07/05/2020 7:01 AM
CafeLand - Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, ngành du lịch và thị trường khách sạn của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, một số kịch bản đã được đặt ra cho thị trường khách sạn một khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ngành du lịch thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo tiêu điểm thị trường khách sạn quý 1-2020 của CBRE Việt Nam mới đây, sau khi đạt kỷ lục về lượng khách quốc tế với 18 triệu lượt trong năm 2019, Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm về khách quốc tế trong quý 1-2020 ở mức 18,1% so với cùng kỳ 2019, đồng thời lượng khách nội địa cũng giảm 18% so với cùng kỳ.

Tháng 3 là tháng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ đại dịch trong quý vừa qua. Công suất khách sạn ở Hà Nội và TP.HCM trong tháng 3 giảm 56-60 điểm phần trăm, hoặc giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2019, giữa lúc lượng khách quốc tế cũng giảm mạnh đến 68,1% so với tháng 3 năm trước.

Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại cho ngành du lịch trong giai đoạn tháng 2 - tháng 4/2020 có thể lên đến 5,9-7,7 tỉ USD. Các khách sạn, công ty lữ hành và công ty du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong giai đoạn này. Nhiều khách sạn đã phải đi từ rút ngắn thời gian làm việc của nhân viên, sa thải nhân viên, đến việc tạm thời đóng cửa khách sạn khi quá trình vận hành không thể mang lại mức hòa vốn tối thiểu.

Vietnam Airlines ước tính doanh thu của hãng này có thể bị giảm 2,1 tỉ USD trong năm 2020.

Ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề trong đại dịch.

Tổng cục Du lịch Việt Nam dự kiến một sự phục hồi chậm cho ngành du lịch sau đại dịch, và đưa ra hai kịch bản chính cho du lịch Việt Nam trong năm 2020.

Với kịch bản 1, khi dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 6-2020, lượt du khách quốc tế trong năm 2020 dự kiến giảm 70% so với năm 2019;

Với kịch bản 2, dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 9-2020, lượt du khách quốc tế trong năm 2020 dự kiến giảm 75% so với năm 2019.

Theo CBRE, trong bất kỳ trường hợp nào, năm 2020 sẽ chứng kiến sự sụt giảm chưa có tiền lệ về lượng khách du lịch, dẫn đến việc suy giảm trầm trọng công suất phòng ở thị trường khách sạn. Ngoài ra, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

“Những biến động lớn cũng mang đến cơ hội cho những biến đổi lớn. Đây sẽ là giai đoạn quan trọng để sàng lọc những chủ đầu tư có thực lực và có khả năng thích ứng, giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ hơn khi đại dịch kết thúc”, ông Nguyễn Trọng Thức, Phó giám đốc CBRE Hotels Việt Nam, nhận xét.

Sau giai đoạn cách ly toàn xã hội, khi thu nhập chung có xu hướng đi xuống và số chuyến bay quốc tế còn hạn chế, nhu cầu du lịch nội địa sẽ được tăng cường. Ngoài ra, khách đi công tác lẻ cũng sẽ nằm trong nhóm phục hồi sớm sau đại dịch. Khi các chuyến bay quốc tế dần được mở lại, du khách từ Đông Bắc Á dự kiến sẽ quay lại Việt Nam sớm nhất.

Ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành của CBRE Hotels Asia Pacific, cho biết tình hình hoạt động trong ngắn hạn của thị trường khách sạn giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi không có sự chắc chắn về việc phải mất bao lâu để thị trường phục hồi hoàn toàn, kỳ vọng về giá trong các thương vụ khách sạn sẽ giảm xuống.

Theo ông McIntosh, dự kiến các khách sạn phụ thuộc nhiều hơn vào phân khúc khách du lịch quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với những khách sạn có nguồn khách doanh nghiệp mạnh.

Đầu quý 2-2020, CBRE Việt Nam nhận thấy có sự gia tăng nhu cầu đến từ bên mua từ các đơn vị tìm kiếm tài sản đang gặp khó khăn về dòng tiền, trong khi số lượng tài sản có nhu cầu bán ở phân khúc 4- và 5-sao là không đáng kể, vì chủ sở hữu/chủ đầu tư ở các phân khúc này thường là những tập đoàn lớn có đủ dự trữ vốn để vượt qua đợt khủng hoảng này. Một số khách sạn cao cấp đang được chào bán hiện nay thực ra đã được mở bán từ trước khi dịch bệnh xảy ra.

