Ít đối tượng được hưởng
Thị trường địa ốc đang trầm lắng nên nhiều ngân hàng thường "vịn" luôn vào đây để đưa ra chương trình khuyến mãi mặc dù đối tượng vay tiền đầu tư vào bất động sản đang bị co hẹp hết sức.
Tuy vậy, đa số các chương trình khuyến mãi đều phải gắn liền với hình thức hỗ trợ mua bán một loại tài sản nhất định. Hầu như ngân hàng nào cũng công bố mình có chương trình cho người mua nhà vay trả góp với lãi suất ưu đãi, nhưng thường chỉ trong 6 tháng đầu còn sau đó sẽ điều chỉnh khác.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đưa đối tượng có nhu cầu mua sắm các mặt hàng có giá cao như ô tô để khuyến mãi. Cụ thể Techcombank với lãi suất 0% khi mua xe Mercedes, người đi vay chỉ không phải trả lãi trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên sau thời gian này mức lãi suất có thể điều chỉnh theo mức của thị trường. Những mặt hàng như bất động sản cũng như ô tô được hỗ trợ tín dụng tối đa trong giai đoạn trầm lắng hiện nay cũng có thể là để kích cầu thị trường tiêu dùng.
Lãi suất cho vay mua nhà của HSBC Việt Nam chỉ có 9,99%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Hay tại Vietcombank, BIDV và HDBank khách hàng cá nhân có nhu cầu vốn mua nhà để ở cũng được ưu đãi ở mức 12%/năm trong năm đầu tiên. Đối với ANZ, lãi suất cho vay mua nhà để ở được áp dụng ở mức 11,8%/năm trong tháng đầu tiên...
Bên cạnh đó, với kỳ vọng kích thích được thị trường BĐS, các NHTM còn đưa ra rất nhiều "chiêu" để thu hút khách hàng vay mua nhà.
HSBC Việt Nam có chương trình dành cho 10 khách hàng đầu tiên đăng ký vay mua nhà từ ngày 23/8 sẽ được tặng một chiếc điện thoại Samsung Galaxy S3, được tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng, có tổng giá trị là 175 triệu đồng. Hay ACB trả hoa hồng cho người giới thiệu khách hàng đến ACB vay vốn mua nhà, đồng thời đưa ra chương trình "vay siêu tốc 24 giờ".
Tuy nhiên, những cái bắt tay này có thể chỉ để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và ngân hàng. Bởi lẽ, khi thị trường xuống dốc chưa có dấu hiệu đảo chiều thì những chương trình như thế này rất hạn chế người vay.
Bên cạnh đó, ngân hàng giai đoạn này ưu tiên khách hàng cũ hơn là khách hàng mới. Bởi vì dù sao họ cũng đã có một hồ sơ tín dụng của khách hàng. Nhất là những khách hàng trả lãi đúng hạn, sẽ càng được o bế hơn. Trong khi đó, khách hàng mới trong giai đoạn này lại bị thẩm định kỹ càng hơn.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho hay: "Hỗ trợ lãi suất nhưng không hạ chuẩn tín dụng. Đây cũng là ý kiến chung của các ngân hàng. Nợ xấu vẫn đang là nỗi ám ảnh thường trực. Người cho vay không dám cho vay với khách hàng lạ và có rủi ro cao".
Nhanh chân giành quà
Một điểm chung dễ nhận thấy trong các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi, đó là đều có các quy định về... kết thúc chương trình khi đã cho vay hết hạn mức. Như vậy "quà" chỉ dành cho những đối tượng nhanh chân tham gia ở giai đoạn đầu.
Cách đây chưa lâu, Eximbank cũng tung ra mỗi chương trình với lãi suất cho vay 7% cộng với bảo hiểm tỉ giá tối đa 3%. Theo trang web của ngân hàng này, chỉ trong 2 tuần đầu tiên đã giải ngân hơn 2.700 tỉ đồng với hơn 200 khách hàng. Chưa thể kiểm chứng được thông tin có thật hay không nhưng nếu là thật, thì những người vay đầu tiên quả là được lợi. Điều dễ thấy ở đây là, sự mập mờ chưa rõ ràng của chương trình đã thu hút đáng kể lượng doanh nghiệp quan tâm.
Tuy nhiên, ở một thời điểm khác, một doanh nghiệp kinh doanh trong ngành gỗ có liên hệ với nhân viên tín dụng ở một ngân hàng để tiếp cận chương trình khuyến mãi thì được báo chương trình này hiện tạm dừng. Nguyên nhân được giải thích thường là chương trình đã hết quỹ và một vài lý do khác.
Hiện nay các ngân hàng đã mạnh dạn hơn khi hạ lãi suất xuống chỉ còn 10-12%. Nhưng đó là với các chương trình cho vay mới, còn đối với những khoản vay cũ thì không như vậy. Mà khoản mới thì phải xét duyệt cẩn thận từng bước chứ không dễ dãi như trước được.
Một yếu tố mà khách hàng cần phải chú ý khi tìm hiểu các chương trình khuyến mãi của ngân hàng là lãi suất. Lãi suất sẽ rất hấp dẫn, trong khoảng thời gian đầu tiên. Nhưng sau đó, nó sẽ được điều chỉnh theo lãi suất thông thường trên thị trường. Cho dù Ngân hàng Nhà nước có chỉ thị giảm lãi suất, nhưng để lãi suất thực giảm thì còn phải chờ động thái từ phía các ngân hàng thương mại.
Con số hạn mức ở trên cũng như các yếu tố lãi suất và thời hạn của chương trình tín dụng khuyến mãi cho thấy rằng các ngân hàng chưa thực sự giảm lãi suất. Có thể còn vì nhiều lý do riêng khác nhau. Có thể vì sợ nợ xấu, có thể vì phải tự tăng cường nội lực để cân đối nguồn vốn huy động giá cao và giá rẻ.
Lẽ dĩ nhiên con số ở đầu bài sẽ còn thay đổi nhiều. Từ đây đến cuối năm, sẽ còn nhiều chương trình kết thúc và chương trình mới ra đời. Vì vậy mà không thể xác định được lượng tín dụng mà ngân hàng sẵn lòng cung cấp ra thị trường với giá rẻ là bao nhiêu.
Tăng trưởng tín dụng luôn là vấn đề được nhắc đến từ nay cho đến cuối năm. Tại TP.HCM, tín dụng tháng 7 chỉ tăng 0,5%, một mức tăng rất khiêm tốn. Cũng không loại trừ trường hợp ngân hàng tung ra những chương trình lãi suất cho vay hấp dẫn chủ yếu là để quảng bá cho mình hoặc chỉ để kiểm tra thị trường trước khi tăng tốc.