Thảo luận về dự án sửa đổi Luật Tổ chức TAND sửa đổi vào ngày 19/5, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu vấn đề vừa qua Bộ Chính trị giao cho TAND Tối cao nghiên cứu thành lập tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế và chỉ đạo Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số nguyên tắc của Hệ thống thông luật (Common law) trong việc giải quyết các tranh chấp tại trung tâm này.
Bà cho biết, các chuyên gia quốc tế đều khẳng định rằng sự thành công của một Trung tâm tài chính quốc tế nằm ở yếu tố then chốt là niềm tin của các nhà đầu tư và từ kinh nghiệm thành công trên thế giới thấy rằng niềm tin ấy được hình thành một cách quyết liệt, bền bỉ thông qua thể chế, pháp luật.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (Đại biểu Bắc Kạn). Ảnh: Quốc hội.
Trong lĩnh vực Trung tâm tài chính quốc tế, hoàn thiện một hệ thống pháp luật tốt chính là lời cam kết vững chắc của quốc gia rằng mọi hoạt động đầu tư sẽ được bảo vệ, mọi tranh chấp sẽ được phán xử một cách công bằng và không ai có quyền can thiệp vào những nguyên tắc đã được định ra trước đó.
"Nếu như thiếu đi một hệ thống pháp luật và thiếu đi một cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy thì chắc chắn sẽ không có một nhà đầu tư nào dám để lại một USD cho dù là có cam kết miễn thuế 100% hoặc là cơ sở hạ tầng có hiện đại đến mấy đi chăng nữa", bà Thủy đánh giá.
Bên cạnh đó, bà cho rằng hầu hết các mô hình trung tâm tài chính quốc tế thành công đều hoạt động dựa trên nền tảng của mô hình thông luật Common law và đây là hệ thống pháp luật dựa trên án lệ với sự ổn định và đặc biệt là tính minh bạch rất cao.
Cuối cùng, nhân lực giải quyết tranh chấp tại trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng rất cao, được đào tạo và được thực hành theo đúng chuẩn mực quốc tế để đảm bảo có đủ năng lực giải quyết và ra phán quyết một cách chính xác, nhanh chóng đối với tất cả những tranh chấp giữa các nhà đầu tư quốc tế với nhau cũng như tranh chấp giữa nhà đầu tư quốc tế với các cơ quan quản lý nhà nước.
Từ đó, bà kiến nghị Quốc hội bổ sung vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân một số nội dung như: Bổ sung tòa án chuyên biệt thuộc trung tâm tài chính quốc tế nên cạnh Tòa án Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp khu vực; kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao có nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc của hệ thống thông luật, làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp tại trung tâm tài chính quốc tế...
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, chủ trương của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ thành lập hai Trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và Đà Nẵng. Yêu cầu này đã được cấp thẩm quyền chỉ đạo sẽ giao cho Đảng ủy của Tòa án Nhân dân tối cao nghiên cứu khẩn trương để xây dựng đề án liên quan đến việc thành lập này.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Lê Minh Trí. Ảnh: Quốc hội.
"Đây là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, song là vấn đề lớn và rất mới đối nên ban soạn thảo xin tiếp thu và sẽ thể hiện trong dự thảo luật theo hướng quy định nguyên tắc trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, có Tòa án nhân dân chuyên biệt và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể cũng như quy định những phạm vi, thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa án nhân dân chuyên biệt. Sau đó tổ chức nghiên cứu, tham khảo, học tập kinh nghiệm của quốc tế thì Tòa án tối cao sẽ khẩn trương báo cáo đề xuất trình Quốc hội xem xét, quyết định", ông Trí phát biểu.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cũng cho biết sẽ suy nghĩ và sẽ tính toán kế hoạch cho việc đào tạo thẩm phán có năng lực, có trình độ đáp ứng yêu cầu giải quyết các loại tranh chấp này trong Trung tâm tài chính quốc tế.
-
Hoàn thiện cơ chế cho trung tâm tài chính tại Việt Nam
Xây dựng trung tâm tài chính đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế. Đây cũng được coi là giải pháp chiến lược nhằm huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, từ đó nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.
-
Có khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, Đà Nẵng sớm đón "sóng" tăng trưởng
Năm 2024, thành phố Đà Nẵng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực nhờ đón nhận loạt các dự án đầu tư mang tầm cỡ quốc gia. Năm 2025 Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng 8% tạo động lực tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp sau đó.
-
Tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Standard Chartered, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tập đoàn hỗ trợ phát triển các trung tâm tài chính quốc tế, thúc đẩy tài chính xanh và đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân.







