

Chỉ còn hơn một tuần nữa nhân loại sẽ trải qua năm 2014 với nhiều cảm nhận khác nhau. Về kinh tế, giới chuyên gia cho rằng: “Năm qua kinh tế toàn cầu phục hồi phục chậm chạp và không vững chắc”. IMF đã phải 3 lần hạ dự báo tăng trưởng, thậm chí cảnh báo nguy cơ tái khủng hoảng, nhất là kinh tế khu vực EU, khiến các chuyên gia buộc phải thận trọng khi đưa ra những con số dự báo cho năm 2015.

Từ bức tranh chung…

Về bức tranh kinh tế toàn cầu được mô tả là “loang lổ với nhiều gam màu khác nhau”, nhưng có thể thấy hai gam màu nổi trội là mầu sáng, phản ánh những dấu hiệu tích cực (tuy còn yếu ớt) và mầu xám, phản ánh những dấu hiệu hạn chế và nguy cơ suy giảm của nền kinh tế thế giới.

Những dấu hiệu tích cực được kể đến là: Kinh tế Mỹ phục hồi tương đối vững chắc vào quý 3 và quý 4/2014. Mức tăng trưởng đạt khoảng 3,5%, FED đã rút toàn bộ các gói kích thích kinh tế (QE) khỏi thị trường; số lượng người Mỹ đăng ký hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp liên tục giảm; thị trường việc làm và địa ốc đang cải thiện, lạm phát ở mức thấp.

Góp mặt vào gam màu sáng còn có cả một số nước thuộc các châu lục khác như: Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. Các nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean năm qua đạt mức tăng trưởng trung bình 1,1%. Trong đó, Panama là nước dẫn đầu với mức tăng 7%, tiếp đến là Bolivia, Cộng hòa Dominican, Nicaragua, Colombia, Mexico và Chile.

Kinh tế châu Phi năm nay cũng tăng trưởng 4,8%; châu Á có 10 nước nhỏ là Papua New Guinea, hiện đang đứng đầu bảng xếp hạng khu vực với mức tăng trưởng 14,8%; tiếp sau là Macau, Đông Timor, Lào, Bhutan, Campuchia, Mông Cổ, Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan.

Những dấu hiệu tạo nên gam màu xám, đó là: Tình trạng chững lại, suy giảm, suy thoái đã được giới nghiên cứu và dự báo sử dụng để mô tả và nhận định những gam mầu “loang lổ” tạo nên bức tranh kinh tế thế giới năm 2014.

Trước hết nói đến sự chững lại, đó là kinh tế Ấn Độ nước đông dân thứ 2 thế giới có mức tăng trưởng 5% kéo dài trong hai năm 2012 – 2013, năm 2014 cũng chỉ nhích lên mức 5,4%.

Kinh tế các nước khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhìn chung tăng trưởng chậm và cũng có xu hướng chững lại, chỉ đạt mức 4-5%. Trong đó có hai nước là Philippines và Indonesia có mức tăng trưởng cao hơn gần 6%.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuy vẫn có mức tăng trưởng cao, nhưng tốc độ đã sụt giảm khá mạnh chỉ còn 7,3% năm 2014 và dự báo 6,6% trong năm 2015 so với mức tăng bình quân 10 năm trước (9% - 10%).

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có mức tăng trưởng là 1,4% năm 2013 và đầu năm 2014, nhưng quý 4 lại giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, do tác động từ chính sách tăng thuế tiêu thụ, khiến Thủ tướng Shinzo Abe đã phải tuyên bố giải tán Hạ viện và kéo dài lộ trình tăng thuế tiêu dùng 10% thêm 18 tháng, đến tháng 4/2017.

Kinh tế Nga đã có dấu hiệu suy thoái từ cuối năm 2014 do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đồng Ruble đã mất giá hơn 40% so với đồng USD tính từ đầu năm tới nay, dầu thô chiếm 50% ngân sách của Nga lại đang giảm giá thấp kỷ lục dưới 60 USD/thùng, khiến ông Putin phải thừa nhận kinh tế Nga đang gặp khó khăn và sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2015.

Kinh tế EU là khu vực đáng quan ngại nhất vì đang cận kề của sự suy thoái với mức tăng trưởng 1,1% trong năm nay và sẽ tăng trưởng âm vào năm sau. Trong đó, khu vực Eurozone vẫn tăng trưởng âm 0,4% năm 2013 và cả năm 2014.

Đến nguyên nhân suy giảm…

Giới phân tích nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khởi phát từ Mỹ năm 2008 cho đến nay tuy đã đến đáy, nhưng giai đoạn “tiêu điều” vẫn kéo dài, đan xen khiến giai đoạn “phục hồi” và tăng trưởng không rõ nét.

