Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, Pháp đang chuyển đổi các tòa cao ốc văn phòng thành khu dân cư. Theo nhiều chuyên gia, quá trình này sẽ không dễ dàng.

AFP đưa tin đại dịch Covid-19 khiến các tòa cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại ở Pháp bị bỏ trống.

Bộ trưởng Bộ Nhà ở Pháp Emmanuelle Wargon cho biết gần đây, quốc gia này bắt đầu thử nghiệm việc chuyển đổi những nơi này thành khu dân cư nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở.

Theo bà Wargon, sự gia tăng đáng kể của lượng người "work from home" cũng giúp mở rộng quy mô các dự án như vậy.

Pháp bắt đầu thử nghiệm chuyển đổi từ cao ốc văn phòng sang nhà ở. Ảnh: Alain Jocard/AFP.

Tranh cãi

Gần đây, một nghiên cứu tập trung vào khu vực Paris - nơi sinh sống của gần 1/5 dân số Pháp - cho thấy hậu đại dịch, nếu khoảng 40% doanh nghiệp áp dụng 2 ngày "work from home" mỗi tuần, gần 30% (tương đương 3,3 triệu m2) không gian văn phòng mà họ chiếm giữ sẽ được tiết kiệm trong thập kỷ tới.

Đối với ngành bất động sản thương mại, ý tưởng biến các tòa cao ốc văn phòng thành khu dân cư là cơn ác mộng. Bởi đây vốn là lĩnh vực yêu thích của các nhà đầu tư vì dễ quản lý, cho doanh thu ổn định hơn.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, hơn 6% không gian văn phòng ở khu vực Paris đã bị bỏ trống, theo Viện nghiên cứu IEIF.

Giám đốc IEIF Christian de Karangal cho biết kế hoạch trên đã được thảo luận trong nhiều năm song chưa bao giờ dẫn đến hành động cụ thể.

Tuy nhiên, lần này có thể khác, ngay cả khi mức độ ảnh hưởng của "work from home" đối với việc sử dụng không gian văn phòng vẫn chưa rõ ràng.

"Bên cạnh việc các cơ quan công quyền khuyến khích quá trình chuyển đổi này, một số tòa nhà đang trở nên lỗi thời để sử dụng làm văn phòng", vị giám đốc lý giải.

Đại dịch làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nhà ở tại Pháp. Ảnh: News in.

Tuy nhiên, sự thay đổi không phải lúc nào cũng đơn giản.

Sebastien Lorrain - Giám đốc cấp cao tại Tập đoàn bất động sản thương mại quốc tế CBRE - cho biết: “Không phải tất cả tòa cao ốc văn phòng đều có thể chuyển đổi thành nhà ở. Theo nghiên cứu, chỉ khoảng 20% có tiềm năng chuyển đổi”.

Carlos Alvarez - trưởng dự án tại công ty kiến trúc Moatti-Riviere - nhận định một trong những vấn đề lớn nhất là ánh sáng tự nhiên.

“Các tòa nhà thương mại thường có diện tích sàn lớn nên khó đảm bảo tất cả phòng đều có cửa sổ đón ánh sáng tự nhiên. Điều này dễ dẫn đến sự phá hủy hơn là cải tạo”, Alvarez nói.

Một vấn đề khác là các tòa nhà được xây dựng vào những năm 1970 thường chứa amiăng, dẫn đến hàng triệu chi phí bổ sung nhằm loại bỏ vật liệu độc hại.

Cần thời gian

Norbert Fanchon - Giám đốc Tập đoàn nhà ở công cộng Gambetta - tin rằng để khởi động các dự án chuyển đổi, rào cản nằm ở tòa án địa phương, đơn vị cấp giấy phép xây dựng.

Theo ông, chính phủ cũng cần giảm bớt những ràng buộc về kỹ thuật và hành chính khiến việc tái phát triển các tòa nhà trở nên đặc biệt tốn kém.Viện IEIF cho biết tác động kiềm chế lạm phát đối với khu vực văn phòng của Paris sẽ mất nhiều thời gian.

Trước tiên, người sử dụng lao động cần xác định chính sách "work from home" sau đại dịch, đồng thời xem xét họ có thể giảm diện tích văn phòng đến mức nào. Với một số hợp đồng cho thuê thương mại kéo dài 9 năm, việc chuyển đổi sẽ diễn ra từ từ.

Alexandre Chirier - người đứng đầu bộ phận chuyển đổi tại Action Logement, nhóm chuyên xây dựng và vận hành nhà ở công cộng - cho biết đơn vị này đặt mục tiêu đầu tư 1,5 tỷ bảng (1,8 tỷ USD) trong vòng 3-4 năm để mua lại các tòa nhà văn phòng và chuyển đổi chúng thành 20.000 căn hộ.

Theo Chirier, điều được quan tâm là xây dựng sự cân bằng mà trong đó, khả năng tiếp cận, không gian xanh, không gian mở và chất lượng chỗ ở khiến mọi người cảm thấy dễ chịu.

Thiên Nhi (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.