Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 1/6, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng cần sớm có cách tháo gỡ về thủ tục để tăng nguồn cung, giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, công nhân là một trong những lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội nhưng có một thực tế là đời sống của công nhân lao động, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp hết sức vất vả. Đặc biệt là vấn đề nhà ở với diện tích nhà ở chỉ hơn 10/m2, là nơi sinh hoạt của cả gia đình.

Pháp luật hiện hành có những cơ chế chính sách ưu đãi nhằm phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân lao động như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào các dự án hoặc cho vay ưu đãi với lãi suất thấp,… nhưng hầu hết công nhân vẫn thuê trọ trong các khu dân cư.

“Các khu công nghiệp mọc lên trên khắp các tỉnh thành trên cả nước nhưng khâu quy hoạch nhà ở cho công nhân rất ít được quan tâm. Vì vậy, để công nhân tiếp cận được với nhà ở xã hội, các chính sách cần tăng nguồn cung”, ông Thông phát biểu.

Ảnh minh họa

Theo đại biểu, hiện nay doanh nghiệp không triển khai được dự án nhà ở xã hội là do vướng mắc khâu thủ tục về vấn đề xây dựng. Do vậy, cần tiết giảm thủ tục hành chính để các chủ đầu tư đẩy nhanh được tiến độ xây dựng nhằm tăng nguồn cung. Cùng với đó chính phủ phải nghiên cứu mô hình nhà ở xã hội phù hợp để triển khai.

Ông Thông lấy ví dụ ở Singapore, nhà ở xã hội do chính quyền xây dựng quản lý, đem cho người dân thuê với thời hạn dài lên đến 99 năm.

“Chúng ta có thể xem xét kết hợp theo hướng nhà ở xã hội của chủ đầu tư, cho thuê theo giá thị trường. Nhà nước bù phần chênh lệch giá thuê cho công nhân theo các chính sách xã hội của mình được hay không”, ông Thông đặt vấn đề và nói thêm nếu có thể giữ chân người lao động gắn với công việc thông qua con đường an cư, thì đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn của Việt Nam trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là khi dịch bệnh đi qua.

Phát biểu trong phiên họp ngày 2/6, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100 về phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải dành 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê. Sau thời hạn tối thiểu 5 năm nếu không có người thuê mới được bán nhà ở này.

Tuy nhiên, thực tế tại các đô thị loại 2 và loại 3 nhu cầu thuê nhà ở là rất thấp, khi giá thuê từ 3 đến 3,5 triệu đồng mỗi tháng, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người. Họ chỉ có nhu cầu mua, có thể dùng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đại biểu Trần Đình Gia lấy ví dụ thực tế ở Hà Tĩnh có trường hợp 80 căn hộ cho thuê không ai thuê nhưng có 350 đơn xin mua nhưng không được mua. Điều này tạo sự lãng phí rất lớn.

Đại biểu cũng nêu thực tế, những năm gần đây giá đất lên cao, nhiều địa phương đã chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất công nghiệp, đất ở và tổ chức đấu giá. Giá đất lên rất cao, người đấu giá không có nhu cầu ở, người có nhu cầu ở lại không có tiền để đấu giá.

“Chúng ta chuyển rất nhiều diện tích đất sản xuất thành đất ở nhưng sau đấu giá lại không để ở dẫn đến đất sản xuất thành đất để hoang”, ông Gia nói và đề nghị Quốc hội khi sửa Luật Đất đai cần xem xét nội dung này để sửa đổi.

Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.