Sức ép tăng chỉ số CPI của VN trong những tháng tới nhìn chung sẽ đa dạng, khó lường và chuyển mạnh trọng tâm vào sự cộng hưởng các tác động trực tiếp và gián tiếp.

Để kiềm chế lạm phát, VN cần chủ động, linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ và hoạt động quản lý nhà nước, giữa yêu cầu thắt chặt với nới lỏng tài chính - tiền tệ, đảm bảo an toàn và hiệu quả vốn đầu tư

Ngoài ra, kinh tế thế giới 2010 còn tiềm ẩn nhiều bất ổn trên thị trường hàng hóa và tài chính-tiền tệ, trong đó có xu hướng tiếp tục hoặc gia tăng biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chủ chốt và khủng hoảng nợ do thâm hụt ngân sách của nhiều nước như là hệ quả các gói kích thích kinh tế trong năm 2009 và kéo dài đến 2010. Đồng thời, nhiều khả năng cho thấy sự phục hồi từng bước nền kinh tế và gia tăng các hoạt động tiêu thụ hàng hoá, nguyên liệu cả trên thị trường trong nước và thế giới (khi kinh tế thế giới phục hồi, giá dầu sẽ tăng cao, kéo theo giá xăng, phân bón, thuốc trừ sâu và các nguyên liệu sắt, thép, xi măng tăng...), nhất là những tháng cuối năm 2010, sẽ còn làm tăng đồng thời các loại lạm phát, đẩy chi phí và lạm phát ngoại nhập như mặt trái và hệ quả tất yếu của tăng trưởng và toàn cầu hoá.

Như vậy, có thể thấy, năm 2010, VN tiếp tục chịu đựng nhiều sức ép đa chiều, cả cũ và mới, về kích cầu đầu tư và tiêu dùng trung và dài hạn, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi và cơ cấu lại nền kinh tế thích ứng với các yêu cầu tự do hoá và cạnh tranh bình đẳng thị trường, bảo đảm tính kịp thời và linh hoạt trong phản ứng chính sách trước các biến động mau lẹ, bất lường của bối cảnh trong nước và quốc tế, tăng yêu cầu hỗ trợ và giám sát vĩ mô nghiêm ngặt từ phía nhà nước, đảm bảo ổn định hoá môi trường đầu tư-kinh doanh và sự cân bằng giữa các lợi ích và mục tiêu chính sách...

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2010 đã tăng 1,05%. So với tháng 12/2009, CPI tháng 10 tăng 7,58%, chỉ để lại khoảng hẹp 0,42% cho hai tháng cuối năm phấn đấu chốt vào mức tăng 8% cả năm như Chính phủ đã dự kiến. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng này tăng 9,66%. Còn bình quân 10 tháng năm 2010, CPI đã tăng 8,75%. Nhiệm vụ giữ mức tăng bình quân CPI dưới 0,5%/tháng cũng không dễ dàng, vì xu hướng là CPI thường vẫn tăng vào cuối năm, nhất là các tháng sát tết dương lịch, do gia tăng đột biến các hoạt động đầu tư kinh doanh và tiêu dùng gắn với lễ, tết, cũng như quy mô và tốc độ giải ngân các dự án cho kịp năm tài chính, nhất là từ nguồn đầu tư công. Tuy nhiên, vẫn có những hi vọng bình ổn và giảm giá trong thời gian tới gắn với thời điểm thu hoạch lúa gạo ở miền Bắc và khả năng giá xăng dầu từ nay đến cuối năm không tăng... Điều gần như chắc chắn là không có nguy cơ lạm phát cao trên 2 con số. Đồng thời, điều may mắn là trong bất luận trường hợp nào, thì lạm phát cao ngày nay cũng đã khác xa kiểu lạm phát mà VN đã đối diện trong những năm đầu đổi mới - thời kỳ mà nạn khan hiếm hàng hoá do năng lực sản xuất trong nước yếu kém, tình trạng phong toả, cát cứ kinh tế và những bất cập về thể chế khác đã gây những thiệt hại và ám ảnh nặng nề cho mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Để kiềm chế vững chắc các động thái lạm phát theo mục tiêu đề ra trong những tháng cuối năm và thời gian tới, Chính phủ hiện đã có chỉ đạo thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ chủ yếu và các nhóm giải pháp lớn để khôi phục phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát cao. Thực tế cho thấy, để ổn định và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế trong năm 2010 và tiếp theo, một mặt, VN cần chú ý hơn đến đảm bảo yêu cầu cạnh tranh kinh tế thị trường đầy đủ có sự kiểm soát có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước. Đặc biệt, cần chủ động, linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ và hoạt động quản lý nhà nước, giữa yêu cầu thắt chặt với nới lỏng tài chính - tiền tệ, đảm bảo an toàn và hiệu quả vốn đầu tư; kiểm soát chặt chẽ thâm hụt NSNN, nợ công, đầu tư nhà nước, lãi suất, tỷ giá, mức tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng phù hợp với các cân đối vĩ mô, đảm bảo khả năng an toàn thanh toán đối với nền kinh tế...

Dự báo tốt giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả điều hành thực tiễn. Còn việc bám sát thực tiễn điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp công tác dự báo thêm cơ sở tin cậy và mềm dẻo, chính xác hơn; phối hợp các hoạt động và cơ quan dự báo với giám sát, bao gồm cả giám sát chuyên ngành với giám sát hợp nhất, tổng thể toàn thị trường để cảnh báo sớm rủi ro và xử lý một cách hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, nhất là các rủi ro chéo, tránh các đổ vỡ dây chuyền và bất ngờ...
Cafeland.vn - Theo TS Nguyễn Minh Phong (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland