Anh Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay hơn một năm trước, anh thuê một căn nhà trên phố cổ, sau đó bắt tay vào tìm kiếm, sửa sang căn nhà đầu tiên trên phố cổ với mục đích cho khách du lịch, trong đó chủ yếu là người nước ngoài thuê dưới dạng homestay (khách nghỉ tại nhà dân). Căn nhà anh thuê lại của người chủ cũ với giá 8 triệu đồng một tháng trong tối thiểu 3 năm, sau đó sửa sang lại, mua sắm đồ đạc và đầu tư tổng cộng khoảng 150 triệu đồng.
Sau khi thiết kế, cải tạo lại các căn phòng, anh Chính chụp hình và đăng tải trên các website để du khách muốn thuê nhà có thể dễ dàng tìm kiếm và liên hệ. Mỗi ngày, căn nhà 2 phòng được cho khách nước ngoài thuê với giá khoảng 2 triệu đồng.
Theo đó, trong trường hợp căn nhà được cho thuê đủ cả tháng thì anh có thể thu về khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên, kể cả trong những tháng thấp điểm, anh Chính cho biết vẫn có doanh thu trên 40 triệu đồng. Sau khi trừ tiền thuê, các khoản điện, nước và chi phí nhân sự dọn dẹp mỗi tháng anh vẫn có thể thu lãi khoảng 20-30 triệu đồng.
Kinh doanh mô hình homestay có thể mang đến cho nhà đầu tư cả chục triệu đồng mỗi tháng. Ảnh minh họa
Hơn một năm triển khai, hiện anh Chính có 3 ngôi nhà đang phát triển theo mô hình này và mang về khoản lãi tổng cộng không dưới 60 triệu đồng mỗi tháng. Có những tháng cao điểm, con số lợi nhuận có thể đạt 90-100 triệu đồng. Anh cũng cho hay, chi phí đầu tư ban đầu của cả 3 căn nhà vào khoảng 800-900 triệu đồng, đã tính kể cả tiền thuê nhà trong vòng một năm.
Anh Trường (Hai Bà Trưng) một nhà đầu tư cũng kinh doanh mô hình này được khoảng 2 năm nay. Tuy nhiên, 2 trong số 4 căn homestay là thuộc sở hữu của anh, còn 2 căn là anh thuê lại. Nhà đầu tư này cho hay, tỷ lệ cho thuê của các căn nhà dao động từ 65-95%, tùy từng thời điểm. Với 4 căn nhà, mỗi tháng anh thu lợi nhuận cả trăm triệu đồng.
Anh cho biết, do mỗi khách du lịch đến Hà Nội thường thuê kéo dài khoảng 3-6 ngày nên việc tìm kiếm khách để lấp đầy số ngày cho thuê trong tháng cũng không quá khó khăn. Hơn nữa, theo anh, thông thường các du khách cũng thường giới thiệu bạn bè, người quen nếu homestay có dịch vụ tốt.
Tuy nhiên một trong những tiêu chí quan trọng các nhà đầu tư lưu ý là phải tìm kiếm được căn nhà vị trí gần phố cổ, khu vực trung tâm, tiện cho khách đi lại, thăm quan, vui chơi, giải trí... Trong căn homestay tuy được thiết kế đơn giản, nhỏ gọn nhằm tiết kiệm diện tích nhưng cũng cần có những đồ dùng tối thiểu như dụng cụ nhà bếp, máy giặt…
Anh Chính, một nhà đầu tư cũng chia sẻ, thiết kế bên trong căn hộ cũng rất quan trọng. "Thông thường với những căn homestay, khách nước ngoài thường thích thiết kế theo phong cách cổ điển, tinh tế, mọi thứ nhỏ gọn", nhà đầu tư chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo anh Trường, một trong những lưu ý quan trọng đối với nhà đầu tư đi thuê nhà để làm homestay là phải thỏa thuận được mức giá thuê ổn định trong thời gian dài, tối thiểu khoảng 3 năm.
"Tôi từng thuê một căn làm homestay nhưng sau đó chủ nhà thấy mình làm ăn tốt đã phá hợp đồng, đòi lại nhà. Mặc dù ở thời điểm đó, tôi mới hòa vốn đầu tư thiết kế, sửa sang... Một kinh nghiệm xương máu được rút ra là hợp đồng cho thuê phải rất chặt chẽ, có sự tính toán kỹ lưỡng thời gian hoàn vốn", anh Trường chia sẻ kinh nghiệm khiến mình quyết định mua một số căn nhà ở phố cổ, thay vì đi thuê để làm homestay.
Tại Hà Nội, hiện nhiều nhà đầu tư cũng phát triển mô hình này. Tuy nhiên, chỉ có số ít nhà đầu tư sở hữu căn hộ, còn đa số đều là nhà thuê, ký hợp đồng từ 3-5 năm.