Đó là một trong những điều kiện mà Hiệp hội Kinh doanh vàng kiến nghị áp dụng đối với kinh doanh vàng miếng, nhằm góp phần giảm bớt các hộ kinh doanh vàng cá thể, thay vì cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh này.

Với gói giải pháp về quản lý thị trường vàng vừa được Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam trình Chính phủ, Hiệp hội cho rằng, việc ban hành nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng không chỉ đáp ứng yêu cầu kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, mà còn tạo điều kiện để phát triển dài hạn ngành vàng.

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng, thay vì hạn chế cấp quota nhập khẩu, Nhà nước có thể nâng thuế nhập khẩu vàng từ mức 0% hiện nay lên 0,5%. Mức thuế xuất khẩu vàng hiện hành (10%) được cho là quá cao, không doanh nghiệp nào có thể xuất được vàng, vì lợi nhuận của kinh doanh vàng không thể vượt quá 1%.

Trong khi đó, nếu hoạt động xuất, nhập khẩu vàng được thực hiện thường xuyên, thì sẽ không làm gia tăng tình trạng nhập siêu, đồng thời làm cho thị trường vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, giảm buôn lậu.

Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng, để tránh tạo ra cú sốc cho thị trường và ảnh hưởng tới tâm lý của người dân, trước mắt nên quy định điều kiện kinh doanh vàng miếng, nhằm góp phần giảm bớt các cửa hàng, hộ kinh doanh vàng cá thể. Các điều kiện cụ thể được Hiệp hội kiến nghị áp dụng là: phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, có mức vốn pháp định tối thiểu 30 tỷ đồng và doanh thu trong 2 năm gần nhất trước khi cấp phép phải đạt từ 500 tỷ đồng trở lên.


Theo Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng, ông Đinh Nho Bảng, trong điều kiện lạm phát đang có xu hướng tăng cao và kéo dài, người dân chắc chắn không thể từ bỏ nhu cầu tích trữ vàng. Vì vậy, nếu cấm kinh doanh vàng miếng, người dân sẽ chuyển sang mua vàng dưới dạng nhẫn, vòng, kiềng, hay các sản phẩm mỹ nghệ bằng vàng. Và điều này không làm giảm lượng vàng nguyên liệu để chế tác so với vàng miếng, mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Đồng quan điểm, Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng ACB cũng đưa ra ý kiến, nếu quy việc kinh doanh vàng miếng về một mối thì sẽ hạn chế tính thanh khoản của thị trường và diễn biến giá vàng nội địa hiện cũng cho thấy điều đó.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường vàng cũng như xu hướng hội nhập vào thế giới, theo ông Bảng, Hiệp hội Kinh doanh vàng đã kiến nghị Chính phủ thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. Theo Hiệp hội, Sở sẽ góp phần tạo sân chơi minh bạch, bình đẳng, giảm thiểu nhu cầu tích trữ vàng miếng của nhân dân, giảm các hình thức giao dịch vàng bất hợp pháp, làm cho giá vàng trong nước biến động theo sát giá quốc tế, hút đáng kể lượng vàng nhàn rỗi đang nằm trong dân để phục vụ kinh tế.

Sở Giao dịch vàng quốc gia sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giám sát lượng vàng và nguồn vốn giao dịch trên thị trường để có thể can thiệp khi cần thiết. Đặc biệt, Sở sẽ góp phần hình thành mức giá thống nhất trên thị trường, tránh được tình trạng đầu cơ làm giá, gây bất lợi cho người dân.

Sở Giao dịch vàng quốc gia sẽ được quản lý tập trung dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng. Những tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao dịch sẽ thực hiện lệnh đặt mua, bán vàng thông qua các thành viên của Sở, các ngân hàng thương mại và công ty kinh doanh vàng có uy tín. Tuy nhiên, Sở cần phát triển đồng bộ, đa dạng loại hình giao dịch (giao ngay, kỳ hạn, quyền chọn...), để thu hút đông đảo đối tượng tham gia.
Cafeland.vn - Theo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland