Năm 2005, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương 2.200 ha là khu đô thị sinh thái, khai thác hệ thống mặt nước hiện có trong khu vực, kết hợp cây xanh tạo nên một đô thị hiện đại, hài hòa với môi trường xung quanh. Thế nhưng, tình trạng ngập lụt ở KĐTM này vẫn là lực cản với các nhà đầu tư.
Phải dùng ghe khi lũ về
Sau 15 năm ra đời, KĐTM An Vân Dương đã "mọc" lên nhiều dự án khang trang, dân cư đông đúc như KĐTM An Cựu, Phú Mỹ An, khu văn phòng và nhà ở tại lô LK2 (khu A), khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1 và giai đoạn 2 (khu B), KĐTM Mỹ Thượng (khu C)...
Tuy vậy, ông Hồ Ngọc Thiên - cư dân làng Vân Dương, phường Xuân Phú, TP Huế - lại tâm tư: "Cánh đồng lúa trước đây nay đã bồi cao nhường chỗ cho các khối nhà sừng sững khiến nước lũ thoát chậm do dòng chảy bị hạn chế, vấn đề ngập lụt chẳng được chú trọng giải quyết". Người dân KĐTM An Vân Dương vẫn còn "khiếp vía" khi nhớ lại các trận lũ, đặc biệt là cơn lũ tháng 10-2020, khiến các tuyến đường chìm trong nước.
Anh Nguyễn Hà, ngụ chung cư Vicoland thuộc khu A, kể: "Nước ở đây lên rất nhanh và rút chậm. Ngoài đường Tố Hữu có nơi ngập 0,5-1 m. Quanh khu vực chỉ còn cầu Phát Lát là không bị ngập, ôtô không kịp di chuyển đã bị nước nhấn chìm, khu chung cư chúng tôi mất điện nhiều ngày liền". Theo Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế, cao trình đỉnh lũ vào tháng 10-2020 tại KĐTM An Vân Dương đạt 3-3,1 m, gây ngập 1 m. Khi lũ về, hầu như toàn bộ KĐTM An Vân Dương đều bị ngập, giao thông tê liệt.
Theo kiến trúc sư Huỳnh Quang (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế), KĐTM An Vân Dương chỉ mới hình thành cái khung chứ chưa thành khu đô thị, không thu hút các nhà đầu tư như kỳ vọng của người làm quy hoạch. Ông Quang cho rằng biến đổi khí hậu, những tác động thiên tai gây lũ lụt chưa được xử lý đó là một hạn chế, tồn tại cần phải có giải pháp.
Cư dân khu đô thị mới An Vân Dương (tỉnh Thừa Thiên - Huế) phải di chuyển bằng ghe trong cơn lũ năm 2020
Nghiên cứu điều chỉnh
Theo kiến trúc sư Huỳnh Quang, thông thường, khu đô thị sau một thời gian quy hoạch cũng cần điều chỉnh theo 3 tiêu chí là mật độ xây dựng, độ lùi công trình và hệ số sử dụng đất nhưng phải toàn diện, tổng thể chứ không phải cục bộ, chi tiết, phân khu. Việc quy hoạch chưa giải quyết bài toán khu dân cư bị ngập úng sau khi san nền, mất cân bằng giữa khu mới và cũ, đồng ruộng nay đã bị san lấp để biến thành KĐTM nên gây tác động ngược. "Trước đây, khi lập quy hoạch, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã đề xuất cao độ khác hiện nay. Việc giải quyết là một bài toán hóc búa" - ông Quang nói.
Ông Huỳnh Minh Khang, Giám đốc Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết vào thời điểm lập quy hoạch KĐTM An Vân Dương thì cao độ đô thị được đề xuất là 2,6-2,8 m nhưng sau khi nghiên cứu, giảm còn 2 - 2,2 m, bảo đảm thoát lũ theo hướng Tây sang Đông, Nam sang Bắc. Năm 2019, Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã nghiên cứu, đánh giá ngập lụt ở khu A và đề xuất giữ nguyên cao độ đối với tuyến đường bờ sông. Theo ông Khang, qua cơn lũ năm 2020, cần điều chỉnh cao độ một số tuyến đường như đường 100 m, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Tỉnh lộ 10...
Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thực hiện đề án nghiên cứu, đánh giá toàn thể thủy văn của KĐTM An Vân Dương để tính toán, điều chỉnh nâng cao độ phù hợp, tránh tác động đến khu dân cư hiện hữu. Nhiều giải pháp được đặt ra như nâng cao độ một số tuyến đường song song với hướng thoát lũ, các trục đường có hướng Đông - Tây, khơi thông dòng chảy thoát lũ…
Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nướcÔng Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế, cho biết đang thực hiện các bước quy hoạch, lập đề án đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại KĐTM An Vân Dương từ nguồn vốn kết dư 1.500 tỉ đồng. Theo đó, dự án sẽ thực hiện xây dựng 2 hệ thống đường gom nước mưa và nước thải sinh hoạt riêng biệt, đưa về nhà máy để xử lý nước đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Có khoảng 19.000 hộ dân ở KĐTM An Vân Dương và khu đô thị Đông Nam Thủy An sẽ hưởng lợi từ dự án này. Sau khi dự án hoàn thành, ngoài xử lý nước thải sinh hoạt cho người dân, dự án góp phần thoát nước mưa cho những khu vực này. |
-
Trở thành đô thị loại 1: 'Cú hích' cho thị trường bất động sản cố đô Huế
Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc trở thành Đô thị trực thuộc trung ương vào năm 2025. Điều này được dự đoán sẽ tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, khi mảnh đất kinh kỳ này đã “ngủ yên” khá lâu.
-
Thừa Thiên Huế công bố quy hoạch xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại kết hợp dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình hơn 300 ha
UBND huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức Công bố Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại kết hợp dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình.
-
Thừa Thiên Huế quy hoạch mới khu đô thị sinh thái hơn 500 ha nằm ven sông Hương
Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố công khai Quyết định số 1843/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phân khu Khu đô thị sinh thái Thanh Tiên, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
-
Quy hoạch mới khu đô thị phía Bắc của thành phố Huế với quy mô hơn 185 ha
Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố công khai Quyết định số 2735/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phân khu khu đô thị phía Bắc, phường An Hòa, Hương Sơ, Hương Vinh (thành phố Huế) và xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà)....