Cuộc chiến Đông – Tây ở Ukraine (ảnh: KT)

Những căng thẳng địa - chính trị tại một số nơi trên thế giới nhất là cuộc chiến Đông – Tây ở Ukraine; cuộc chiến chống IS ở Trung Đông – Bắc Phi; vấn đề hạt nhân gây tranh cãi ở Iran, Triều Tiên; bất ổn ở Biển Đông, biển Hoa Đông… đã có những tác động tiêu cực tới đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là do đã trải qua giai đoạn tăng trưởng “nóng” thậm chí “quá nóng”, nay theo quy luật tự nhiên nó đòi hỏi phải cân đối lại. Mặt khác, nhu cầu bên ngoài yếu dẫn đến xuất khẩu giảm, nguồn vốn FDI quốc tế chảy vào nước này cũng giảm mạnh, bất động sản suy yếu trầm trọng, bong bóng tín dụng tăng lên, nguy cơ rủi ro lớn, nhất là nợ công và nợ trong lĩnh vực “ngân hàng mở” mức doanh thu và tiêu dùng trong nước bị chững lại.

Nhật Bản đã rơi vào suy thoái ở quý 4 năm 2014 và năm tới sẽ tăng trưởng âm từ 0,7% đến 2,5%, mặc dù Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe vừa thắng lớn trong cuộc bầu cử hạ viện ngày 14/12. Nhưng do chính sách “Abenomics” với 3 mũi tên, thì mũi tên thứ 3 lại chứa đựng yếu tố (tăng thuế tiêu thụ) triệt tiêu mặt tích cực đã đạt được ở 2 mũi tên trước đó.

Còn EU thì nguyên nhân chính là do cuộc khủng hoảng nợ công đã quá kéo dài, các công cụ tài chính nhất là chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã không phát huy hiệu quả. Mặt khác quan trọng hơn là EU lại buộc phải lao vào cuộc chiến Đông – Tây theo sự chỉ huy từ Mỹ trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, mà trực tiếp là hiệu ứng hai mặt của cuộc chiến thương mại với Nga, thông qua trừng phạt kinh tế lẫn nhau.

Về việc giá dầu giảm sâu có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan: Về chủ quan do OPEC giữ nguyên sản lượng dầu khai thác và các nước lớn có thể đang sử dụng công cụ giá dầu mỏ để tấn công lẫn nhau, tức là những toan tính địa - chính trị… Tuy nhiên, quan hệ cung – cầu vẫn là nhân tố tác động chủ yếu chi phối thị trường dầu mỏ thế giới.

Và triển vọng tăng trưởng…

Theo các chuyên gia dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2015 và có thể cả đến năm 2020 vẫn còn nhiều diễn biến không mấy khả quan. Những rủi ro đang tiềm ẩn, nhất là những căng thẳng địa - chính trị tại một số quốc gia, khu vực kinh tế, có xu hướng gia tăng; những rủi ro trên thị trường tài chính vẫn tồn tại, tình trạng nợ công chưa được giải quyết triệt để.

Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ chỉ tăng ở mức 5,2% năm 2015 là do sự giảm nhiệt trong quá trình tăng trưởng “nóng” và thiếu bền vững trong thời kỳ trước, chứ không liên quan đến tiềm năng tăng trưởng tại các quốc gia này. Đối với một số lĩnh vực chủ yếu của kinh tế thế giới như:

- Sự phục hồi của thương mại toàn cầu, các dòng vốn quốc tế lưu chuyển mạnh hơn, lĩnh vực tài khóa thế giới bớt căng thẳng… Theo đó, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới được dự báo sẽ đạt mức 3,7% vào năm 2015, do vẫn tiềm ẩn những rủi ro về an ninh toàn cầu.

- Về lĩnh vực tài khóa, cho đến năm 2015, vẫn sẽ căng thẳng. Đây là lý do khiến động thái chính sách tài khóa của các nước ở cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đang hướng tới cải cách tài khóa và ổn định nợ trong trung hạn. Thâm hụt ngân sách trung bình của thế giới sẽ vào khoảng 3,0% GDP năm 2015. Khu vực các nền kinh tế phát triển đạt được những cải thiện đáng kể, với mức thâm hụt ngân sách trung bình đạt 3,6% trong năm 2015, so với mức 4,9% năm 2013.

- Về nợ công của thế giới trung bình sẽ ở mức 77,5% GDP năm 2015. Nhật Bản vẫn là nền kinh tế có có mức nợ công cao nhất thế giới được dự báo là 245,1% GDP vào năm 2015.

- Về dòng vốn di chuyển vào các nước đang phát triển sẽ phụ thuộc vào điều kiện tài chính toàn cầu, dòng vốn FDI sẽ tăng lên con số trên 1.800 tỷ USD vào năm 2015.

- Về thương mại toàn cầu, năm 2015 có thể tăng trưởng ở mức 5,6%.

Như vậy, với bức tranh kinh tế thế giới năm 2014 và những nét phác thảo trong năm 2015 cho thấy các nhà lãnh đạo các tổ chức kinh tế, các quốc gia, nhất là các quốc gia đầu tàu, các nước phát triển và mới nổi cần có những đột phá về chính sách và đổi mới mô hình tăng trưởng thì kinh tế thế giới mới sớm thoát khỏi nguy cơ sụt giảm và có thể phục hồi nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo./.

Nguyễn Nhâm (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.