10/11/2022 4:52 PM
Theo UN-Habitat (Chương trình Định cư con người Liên Hợp quốc), việc thiếu nhà giá rẻ để mua hoặc thuê đang đẩy khoảng 100 triệu người trên thế giới vào cảnh vô gia cư.

Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2025, 1,6 tỷ người trên toàn cầu ​​sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nhà ở. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, chi phí nhà ở đã tăng nhanh hơn thu nhập tại hầu hết các quốc gia.

Theo tổ chức Lincoln Institute of Land Policy có trụ sở tại Mỹ, 90% trong số 200 thành phố được khảo sát chứng kiến nhà ở đang vượt quá khả năng chi trả, với giá nhà cao hơn gấp 3 lần thu nhập trung bình.

Nghiên cứu của công ty dịch vụ tài chính Moody’s Analytics chỉ ra nước Mỹ đang thiếu 1,5 triệu ngôi nhà, và nguồn cung nhà để bán hoặc cho thuê đang thấp nhất trong vòng 30 năm qua.

Điều gì gây ra khủng hoảng nhà ở?

Moody’s Analytics cho biết việc thiếu quỹ đất, thiếu vốn tín dụng, thiếu lao động và vật liệu xây dựng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu nhà ở tại Mỹ.

Tất cả đã làm tăng chi phí và cắt giảm tỷ suất lợi nhuận của các công ty xây dựng và nhà phát triển. Họ có ít động lực hơn để xây thêm nhà, “đặc biệt là nhà ở giá rẻ với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn”, Moody’s Analytics cho biết.

Covid-19 được cho là đã khiến cuộc khủng hoảng nhà ở tồi tệ hơn, vì người mua và người thuê tìm kiếm các căn nhà rộng rãi hơn để thích ứng với thời kỳ phong tỏa. Lãi suất thấp kỷ lục ở nhiều quốc gia, khiến chi phí vay mua nhà rẻ hơn cũng là nguyên nhân làm tình hình thêm trầm trọng.

Khủng hoảng nhà ở trầm trọng đến mức nào?

Theo công ty dịch vụ tài chính JP Morgan, giá nhà trên toàn cầu trong năm 2022 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 4 thập kỷ qua khi nhu cầu vượt xa nguồn cung.

Giá thuê cũng tăng vọt. Ở châu Âu, giá thuê nhà đã tăng 14,5% trong ba tháng đầu năm nay. Ở châu Á, tại một số thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới, người dân phải dành hơn một nửa thu nhập cho chi phí thuê nhà. Khoảng 11 triệu người Mỹ cũng ở trong tình hình tương tự.

Chi phí nhà ở tăng có nghĩa là người dân phải giảm chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu khác, gồm thực phẩm, điện nước, đi lại và chăm sóc y tế. Điều này cũng thúc đẩy lạm phát và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Không đủ khả năng chi trả cho nhà ở đang đẩy 100 triệu người trên thế giới vào tình trạng vô gia cư, theo UN-Habitat. Một phần tư dân số đang phải sống trong những điều kiện gây hại cho sức khỏe và không an toàn.

Thiếu nhà ở giá rẻ cũng buộc những người lao động có thu nhập thấp phải sống xa nơi làm việc, “làm tăng thời gian và chi phí đi lại, đồng thời làm giảm năng suất lao động”, Moody’s Analytics cho biết.

Sáng kiến để giải quyết khủng hoảng nhà ởd

UN-Habitat cho biết thế giới cần xây thêm 96.000 ngôi nhà giá rẻ mỗi ngày để đủ nơi ở cho khoảng 3 tỷ người có mức thu nhập tương ứng vào năm 2030.

Một trong những giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng nhà ở là quy hoạch đô thị. Các quốc gia đang chứng kiến dòng người di cư và tị nạn khổng lồ, bao gồm Cameroon, Ai Cập và Jordan, nằm trong số những nước đang theo đuổi chính sách này.

Nhật Bản đã rất thành công trong việc cung cấp nhà ở giá rẻ, ngay cả tại các thành phố lớn. Luật quy hoạch đơn giản cùng chính sách thuế phù hợp của quốc gia này đang khuyến khích phát triển nhà ở theo nhu cầu của người dân.

Tại Mỹ, chính phủ cam kết chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở trong 5 năm tới. Các giải pháp bao gồm khuyến khích nới lỏng luật và quy định sử dụng đất tại các tiểu bang, vốn đang khiến mật độ xây dựng bị hạn chế. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách để tăng nguồn vốn tín dụng cho hoạt động xây dựng nhà ở.

Trong khi đó, Scotland đã công bố kế hoạch tăng nguồn cung nhà vào năm 2040 thông qua một loạt cơ chế tài trợ để xây nhà giá cả phải chăng.

Tại Ấn Độ, chính phủ đã phê duyệt kế hoạch xây dựng gồm nhà tiền chế và sử dụng vật liệu tái chế nhằm cắt giảm chi phí xây dựng, từ đó tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ.

Một số công nghệ như in 3D đang được áp dụng tại châu Phi, Mexico, Ấn Độ, châu Âu, giúp tạo ra những ngôi nhà chất lượng cao nhanh chóng và rẻ hơn nhiều so với xây dựng truyền thống.

Lam Vy (WF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.