Ảnh minh họa
Ồ ạt rao bán
Những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đẩy mạnh mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng, du lịch mạo hiểm,…
Để phát triển các mô hình du lịch này, bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước, kêu gọi nhà đầu tư thì còn có một bộ phận các hộ gia đình, cá nhân tham gia vào mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay (lưu trú tại nhà).
Homestay là một loại hình dịch vụ cần thiết cho phát triển du lịch nhiều địa phương, nhất là ở khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những homestay hoạt động hiệu quả thì cũng có không ít homestay hoạt động kém hiệu quả và nhà đầu tư phải rao bán chỉ sau một thời gian ngắn đi vào kinh doanh.
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin rao bán homestay tại Hà Nội, Lâm Đồng, Quảng Nam, Kon Tum,…
Đơn cử, một homestay tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) được rao bán với giá 6,5 tỷ đồng. Homestay này được xây dựng với kết cấu nhà tre, 1 hầm 1 trệt vách kính, bao gồm 3 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 bếp và 2 nhà vệ sinh.
Một homestay khác tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) có diện tích 312 m2 cũng được rao bán với giá 12,5 tỷ đồng.
Tương tự, tại khu du lịch Măng Đen (tỉnh Kon Tum) và nhiều địa phương khác trong cả nước cũng xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt rao bán homestay.
Ảnh minh họa
Hệ quả khi đầu tư theo phong trào
Theo tìm hiểu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng người dân ồ ạt rao bán homestay.
Anh D, một người dân kinh doanh dịch vụ homestay tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, có rất nhiều homestay trên địa bàn thành phố đăng tin rao bán kể từ thời điểm dịch Covid - 19 bùng phát cho đến nay.
Nguyên nhân của thực trạng nói trên xuất phát từ việc nhiều người dân kinh doanh không hiệu quả do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid - 19.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều người dân vay tiền ngân hàng mua đất ở thời điểm giá đất cao để làm homestay. Việc sử dụng đòn bẫy tài chính quá nhiều cộng với lãi suất ngân hàng tăng cao và kinh doanh không hiệu quả cũng khiến cho nhiều người trong số họ phải rao bán homestay.
Chưa hết, còn có tình trạng người dân đầu tư kinh doanh theo kiểu “bỏ trứng nhiều rổ”. Ở đây, có người cùng lúc vừa mua đất làm homestay lại vừa mua đất đầu tư kinh doanh bất động sản. Đối với những nhà đầu tư này, việc thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay khiến họ phải rao bán homestay để sớm thu hồi dòng tiền.
Mới đây, đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum đã chất vấn UBND tỉnh Kon Tum về thực trạng kinh doanh homestay trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum cho biết, việc kinh doanh homestay trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ mới là tự phát, chạy theo thị hiếu, chưa tương xứng giữa đầu tư và mở rộng quy mô. Thực tiễn này đã dẫn hệ quả một số homestay kinh doanh kém hiệu quả và chỉ sau một thời gian ngắn thì sang nhượng, rao bán trên các nền tảng xã hội.
Trả lời vấn đề nói trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho rằng thời gian vừa qua, xuất phát từ nhu cầu thực tế lượng khách du lịch đến Kon Tum tăng, nhất là tại khu du lịch Măng Đen - Kon Plong nên một số hộ dân đã mua đất, đầu tư theo mô hình “Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê”. Việc đầu tư homestay nói trên với quy mô tùy theo năng lực tài chính hoặc quỹ đất của từng hộ, cá nhân để kinh doanh lưu trú du lịch, tuy nhiên không hiệu quả.
Việc kinh doanh không hiệu quả xuất phát từ nguyên nhân, nhiều người kinh doanh chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường, chưa liên kết được với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh, chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền quảng bá cho cơ sở kinh doanh, đội ngũ nhân viên thiếu sự chuyên nghiệp,….
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư mua đất ở thời điểm giá cao, đầu tư lớn nhưng khi đi vào kinh doanh gặp thời điểm dịch bệnh, không có khách đến lưu trú và dẫn đến khó khăn.
Về nguyên nhân khách quan, nhà đầu tư gặp phải khó khăn trong việc vướng các quy định của pháp luật về đất đai, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất dịch vụ,…
Để đầu tư homestay đạt hiệu quả, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho rằng, nhà đầu tư cần xác định rõ mục tiêu kinh doanh để đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, quy mô xây dựng theo năng lực.
Nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật về kinh doanh du lịch, từ khâu xây dựng hạ tầng đến khi đi vào hoạt động kinh doanh đảm bảo các quy định.
Cùng với đó, cần có đội ngũ quản lý, nhân viên cần có kỹ năng chuyên môn, đảm bảo phục vụ khách du lịch tận tình, chu đáo, không để xảy ra các vi phạm gây mất thiện cảm với du khách,…
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do ngành du lịch mở hàng năm, hoặc đăng ký với trường Cao đẳng tỉnh Kon Tum, các địa phương khác để được đào tạo về chuyên ngành; tăng cường công tác tuyên truyền quảng cáo, liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh;…
-
Ngày càng nhiều bất động sản Mỹ được rao bán "bí mật"
Niêm yết bí mật hay chào bán riêng tư (whisper listing) là hình thức tiếp thị và giao dịch bất động sản qua các mạng lưới quan hệ của chủ nhà hoặc môi giới, thay vì quảng cáo công khai trên các sàn giao dịch.
-
Quảng Nam sẽ đầu tư dự án chống ngập thành phố Tam Kỳ quy mô 4.000 tỷ đồng?
Ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 8759/UBND-KTTH giao nhiệm vụ thực hiện thủ tục chuẩn bị dự án Chống ngập thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
-
Quảng Nam đề nghị bàn giao 868 ha đất khu vực phía Đông đường trục chính vào sân bay Chu Lai
Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 8707/UBND-KTN gửi đến Bộ Quốc phòng về việc rà soát, phân định, bàn giao phần đất dân dụng để thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam....
-
Thanh tra tỉnh Quảng Nam kết luận gì về việc huy động vốn tại dự án Khu dân cư số 1 mở rộng, phường Điện An?
Thanh tra tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Văn bản số 104/KL-TTT về kết luận thanh tra dự án khu dân cư số 1 mở rộng, phường Điện An, thị xã Điện Bàn do Công ty CP Xây dựng Minh Hoàng Long làm chủ đầu tư....