Nguy cơ vỡ nợ công tại Hy Lạp có thể chuyển thành một cuộc đại khủng hoảng do vấn đề của Hy Lạp không chỉ dừng ở mối đe dọa kinh tế khu vực đồng Euro mà còn bị đẩy cao hơn thành nguy cơ khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.
Khủng hoảng ngân hàng và… vàng

Năm 2012, thâm hụt ngân sách Hy Lạp dự kiến ở mức 6,8% GDP so với 6,5% theo mục tiêu ban đầu. Điều này cho thấy rằng, Hy Lạp sẽ không thể thực hiện được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm nay và năm tới như đã cam kết trong gói giải cứu của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi năm ngoái.
Phản ứng tức thì với thông tin Hy Lạp không đạt các mục tiêu cam kết là việc đồng Euro trên thị trường châu Á rơi xuống vùng 1,3311 USD, thấp nhất kể từ ngày 18/1, so với 1,3451 USD tại New York cuối tuần trước. Đồng tiền châu Âu cũng giảm xuống 102,75 Yên, so với 103,12 Yên cuối tuần qua.
Tổ chức định mức tín nhiệm Moody's đã bất ngờ đưa ra cảnh báo về khả năng thanh khoản của tập đoàn tài chính Pháp - Bỉ Dexia. Cổ phiếu của Dexia ngay lập tức rớt hơn 10% giá trị. Điều này cũng ngay lập tức ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu ngân hàng ở Mỹ, điển hình như cổ phiếu của Morgan Stanley trượt 7,6%.
Sự lao dốc của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu. Cụ thể, Dow Jones trượt tới 258,08 điểm, tương ứng 2,36%, xuống 10.655,30 điểm. S&P 500 giảm 32,19 điểm, tương ứng 2,85%, xuống còn 1.099,23 điểm. Nasdaq Composite hạ mạnh 79,57 điểm, tương ứng 3,29%, xuống chốt ở 2.335,83 điểm.
Và tất nhiên, trong những bối cảnh hỗn loạn như thế này, giá vàng lại được dịp nhảy vọt. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/10, giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex tăng 35,4 USD lên 1.657,7 USD/ounce. Giá vàng giao ngay lên 1.660,9 USD/ounce.
Nguy cơ vỡ nợ công tại Hy Lạp có thể chuyển thành khủng hoảng ngân hàng toàn cầu và giới đầu cơ đã tìm cách bán tống bán tháo các loại cổ phiếu ngân hàng, khiến khối lượng giao dịch tăng vọt.
Phát biểu trước khi diễn ra hội nghị thường niên Đảng Bảo thủ cầm quyền, ông Cameron nhận định cuộc khủng hoảng ở Eurozone hiện là mối đe dọa không chỉ đối với bản thân khu vực mà còn là mối đe dọa đối với kinh tế Anh và cả kinh tế thế giới.
Theo ông, "hành động cần phải thực hiện trong những tuần tới là củng cố các ngân hàng châu Âu, xây dựng hệ thống phòng thủ mà Eurozone có, giải quyết vấn đề nợ một cách triệt để." Ông cũng bày tỏ nghi ngờ về việc liệu Eurozone có thể đi theo con đường hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn trong tương lai.
Trong khi đó Goldman Sachs dự báo khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái lần 2 hiện đã lên gần mức 50 – 50 bởi tỷ lệ thất nghiệp trong xu thế tăng và áp lực từ khủng hoảng châu Âu.
Chuyên gia kinh tế thuộc Goldman Sachs dự báo khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái lần 2 hiện đã lên gần mức 50 – 50 bởi tỷ lệ thất nghiệp trong xu thế tăng và áp lực từ khủng hoảng châu Âu trở nên căng thẳng hơn.
Cảnh báo mới nhất của Goldman Sachs cho thấy lo lắng về tình hình khủng hoảng nợ châu Âu và tác động của nó lên kinh tế Mỹ vốn đang tăng trưởng rất yếu kém.
