Khu nhà công nhân ở Kim Chung - Bắc Thăng Long có tổng diện tích 20ha gồm 24 đơn nguyên với 1.084 phòng, có thể phục vụ gần 1 vạn chỗ ở cho công nhân của 63 doanh nghiệp. Thế nhưng, tình trạng công nhân bỏ ra ngoài thuê ngày càng nhiều khiến khu nhà đứng trước nguy cơ bỏ hoang…
Bất cập nhà ở công nhân
Khu công nghiệp Bắc Thăng Long nằm trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội tập trung khoảng 63 doanh nghiệp hoạt động với hàng vạn lao động và đã có thời gian công nhân không có chỗ ở. Trước tình hình đó, dự án hàng chục tỷ đồng xây thí điểm nhà ở công nhân tại xã Kim Chung của UBND TP.Hà Nội đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc xã hội hóa được giao cho Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thực hiện.
Theo đó, đơn vị này được giao 20ha đất và đã xây dựng 24 đơn nguyên với 1.084 phòng, có thể phục phụ gần 1 vạn chỗ ở cho công nhân. Nhưng đến nay có rất nhiều nhà bỏ trống, tính sơ bộ trong 6 đơn nguyên có tới 2.700 chỗ ở còn trống do không ít công nhân bỏ ra ngoài thuê khiến nhà xuống cấp trầm trọng. Nguy cơ lãng phí tiền tỷ nhìn thấy trước mắt.
Nhà công nhân không có người ở được cho thuê làm cửa hàng
Một nữ công nhân (quê ở Thái Nguyên) phàn nàn: “Chúng em ở thuê nhà chung cư này họ quản lý về thời gian quá chặt chẽ. Đến khoảng 22h là họ khóa cửa chung cư, lại “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhiều khi đi chơi với bạn về muộn một tý là phải ở ngoài.
Bất tiện hơn nữa là mỗi khi có người nhà lên chơi, muốn ngủ lại cũng không được và mỗi lần như vậy đều phải ra ngoài thuê phòng để ngủ qua đêm. Việc tiếp bạn bè hay người nhà cũng bị giới hạn, họ kiểm soát hoặc phải vào khu tiếp khách riêng nên bất tiện và không thoải mái. Cứ thế này chúng em chắc ế chồng”.
Cũng chung sự bức xúc, công nhân Tống Văn Tuấn (SN 1984, quê Thanh Hóa) thuê ở khu nhà ở công nhân Kim Chung cho biết: “Các anh thấy đấy, một phòng ở sức chứa khoảng gần 10 công nhân. Sáng nào tất cả chúng em đều phải dậy 6h30’ để vệ sinh cá nhân chuẩn bị đi làm, nhưng khu phụ thì lại quá nhỏ, chỉ có 2 chậu rửa mặt, 2 bệ xí nên người này phải chờ người kia, vì vậy thường xuyên bị muộn giờ làm. Khổ nhất khi sự cố tắc đường nước thải, hỏng mạng lưới cấp nước sinh hoạt... nhưng Xí nghiệp Quản lý nhà xử lý rất chậm”.
Đầu tư tiền tỷ, có nguy cơ bỏ hoang?
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được vợ chồng anh Tạ Thế Trung (SN1986, quê Yên Bái) công nhân khu công nghiệp này cho biết: “Ngày trước chúng em chưa cưới thì thuê nhà ở khu công nhân Kim Chung, được công ty hỗ trợ giá thuê nhà, mỗi tháng chỉ phải trả 50-70nghìn/người. Nhưng khi cưới rồi thì không thể ở trong đó được nữa vì quá bất tiện, nên chúng em phải chuyển ra ngoài thuê phòng để ở, nhất là khi sinh con. Dù giá cả thuê có đắt hơn nhưng được cái tự do, không gò bó.
Nếu được mong muốn, vợ chồng em cũng như rất nhiều gia đình công nhân khác trong khu công nghiệp muốn được Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho những công nhân có gia đình thuê. Vì trong khu nhà công nhân Kim Chung chỉ cho công nhân độc thân thuê. Cứ với tình trạng này, chắc chắn còn nhiều công nhân khác như chúng em ra ngoài thuê phòng ở là cái chắc, và đến lúc như thế, khu nhà sẽ thành bỏ hoang, vô cùng lãng phí”.
Mục sở thị trong khuôn viên 20ha khu nhà công nhân được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để giải quyết khó khăn về trỗ ở cho công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, có rất nhiều nhà chung cư bỏ trống. Bên cạnh đó, nhiều lô đất công cộng bị lấn chiếm dựng lều lán trái phép, rác thải bừa bãi khắp nơi, nhiều hạng mục nhà trẻ, công viên, nhà văn hóa không được đầu tư đúng kế hoạch để kịp thời phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân. Ngoài ra, rất nhiều khu nhà ở vị trí tầng 1 của khu chung cư đều được thuê bởi các nhà hàng, quán bia, bar, sửa chữa xe, phá vỡ quy hoạch kiến trúc...
Ông Phan Văn Biên - Chủ tịch UBNDxã Kim Chung trả lời phỏng vấn
Ông Phan Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết: Về quản lý nhà nước ở khu nhà công nhân, chúng tôi chỉ quản lý về đảm bảo an ninh trật tự, khai báo tạm trú, tạm vắng bên công an xã nắm. Còn quản lý nhà ở khu công nhân thì do Xí nghiệp Quản lý nhà ở xã hội quản lý; các quán bán bia, nhà hàng, quán thuê sửa chữa xe máy, cà phê... các khoản nộp và các loại thuế thì do cán bộ của công ty và cán bộ thuế huyện Đông Anh thu.
Để làm rõ thêm, chúng tôi đã điện thoại không ít lần cho ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, nhưng ông Sơn đều khước từ vì lý do bận...