Kiểm toán Nhà nước chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Trình bày báo cáo Kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2019 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sáng 22/7, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, tổng hợp kết quả kiểm toán của 235 báo cáo kiểm toán trong năm 2020 đối với niên độ ngân sách năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 61.761 tỷ đồng, trong đó, tăng thu 5.103 tỷ đồng; giảm chi ngân sách Nhà nước (NSNN) 13.247 tỷ đồng; chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 205 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó số kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách 2019 là 61.761 tỷ đồng.

Báo cáo Quốc hội việc thực hiện dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng vượt 21.742 tỷ đồng; Trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, đồng thời tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 của Bộ Tài chính 2.240,2 tỷ đồng để quyết toán trong năm 2019 là 1.065,3 tỷ đồng, chuyển nguồn sang năm 2020 là 1.174,9 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tổ chức rút kinh nghiệm việc lập báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019 chậm so với quy định; Nghiên cứu xây dựng: cơ chế nộp và tỷ lệ nộp ngân sách Nhà nước đối với số chênh lệch thu chi từ hoạt động nghiệp vụ ngân quỹ; Quy định, hướng dẫn về phương pháp, cách thức tính và lập dự toán hỗ trợ bổ sung có mục tiêu để bù mặt bằng chi cho ngân sách địa phương.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc tham mưu cho Thủ tướng giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương cho một số dự án tại các địa phương chưa phù hợp phạm vi, đối tượng của Chương trình 266,397 tỷ đồng; Bổ sung vốn dự phòng ngân sách Trung ương chậm dẫn đến các địa phương không thể triển khai phân bổ được trong năm 2018 nên phải kéo thời hạn giải ngân đến hết 31/12/2020 số tiền 2.097 tỷ đồng và bố trí dự toán năm cho các dự án chưa đủ điều kiện (dẫn đến dự toán chi đầu tư phát triển chưa phân bổ là 16.861,168 tỷ đồng); Giao kế hoạch vốn chậm, nhiều lần sau thời điểm 20/12/2018 chưa phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 66 Luật Đầu tư công.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Trong đó, thu cân đối NSNN 2.139.639,446 tỷ đồng; Chi cân đối ngân sách Nhà nước 2.119.541,763 tỷ đồng; Bội chi ngân sách Nhà nước 161.490,730 tỷ đồng, bằng 2,67% GDP thực hiện.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của Kiểm toán Nhà nước, trong đó: hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 205 văn bản.

Xuân Trường (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.