Bao nhiêu năm “đổ mồ hôi sôi nước mắt” kè sông, bồi đất, gây vườn, bỗng một ngày phần đất hủm mép sống kia thành đất mặt đường, thành quả lao động của người dân lại có nguy cơ mất trắng.
Theo đơn trình bày của 13 hộ dân ở tổ 3, phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai, đa số các gia đình sinh sống ở khu vực này từ trước năm 1979, sau đó được nhà nước cấp sổ đỏ. Do giáp với bãi bồi nên hàng năm nước dâng lên đến vườn. Để chống chọi với nước lũ, hằng năm bà con phải đổ đất đá, kè sông, chắn sóng bảo vệ móng nhà; bồi đất làm vườn trồng hoa màu, phát triển chăn nuôi, xây dựng các công trình phụ.

Dự án đầu tư kè sông Hồng được triển khai, con đường rộng rãi đã cơ bản được định hình, đất bãi trồng hoa màu phía sau nhà 13 hộ dân thuộc tổ dân cư số 3, phường Cốc Lếu vốn là đất hủm mép sông bỗng trở thành đất mặt tiền đường ven sông Hồng để chia lô làm nhà liền kề.


Nhiều lần người dân khu vực này đã viết đơn lên trình bày nguyện vọng với chính quyền, đề nghị được mua diện tích đất vườn tạp kéo dài phía sau mỗi gia đình để làm đất thổ cư. Tuy nhiên, những ý kiến của người dân từng gắn bó với thửa đất bồi này không giải quyết được bởi lí do: "Vị trí các hộ đề nghị xin mua thuộc quy hoạch khu tái định cư và nhà ở liền kề để bố trí cho các hộ di chuyển trong khu vực thuộc dự án kè sông Hồng đủ điều kiện được giao tái định cư" (Văn bản số 262/UBND -TN&MT ngày 30/9/2011 của UBND thành phố Lào Cai).


Trong khi đó, cùng một dải đất như vậy, ở các tổ dân cư khác trên cùng địa bàn phường Cốc Lếu thì thành phố lại tạo điều kiện cho các hộ dân được mua lại. Chính điều này tạo nên sự so sánh, gây dư luận về sự thiếu công bằng. Dư luận cũng đang bất bình trước việc một số hộ có trong danh sách được cấp đất tái định cư, nhưng không rõ đối tượng, tiêu chuẩn. Điển hình như, hộ ông Hoàng Văn Tấn đã bán nhà có sổ đỏ phía trước đường Hồng Hà, làm nhà tạm ra phía sau vườn gần bờ kè, nay lại được cấp đất tái định cư; tương tự như vậy, hộ anh Lương Xuân Trường (anh Trường có bố làm Trưởng Công an phường Cốc Lếu) nhập khẩu chưa lâu cũng được cấp đất.

Sự bức xức của bà con càng như “lửa đổ thêm dầu” do sai phạm của lãnh đạo phường: Ngày 2/11/2011, tại trụ sở Đảng uỷ phường Cốc Lếu diễn ra cuộc họp "thống nhất quan điểm giải quyết đơn đề nghị của 13 hộ tại đường Hồng Hà". Không một hộ dân nào trong diện có đơn kiến nghị được mời lên để "thống nhất giải quyết", nhưng trong biên bản lại có tên, địa chỉ của 5 hộ.


Trả lời thắc mắc của công dân về việc ghi khống biên bản, ngày 4/11/2011, Phó Chủ tịch UBND phường Cốc Lếu Hoàng Thái Phiên ký văn bản giải thích: "là do sơ suất của cán bộ ghi biên bản. Việc này UBND phường Cốc Lếu xin được rút kinh nghiệm, đồng thời sẽ thu lại biên bản cuộc họp". Dư luận đặt câu hỏi, không lẽ lãnh đạo UBND phường ký tên có đóng dấu quốc huy hẳn hoi cũng là sai do "sơ suất của nhân viên" (!?).


Trong khi chính quyền sở tại gây mất niềm tin như vậy, thì chính quyền thành phố lại đá bóng lên trên. Nói về vụ việc này, ông Đỗ Trường Giang, Chủ tịch UBND TP.Lào Cai khẳng định: Việc các hộ dân đề nghị mua đất ở là nhu cầu chính đáng, thành phố tôn trọng nguyện vọng của nhân dân. Nhưng việc có thể đấu giá bán hay không là thuộc thẩm quyền của tỉnh.


LS Nguyễn Văn Đoạt (Văn phòng luật sư Ngọc Bảo, Đoàn luật sư tỉnh Lào Cai): Theo Nghị định 181/2004-NĐ/CP và Quyết định 68/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai, ngoài diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì diện tích đất bà con đã được sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp dù chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ vẫn là đất sử dụng hợp pháp. Tuy nhiên khi thực hiện Dự án xây dựng kè bờ sông Hồng, UBND TP. Lào Cai đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai: không thống kê và lập dự toán đền bù, không có quyết định thu hồi đất mà vẫn triển khai dự án là làm ngược quy trình.


Theo Hùng Thi (Pháp luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.