Ông Phạm Sỹ Liêm |
Phóng viên: Việc dự án nhà ở Đại Thanh được rao bán 10 triệu đồng/m² đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông, mức giảm giá này có đến mức bất thường và cần phải săm soi kỹ như vậy hay không?
Ông PHẠM SỸ LIÊM: Tôi cho rằng, giá cả không phải do ý muốn của ai mà do cung cầu thị trường, đã có lúc thị trường cứ đẩy giá lên một cách vô tội vạ mà vẫn có người mua. Còn bây giờ, nếu cứ cung mãi mà không có cầu thì người ta buộc phải hạ giá xuống. Cũng giống như việc các siêu thị thỉnh thoảng lại có đợt giảm giá sốc để thanh lý hàng tồn, thu hồi vốn. Tôi thấy giảm giá còn hơn là để kéo dài, nợ chồng lên nợ rồi dẫn đến phá sản. Tôi ngạc nhiên là sao mọi người lại phải thắc mắc nhiều như vậy khi giá nhà hạ.
- Theo ông, việc nhà ở thương mại hạ giá bằng, thậm chí thấp hơn nhà thu nhập thấp, các chủ đầu tư nhà ở xã hội Hà Nội có cần phải xem lại?
Giá đưa ra bao nhiêu là quyền của các chủ đầu tư, sau khi họ cân đối tính toán các khoản thu chi. Cứ nói mấy triệu cũng được miễn là bán được. Nhà ở thương mại không bán được thì phải hạ. Còn nhà ở xã hội, nếu các chủ đầu tư tự tin là với giá như vậy mà bán được thì họ cứ để vậy. Thực tế là cùng một mức giá nhưng nếu nhà ở xã hội có vị trí đẹp, gần trung tâm, gần các khu dân cư sẵn có thì vẫn được người dân lựa chọn hơn là các dự án nhà thương mại nhưng ở xa, hạ tầng chưa hoàn thiện đồng bộ. Nhưng tôi tin là đã có một mặt bằng giá nhà chung cư mới được thiết lập và tất cả các chủ đầu tư đều cần phải xem xét kỹ nếu muốn tiêu thụ được sản phẩm.
- Có một vấn đề đặt ra là giá nhà xuống thấp thì liệu chất lượng bị kéo xuống theo hay không và khi đó cơ quan nào sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi người mua nhà?
Phần lớn nhà đầu tư buộc phải hạ giá vì tình hình thúc bách chứ không phải họ chủ trương xây để bán giá thấp từ đầu. Hơn nữa, giờ là thời điểm của bên mua nên người mua có quyền, có thời gian tìm hiểu, xem xét kỹ các dự án trước khi quyết định mua nhà. Ngoài chuyện giá cả, người mua còn phải cân nhắc đến vị trí, cơ sở hạ tầng, chính sách khuyến mại, bảo hành, uy tín của chủ đầu tư…
Còn về việc đảm bảo chất lượng thì thực tế là nhiều nhà cao cấp vẫn chất lượng kém, vữa trần vẫn rơi xuống, nhà vẫn nứt vỡ chứ không chỉ có nhà giá rẻ. Việc đảm bảo chất lượng nhà ở nói chung đã nằm trong nhiều luật lệ, quy định của ngành xây dựng, nếu chủ đầu tư nào vi phạm đều sẽ bị xử lý theo pháp luật. Bất cứ người mua nào cũng cần được bảo vệ, không phải cứ nhà giá cao, hay nhà giá giá thấp.
Dự án Golden Land (Hà Nội) đang chào bán căn hộ với chương trình khuyến mãi hỗ trợ 100% lãi suất. |
- Vậy còn thông tin đại diện UBND TP Hà Nội cho biết sẽ kiểm tra các dự án được cho là bán dưới giá thành thì sao, thưa ông?
Theo tôi, quản lý chất lượng là cần thiết nhưng tại sao lại “nhè” vào những dự án nhà vừa tuyên bố hạ giá để kiểm tra? Người ta đang ế, đang hạ giá lại đòi kiểm tra làm người mua rụt cả lại. Ai còn dám mua những dự án bị “dọa” kiểm tra như vậy nữa? Như thế là không những không muốn giúp đỡ thị trường mà lại còn làm khó khăn thêm. Còn kiểm tra là cần nhưng phải kiểm tra tất cả mọi loại nhà.
- Ông có lời khuyên gì cho người mua nhà ở thời điểm này?
Tôi thấy giá hạ đến mức này thì nên mua. Cũng có thể giá cả thị trường còn xuống thêm nhưng tôi cho là không hạ nhiều nữa, nhất là ở những dự án hội đủ nhiều điều kiện thuận lợi, sớm được đưa vào sử dụng. Mua nhà lúc này thì người mua cũng không sợ thiệt nữa mà thị trường được lợi. Thị trường có chuyển động thì nền kinh tế cũng sẽ được cải thiện.
- Xin cảm ơn ông.
-
Căn hộ giá rẻ: “Ăn ít” hay bán phá giá?
Việc một vài DN kinh doanh bất động sản bán căn hộ chung cư với giá chỉ 10 triệu đồng/m2 trong thời gian vừa qua khiến giới đầu tư và cả người tiêu dùng xôn xao.
-
Nên mua nhà đất ngoại ô hay đợi căn hộ giảm giá?
CafeLand –Thời gian gần đây, làn sóng giảm giá căn hộ diễn ra khá mạnh và cũng không ít người khuyên rằng nên mua nhà vì nó đã chạm đáy. Tuy nhiên, đối với người mua nhà có nhu cầu thực và có số tiền eo hẹp thì vẫn đang băn khoăn không biết mua nhà ngoại ô lúc này hay đợi chung cư trong nội thành giảm xuống mức giá hợp lý.