Kịch bản nào cho thị trường khách sạn 4-5 sao?

CBRE cho biết, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Hà Nội dự kiến sẽ có thêm một khách sạn 4 sao với 343 phòng trong quý 1/2020, và hai dự án khác trong năm 2020.

Song, sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đã buộc chính quyền thành phố phải ban hành lệnh tạm ngừng hoạt động kinh doanh du lịch từ cuối tháng ba và tạm dừng thi công các dự án trong giai đoạn cách ly kể từ đầu tháng tư.

Những diễn biến khó lường của dịch bệnh có thể sẽ ảnh hưởng đến việc khai trương ba dự án trên trong năm 2020. Kết thúc quý 1-2020, thị trường khách sạn 4-5 sao ở Hà Nội có tổng cộng 7.882 phòng với 35 dự án.

Diễn biến thị trường khách sạn phụ thuộc vào thời gian kiểm soát dịch bệnh.

Trong bối cảnh việc thực hiện giãn cách xã hội còn tiếp diễn đến cuối tháng 4, và tâm lý e ngại di chuyển lan rộng, ngành du lịch dự kiến sẽ cần khá nhiều thời gian để hồi phục. Tuy vậy, thị trường có thể phục hồi nhanh chóng hơn khi các doanh nghiệp quốc tế bắt đầu trở lại hoạt động bình thường, do nhiều khách sạn ở khu vực Đống Đa – Ba Đình luôn là sự lựa chọn ưu tiên của nguồn khách từ các tập đoàn này.

Giá phòng bình quân trong quý 1-2020 đạt 115,2 USD, giảm 6,6% so với quý 1-2019. Công suất phòng bình quân đạt 51,2%, giảm 28,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2019.

CBRE cho rằng, nhìn chung tình hình thị trường khách sạn tại Hà Nội vẫn khả quan hơn so với thị trường TP.HCM. Khách nội địa, và sau đó một chút là khách quốc tế từ khu vực Đông Bắc Á, được kỳ vọng sẽ là yếu tố dẫn dắt giai đoạn đầu của quá trình phục hồi sau khi đại dịch được kiểm soát.

Có hai kịch bản được đưa ra cho thị trường khách sạn khu vực này. Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 6/2020, giá phòng bình quân (ADR) cho năm 2020 giảm 8-13% so với 2019; công suất phòng giảm 46-51 điểm phần trăm so với 2019.

Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 9/2020, giá phòng bình quân cho năm 2020 giảm 15-20% so với 2019; công suất phòng giảm 50-55 điểm phần trăm so với 2019.

Tại TP.HCM, trong quý 1-2020, TP.HCM có thêm một dự án mới, nâng tổng số lượng phân khúc 4–5 sao lên 50 khách sạn với 10.945 phòng. Thị trường được dự báo sẽ chào đón nguồn cung mới với khoảng 3.000 phòng từ 15 dự án trong giai đoạn 2020 – 2023.

Hầu hết các khách sạn trên địa bàn TP.HCM đều ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong đại dịch. Giá phòng bình quân tại TP.HCM đạt 110,3 USD trong quý 1-2020, giảm 12,7% so với cùng kỳ 2019 và công suất phòng chỉ ở mức 42%, giảm 28,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ.

Tuy các khách sạn vẫn được lấp đầy khoảng 50% vào tháng hai, công suất phòng tháng 3 đã giảm mạnh 56,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2019 khi các biện pháp giãn cách xã hội ngày càng được thắt chặt.

Hai kịch bản được đưa ra cho thị trường khách sạn TP.HCM. Đó là nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 6/2020, giá phòng bình quân cho năm 2020 giảm 10-15% so với 2019; công suất phòng giảm 40-45 điểm phần trăm so với 2019.

Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 9/2020, giá phòng bình quân cho năm 2020 giảm 17-22% so với 2019; công suất phòng cho năm 2020 giảm 44-49 điểm phần trăm so với 2019.

  • Khách sạn Hà Nội sắp đón nguồn cung lớn sau dịch Covid-19

    Khách sạn Hà Nội sắp đón nguồn cung lớn sau dịch Covid-19

    CafeLand - Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đôc Savills Việt Nam, du lịch khách sạn là ngành đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Trong đó, nguồn khách du lịch nội địa sẽ giúp thúc đẩy công suất thị trường tăng lên.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.