Ông Hatzius nói: “Chúng tôi chỉ muốn phát đi tín hiệu rằng rủi ro đang lớn, xét đến thực tế trì trệ của thị trường việc làm, dù nó chỉ diễn ra từ từ. Lịch sử cho thấy quy trình kinh tế của Mỹ thường dễ chịu tác động từ thất nghiệp cao và động lực yếu kém của thị trường lao động.”
Goldman Sachs dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 0,5% trong quý 1/2012, dù Goldman Sachs nâng nhẹ dự báo cho khoảng thời gian còn lại của năm 2011. Goldman Sachs nhận định khủng hoảng châu Âu sẽ tác động đến Mỹ trên 3 phương diện: xuất khẩu, tài chính và tín dụng.
Chuyên gia khủng hoảng tài chính Richard Duncan (Mỹ) cho rằng, khả năng tiếp tục xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuộc khủng hoảng kép là rất lớn. Tín dụng của Mỹ đã tăng 50 lần so với 50 năm trước, từ 1.000 tỷ USD lên thành 50.000 tỷ USD. Khoản tiền này được bơm ra giúp cho nền kinh tế phát triển mạnh. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, người đi vay không còn khả năng chi trả thì cuộc khủng hoảng sẽ bùng nổ. Hiện nay chính phủ Mỹ vẫn cố gắng bơm tiền vào nền kinh tế nhưng đến một lúc nào đó chính phủ không thể bơm tiền thì khả năng xảy ra suy thoái là rất lớn.
Theo ông Richard Duncan, nguyên nhân khủng hoảng chính là do các nền kinh tế mất kiểm soát trong việc in tiền giấy. Trước đây tiền tương ứng với vàng và được xem như hàng hóa, hết vàng thì không in tiền nữa. Nhưng hiện nay tiền có tính pháp định do nhà nước in ra, không còn là hàng hóa quy đổi từ vàng. Cứ thế, trong vòng 40 năm qua, chính phủ in tiền và bơm vào nền kinh tế. Lâu dần, đến một lúc nào đó cả người đi vay và chính phủ đều mất khả năng kiểm soát.
Ông Richard Duncan nêu rõ, nợ công của châu Âu và Mỹ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính là chính phủ không có kiểm soát trong vấn đề in tiền và đồng thời cũng không có kiểm soát trong vấn đề vay mượn tiền. Hai yếu tố này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Trước đây tiền gắn liền với vàng nên chính phủ không thể vay được nhiều vì vàng có hạn, do đó người dân cũng không vay được nhiều. Hiện nay chính phủ vay quá nhiều thì lãi suất sẽ bị đẩy lên. Khi lãi suất tăng cao thì nền kinh tế bị giảm sút. Tiền mang tính pháp định nên chính phủ muốn vay bao nhiêu thì vay, vay càng nhiều thì chi tiêu càng nhiều. Điều này tương ứng với câu "Bạo phát thì bạo tàn".
Không kiểm soát trong chi tiêu cũng như trong việc in tiền của chính phủ là nguyên nhân dẫn đến tình hình nợ công gia tăng của các nước châu Âu. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến thương mại quốc tế. Nếu tiền được đảm bảo bằng vàng thì Mỹ muốn mua hàng Trung Quốc và trả bằng USD thì phải đảm bảo có tiền trong ngân hàng Trung ương. Lúc nào cần đổi từ tiền USD qua vàng thì phải luôn có sẵn. Một lúc nào đó dùng hết vàng thì chính phủ phải dừng, không mua hàng ngoại được nữa.
Hiện nay thế giới mất đi sự cân bằng về tài chính. Đơn cử Mỹ thâm hụt thương mại với Trung Quốc hàng năm khoảng 250 tỷ USD. Hoặc trường hợp của nước Đức xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Trung Quốc để lấy USD về nhưng họ lại cho Hy Lạp mượn để chi tiêu. Nhưng hiện Hy Lạp sụp đổ nên sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến Đức lẫn Trung Quốc. Nếu các nền kinh tế vẫn duy trì hệ thống bản vị vàng thì tình trạng hiện nay sẽ không xảy ra. Việc đồng USD đang chạy lòng vòng khắp thế giới và gây ảnh hưởng khủng hoảng domino đến nhiều nước.

Theo Thanh Anh (Tầm nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh