Trước các kiến nghị trên, Bộ Xây dựng đã phản hồi từng vấn đề cụ thể như sau:
Về đề nghị kiên quyết thu hồi nhà ở xã hội đã bán không đúng đối tượng; công khai hoạt động mua bán, tiêu chí tham gia đăng ký nhà ở xã hội, đơn giản hóa thủ tục mua bán đảm bảo minh bạch danh sách, địa chỉ thường trú, nơi làm việc của những người đăng ký mua nhà ở xã hội; mua nhà ở xã hội do Nhà nước hoặc Nhà nước giao cho công ty quản lý, khi nào người ở không có nhu cầu thì bán, trả lại với mức giá phù hợp cho nhà nước ...
Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định đối với các nội dung trên, cụ thể như: Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Thông tư số 09/2021/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Về kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định các nhóm đối tượng cũng như điều kiện để được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Kế thừa các quy định của Luật Nhà ở năm 2014, hiện nay dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6, theo đó Điều 74 dự thảo Luật, ngoài những đối tượng đang được quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: trong đó có doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã đề xuất cắt giảm, nới lỏng các điều kiện để được hưởng chính sách nhà ở xã hội: bỏ điều kiện về cư trú; trường hợp thuê thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở, thu nhập.
Như vậy, các quy định sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật nêu trên nếu được thông qua sẽ tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội và người dân yếu thế trong xã hội có thể tiếp cận với nhiều hình thức hỗ trợ nhà ở xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Về kiến nghị giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới. Hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sau khi lấy ý kiến lần thứ 1 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV. Theo đó, hoàn thiện đề xuất sửa đổi các chính sách liên quan đến: quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua (được miễn tiền sử dụng đất... góp phần tăng nguồn cung, giảm giá bán nhà ở xã hội); xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội; trình tự, thủ tục bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội (Điều 84 dự thảo quy định về việc xác định giá thuê, thuê mua, bán nhà ở xã hội theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí trong giá bán và lợi nhuận định mức chỉ tính đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội nhằm đảm bảo giá bán phù hợp với đối tượng thụ hưởng chính sách; đồng thời giá thuê do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê).
Những nội dung quy định sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nói trên nếu được thông qua sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, giảm giá bán nhà để các đối tượng thụ hưởng chính sách có điều kiện tiếp cận với các hình thức hỗ trợ nhà ở xã hội, ổn định cuộc sống, an cư, lạc nghiệp.
Về quy định dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội để kinh doanh thương mại. Tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (nội dung này đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ) quy định: chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn ngân sách “Được dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư”.
Tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có quy định: “Được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư”.
Như vậy, quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội nêu trên của pháp luật hiện hành được thực hiện đối với cả loại nhà ở thấp tầng và nhà ở cao tầng. Do vậy, địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể để quyết định.
Hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đã sửa đổi quy định nêu trên theo hướng chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở hoặc 20% tổng diện tích sàn nhà ở của khối nhà ở để đầu tư, kinh doanh công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại (không phải là nhà ở). Trường hợp được thông qua thì quy định nêu trên của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực.
Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri các tỉnh/thành để nghiên cứu và tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
-
Đề xuất bỏ quy định xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) mới đây đã có văn bản góp ý nhiều nội dung quan trọng nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có đề xuất về việc bỏ quy định xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại.
-
Nhà ở xã hội đã có Giấy chứng nhận nhưng chưa đủ 5 năm thì có được bán cho người khác?
Xin hỏi, mua nhà ở xã hội chưa đủ 5 năm, có Giấy chứng nhận thì có được bán cho người khác? Có phải nộp tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội sau thời hạn 5 năm?
-
Nhà ở xã hội có được dùng làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng?
Xin hỏi, đối tượng được mua NOXH thì có được dùng NOXH để thế chấp vay vốn ngân hàng?
-
TP.HCM xây dựng khung giá cho thuê nhà ở xã hội, giá cao nhất dự kiến 235.000 đồng/m2/tháng
UBND TP.HCM có dự thảo quyết định ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân được đầu tư xây dựng theo dự án; giá cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp trên địa bàn....