Sau gần 15 năm Nhà nước đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, xây dựng nhiều công trình như hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, tỉnh lộ 25B… giá đất tại quận 2, Tp.HCM đã tăng vọt gấp nhiều lần. Cũng từ đó, khiếu kiện về giá đền bù, điều kiện tái định cư ngày càng gay gắt hơn.
Đáng lo ngại là nhiều trường hợp lấn chiếm, đầu cơ, sang nhượng trái phép, mượn danh tôn giáo để trục lợi từ đất đai liên tiếp xảy ra.

Đầu cơ đón lõng quy hoạch…

Khi tiến hành đền bù cho hộ ông Nguyễn Hồng Quang (ở số C5/1H tổ 5, khu phố 1, phường Bình Khánh, quận 2) vấp phải chủ nhà cũ khiếu nại, UBND phường Bình Khánh mới vỡ lẽ nhiều vấn đề khuất tất. Theo tường trình của ông Hà Văn Bé và bà Nguyễn Thị Lý: Vào năm 1996-1997, họ bán cho ông Quang căn nhà và cái ao, tổng diện tích 156m2. Nhưng đến khi đo vẽ hiện trạng đền bù thì nhà ông Quang đã "nở" lên đến 186m2. Ông Bé khiếu nại ông Quang đã lấn chiếm 30m2 đất. Hai lần hòa giải năm 2003, ông Quang thừa nhận có lấn thêm ra đất ruộng trống và đồng ý hỗ trợ tiền công tôn tạo cho ông Bé, nhờ vậy vụ tranh chấp cũng lắng dịu. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, ông Bé đã tố giác về giấy mua bán nhà năm 1992 là do ông Quang nài nỉ vợ chồng ông ký lùi ngày. Sự thật, thời điểm đó, trên đất chỉ có chuồng heo, mãi đến đầu năm 1996 ông Bé mới sửa lại thành nhà tạm để cho bà Ca Thị Phụng thuê và tới tháng 10-1996 thì bán lại cho ông Quang. Điều này trùng khớp với những biên nhận giao tiền, vàng của hai bên. Hồ sơ nhà đất còn lưu trữ một giấy xác nhận vào năm 1996 vợ chồng ông Quang kê khai chưa có nhà, đang ở nhờ gia đình vợ tại quận Tân Bình.

Từ đó, câu chuyện đầu cơ "ăn theo" quy hoạch dần hé mở. Khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy họach ngày 4-6-1996. Trong lúc nhiều người dân địa phương chưa hiểu rõ chính sách đền bù, tái định cư thì có một bộ phận nhà đầu cơ nhảy vào, mua đất nông nghiệp, vội vã cất nhà để chờ đền bù giá cao. Quả thật, dù nhiều lần bị xử phạt vì xây dựng trái phép nhưng rồi 156m2 đất ông Quang mua với giá 6 lượng vàng nay đã được chiết tính giá đền bù gần 3,5 tỷ đồng (hoặc 996 triệu đồng và căn hộ tái định cư 156m2).

Tháng 6-2001, bà Lê Thị Phú Dung (vợ ông Quang) mua thêm 652m2 ao ở phường An Khánh của bà Lâm Thu Thủy với giá 70 triệu đồng, đồng thời làm giấy cam kết "Được biết vị trí đất tôi nhận chuyển nhượng nằm trong khu quy hoạch trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm… Tôi sẽ sử dụng đúng mục đích và chấp hành nghiêm chỉnh chính sách đền bù". Sau đó bà ta lại xây cất nhà trái phép và nhiều lần bị xử phạt. Đến khi được tính đền bù 571 triệu đồng, vợ chồng ông Quang - bà Dung giãy nảy chê thấp và đưa ra mức giá 20 triệu đồng/m2 hoặc hoán đổi đất nền, tỷ lệ 40-70% đất ở!

Chiêu "lập khống giấy sang nhượng đất, ký lùi ngày" một lần nữa lại được tái sử dụng. Tuy ông Quang và bà Dung kê khai việc chuyển nhượng hơn 1.000m2 ruộng lúa của bà Trần Thị Hòa vào năm 2001. Thế nhưng, khi xác minh, địa phương phát hiện bà Hòa được cấp quyền sử dụng đất một phần vào tháng 3-2002, và ký chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông Quang vào ngày 25-2-2004. Do mua bán sau khi có Chỉ thị 34/2001 của UBND TP ngăn chặn việc chuyển nhượng đất nông nghiệp trong khu quy hoạch, nên UBND phường An Khánh không công nhận, yêu cầu hai bên tự giải quyết hậu quả phát sinh.

… Núp bóng Hội thánh Mennonite

Sau khi chuyện kê khai gian dối, lập khống giấy tay kéo lùi thời điểm chuyển nhượng đất hòng hưởng mức đền bù cao hơn bị phát hiện, ông Quang xoay qua tận dụng chính sách ưu tiên dành cho tôn giáo. Trong khi nhiều trường hợp san lấp, mua bán, xây dựng trái phép phải tháo dỡ, khôi phục hiện trạng và bị xử lý hành vi "vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai" thì ông Quang đã mượn chiêu bài "bảo vệ đất Chúa", không chịu nhận căn hộ tái định cư mà đòi đất để xây Hội thánh. Điều phi lý là ông Quang đứng tên cá nhân để sang nhượng đất nông nghiệp, nhưng lại dùng danh nghĩa Hội thánh Mennonite khi đòi hỏi bồi thường và cho rằng năm 2001 đã được Giáo hội Tin lành Mennonite Canada ở tận Bắc Mỹ công nhận là mục sư!? Bất chấp hàng loạt sai phạm, ông Nguyễn Hồng Quang lại lôi kéo thêm nhiều hộ sang nhượng đất trái phép khác hợp sức chống đối, tung tin bị "chính quyền bách hại".

Thực tế, những trường hợp người dân cư trú lâu năm tại quận 2 (trước thời điểm có quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm) đều được lựa chọn tái định cư bằng nền đất hoặc căn hộ chung cư. Riêng những hộ đến cư trú sau ngày đã công bố quy hoạch, chuyển nhượng trái phép chỉ được bố trí căn hộ mà không hoán đổi đất để ngăn chặn tình trạng đầu cơ.
Cafeland.vn - Theo HNM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland