13/10/2020 7:42 AM
Thời gian gần đây, tại TP Hồ Chí Minh nở rộ tình trạng xây dựng nhà “ba chung” kiểu mới (chung thửa đất, chung giấy phép xây dựng, chung chủ quyền) phá vỡ quy hoạch đô thị, gây ra nhiều hệ lụy và rủi ro cho người mua. Tuy nhiên, việc quản lý loại nhà này lại đang khiến lãnh đạo các địa phương lúng túng…

Lách quy định tách thửa

Mới đây, Cơ quan Thường trực Báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh đã nhận được đơn kêu cứu của 16 hộ dân tại địa chỉ từ 171/11/1 đến 171/11/16, đường TX52, phường Thạnh Xuân, quận 12, phản ánh về vụ việc họ có nguy cơ “tiền mất, nhà bị tháo dỡ”. Nguyên do là cả 16 hộ dân này đều mua nhà theo hình thức lập vi bằng từ một hộ dân.

Các căn nhà mà 16 hộ dân mua có chung một thửa đất, chung một chủ quyền và chung giấy phép xây dựng. Chủ quyền nhà thì bị chủ đầu tư thế chấp cho nên ngân hàng ra thông báo phát mãi; các căn nhà bán cho người dân do chủ đầu tư xây dựng sai so với giấy phép xây dựng cho nên chính quyền địa phương nhiều lần ra thông báo tháo dỡ…

Tại huyện Nhà Bè cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố đã xuất hiện tình trạng người dân xin nhiều giấy phép xây dựng trên một thửa đất để lách quy định tách thửa. Theo cách thức này, chủ đầu tư vẫn được xây dựng nhiều căn nhà diện tích dưới chuẩn được tách thửa để bán cho người mua mà không phải thực hiện thủ tục tách thửa đất ở (phải làm đường giao thông, cống thoát nước, bảo đảm diện tích tối thiểu…), đây chính là nguồn gốc hình thành những căn nhà “ba chung” kiểu mới.

Theo UBND huyện Nhà Bè, quy định về cấp phép xây dựng không bắt buộc chủ nhà chỉ được xây dựng một lần một công trình trên thửa đất hay bắt buộc khi xin phép xây dựng thì diện tích đất ở phải bảo đảm diện tích tối thiểu theo quy định về tách thửa. Giấy phép xây dựng chỉ yêu cầu việc xây dựng phải bảo đảm đúng mật độ xây dựng. Chẳng hạn, khu đất 400 m2 thì chỉ được xây dựng tối đa 50%. Lợi dụng sơ hở này, người dân hôm nay xin phép xây dựng một căn, hôm sau lại xin thêm một căn khác. Các công trình này cộng lại không vượt quá mật độ xây dựng thì huyện rất khó có cơ sở từ chối hồ sơ.

Lãnh đạo UBND quận Thủ Đức cũng cho biết, hiện nay hồ sơ xin xây dựng dạng nhà “ba chung” rất nhiều. Mặc dù biết người dân lách các quy định của pháp luật nhưng cũng không thể từ chối cấp phép. Ngoài ra, biết người dân bán nhà đồng sở hữu nhưng cũng không thể cấm vì luật cho phép đồng sử dụng, cũng không giới hạn bao nhiêu người được cùng đứng tên trên “sổ đỏ” cũng như không quy định mỗi người được sử dụng bao nhiêu đất.

Không những vậy, Luật Xây dựng và các văn bản có liên quan cũng chỉ quy định về chiều cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi, phù hợp mục đích và quy hoạch sử dụng đất mà không giới hạn một căn nhà được phép xây bao nhiêu phòng, bao nhiêu diện tích. Do đó, không có cơ sở nào để không cấp phép xây dựng cho người dân trong những trường hợp này.

Kiên quyết xử lý

Để ngăn chặn tình trạng các đầu nậu đất đai mua gom đất xây nhà rồi chuyển nhượng bằng hình thức lập vi bằng qua các văn phòng thừa phát lại, các quận, huyện đã phát đi nhiều cảnh báo người dân.

UBND quận 12 cho rằng, người dân mua bán, chuyển nhượng bằng hình thức lập vi bằng thông qua văn phòng thừa phát lại là không bảo đảm quy định pháp luật. Quận 12 đang tập hợp danh sách các trường hợp mua - bán nhà “ba chung” thông qua hình thức lập vi bằng để chuyển sang cơ quan công an điều tra làm rõ. Quận cũng khuyến cáo người dân khi mua bán, nhận chuyển nhượng cần liên hệ chính quyền địa phương để tìm hiểu kỹ về hiện trạng pháp lý nhà, đất cần mua như: Giấy chứng nhận, thông tin quy hoạch, giấy phép xây dựng, công trình có bị xử lý vi phạm xây dựng, có tranh chấp hay không; khi làm hợp đồng công chứng phải thông qua các văn phòng công chứng và nộp đăng bộ sang tên tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường).

Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Xây dựng thành phố phối hợp các địa phương xử lý triệt để các công trình sai phạm xây nhà “ba chung” trước ngày 15-10-2020. Đồng thời, rà soát các công trình nhà ở riêng lẻ đã xây dựng hoặc đang xây dựng theo giấy phép xây dựng được cấp, nhưng chủ sở hữu công trình không thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định, tự ý thay đổi kết cấu phòng bên trong công trình nhằm mục đích làm tăng số lượng phòng ở để cho thuê và để bán trong khi xây dựng hoặc sau khi hoàn công công trình; kiên quyết yêu cầu chủ sở hữu công trình nhà ở riêng lẻ thực hiện tự tháo dỡ hoặc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ phần sai giấy phép xây dựng đã cấp. Sau khi tháo dỡ, nếu phần công trình còn lại phù hợp giấy phép xây dựng thì buộc chủ sở hữu thực hiện hoàn tất công trình theo đúng quy định.

UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện phối hợp Sở Tư pháp rà soát, kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với những văn phòng thừa phát lại có hành vi xác lập vi bằng các giao dịch chuyển nhượng trái phép nhà ở dưới hình thức “chung cư mi-ni”, "nhà ba chung". Rà soát, kiểm tra các công trình nhà ở riêng lẻ có quy mô hơn 300 m2 đã cấp phép xây dựng hoặc đang xây dựng theo giấy phép xây dựng được cấp. Nếu phát hiện có mục đích là xây dựng phòng trọ cho thuê thì yêu cầu chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ hoàn chỉnh và lập thủ tục điều chỉnh phù hợp các tiêu chí theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.

Cùng với đó, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác cấp giấy phép xây dựng trong thời gian qua (nếu có vi phạm). Kiên quyết xử lý hành vi mua bán, chuyển nhượng căn hộ không bảo đảm điều kiện kinh doanh căn hộ theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản…

  • Tràn lan nhà xưởng trái phép: Chỉ là việc bé?

    Tràn lan nhà xưởng trái phép: Chỉ là việc bé?

    Tại huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội, tình trạng nhà ở, nhà xưởng xây dựng trái phép, rầm rộ trên đất công, đất nông nghiệp kéo dài nhiều năm và vẫn đang tiếp diễn. Trong khi đó, người có trách nhiệm lại bình luận “chỉ là chuyện nhỏ!”.

Vũ Nguyên (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.