22/10/2011 1:49 AM
Nếu chịu khó “săn” công ty tốt, kiên nhẫn chờ “tan băng” thị trường bất động sản, các nhà đầu tư ngoại sẽ gặt hái thành công khi đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới

Trong hai ngày 19 và 20-10, tại TPHCM diễn ra hội nghị đầu tư Việt Nam năm 2011 do Công ty QB Holdings - Singapore tổ chức dưới sự hỗ trợ của CBRE, VinaCapital. Các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản… đã mổ xẻ nhiều vấn đề về các chính sách, những thuận lợi, khó khăn cũng như đưa ra kinh nghiệm khi đầu tư vào Việt Nam.

Tin tưởng để đầu tư

Một số chuyên gia đến từ các tổ chức tài chính quốc tế trong và ngoài nước đều cho rằng mức lạm phát tăng cao, lãi suất được đẩy lên và VNĐ bị mất giá liên tục đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại.

Tuy vậy, một số quỹ đầu tư lớn đã và đang đầu tư tại Việt Nam thì cho rằng khó khăn của Việt Nam hiện chỉ là trong ngắn hạn và cho biết họ vẫn đi “săn” những doanh nghiệp tốt ở một số lĩnh vực tiềm năng. Với kinh nghiệm của mình, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, cho rằng thanh khoản trên thị trường chứng khoán hiện không tốt nhưng từ đầu năm đến nay, VinaCapital đã thoái vốn thành công ở một số đơn vị và tỉ suất sinh lời từ 3,5 đến 5 lần.


Kiên nhẫn tìm cơ hội đầu tư

Nhiều cao ốc đang được xây dựng tại TPHCM.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang chờ “tan băng” của thị trường bất động sản. Ảnh: TẤN THẠNH


Còn bà Hana Đặng, đại diện Quỹ Đầu tư BankInvest, cho biết từ dè dặt, họ đã tin và rót vốn nhiều hơn vào Việt Nam trong vòng 4 năm qua và đã thành công. “Bất kể chứng khoán tăng hay giảm, chúng tôi vẫn đi tìm những công ty đạt tiêu chí của chúng tôi và đã xác định chỉ đầu tư vào những thứ mình biết rõ…” - bà Hana Đặng khẳng định. Bà Phạm Thị Hương Giang, đến từ Quỹ Mekong Capital, tin tưởng vào việc tăng trưởng lâu dài của Việt Nam và cho biết 3 năm qua, danh mục đầu tư của Mekong Capital vẫn tăng trưởng ròng 50%.

Chờ “nàng công chúa” thức giấc

Khác với góc nhìn của thị trường vốn và chứng khoán, thị trường bất động sản Việt Nam đang rơi vào tình trạng trầm lắng. Một số chuyên gia ví von thị trường đang giống như “nàng công chúa” đang ngủ và “chàng hoàng tử” là các nhà đầu tư phải kiên nhẫn chờ đợi “nàng công chúa” thức dậy. Cụ thể, cung văn phòng cho thuê hiện đang thừa, căn hộ cao cấp đang khó bán… Vì vậy, căn hộ giá trung bình và nhà biệt thự giá từ 300.000 - 500.000 USD vẫn đáng quan tâm. Tuy nhiên, thanh khoản đang gặp khó vì lãi suất ngân hàng đang cao và giá nhà đất bị đẩy lên đã làm cho người mua chùn bước.

Ông Yip Hoong Mun, Phó Giám đốc Công ty TNHH Capitaland, cho rằng nhìn xa hơn thì đầu ra thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều bởi lượng cư dân có nhu cầu nhà ở thì cao nhưng tỉ lệ người ở chung cư hiện nay rất thấp. (Ở Singapore tỉ lệ này là 85%, Hồng Kông là 50%). Điều quan trọng là nhà đầu tư biết chọn phân khúc nào. “Ánh sáng cuối đường hầm có thể đã có nhưng con đường đến cuối đường hầm có thể còn xa. Khi chưa đến đích, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ đuối sức và ra đi” - ông Yip Hoong Mun ví von.

Chia sẻ kinh nghiệm với nhà đầu tư nào có ý định vào Việt Nam, ông Alex Loh, đại diện Tập đoàn SP Setia BHD, cho rằng phải tìm đối tác tốt, uy tín để liên doanh ngay khi vào Việt Nam nhằm được hỗ trợ về các thủ tục pháp lý bởi thực tế, mỗi địa phương triển khai, áp dụng luật có khác nhau.

Theo Sơn Nhung (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.