Thưa ông, bài học nào từ giai đoạn đổi mới 30 năm qua mà ông cho là cần được quan tâm hơn cả?
Một là, quá trình thực hiện nghị quyết vào cuộc sống phải rất nhanh, để sau 5 năm giải quyết được cơ bản vấn đề như lạm phát, thiếu lương thực giai đoạn 1987-1991. Điều này có thể thấy ngay trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng. Hai là, chưa chọn đúng điểm nóng bức xúc để tháo gỡ và bứt phá.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Năm 1986, nền kinh tế Việt Nam có 2 điểm nóng là sản xuất tiêu dùng và nông nghiệp. Sau nhiều thành công của 30 năm đổi mới, đến nay, chúng ta lúng túng chưa chọn được khâu đột phá và thời gian triển khai thực hiện kéo dài.
Theo ông, sao lại có sự lúng túng này?
Lúng túng là do chúng ta chưa có mô hình tăng trưởng phù hợp với các kết quả đạt được của quá trình đổi mới. Cũng có nguyên nhân là chưa trả lời được câu hỏi khi Việt Nam trở thành một nước công nghiệp thì vai trò của nông dân, nông nghiệp trong nền kinh tế như thế nào.
Thứ nữa, chúng ta vẫn chưa xác định là tự đi ra thế giới hay đi cùng với mọi người. Có quan điểm nói rằng, chúng ta đã có uy tín trên trường quốc tế, vai trò trong khu vực… Nhưng nếu nhìn vào những con số xuất khẩu, tầm ảnh hưởng của ta với các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam thì có thể nói, vẫn chưa thể an tâm. Đơn cử, thị trường gạo mà ta đang là một nhà xuất khẩu lớn. Tại sao chúng ta cứ đi một mình một kiểu, đối đầu với các quốc gia xuất khẩu gạo láng giềng bằng cuộc chiến giá cả mà không có được một hiệp hội xuất khẩu gạo thế giới, ngồi cùng với Ấn Độ, Thái Lan để cùng cầm cương thị trường gạo. Hay trong công nghiệp, chúng ta có đi với Samsung trong chiến lược đi ra thế giới không, hay đi với Hyundai trong chiến lược đóng tàu?
Trong nông nghiệp, chúng ta đang mong muốn tỷ lệ người dân liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trên tổng dân số sẽ giảm xuống tầm còn khoảng 20% tổng dân số, thay vì 63% như bây giờ. Nghĩa là, sẽ có khoảng 50 triệu người lao động và những người có liên quan đến người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ chuyển sang phụ thuộc vào lĩnh vực công nghiệp và thương mại dịch vụ - đây là một bài toán chúng ta phải giải quyết trong 15 năm tới, từ nay tới năm 2030.
Khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về chủ đề này, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã đề nghị cần phải giải thích rõ với dân về việc Việt Nam có thể cơ bản trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không. Ông nghĩ thế nào về câu hỏi này?
Với góc độ người nghiên cứu, có thể nói với nhau nghiêm túc là đến năm 2020, chúng ta chưa thể trở thành 1 quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại. Chắc sẽ phải đến năm 2030. Nghĩa là chúng ta đang bị chậm mất 10 năm so với nhiệm vụ đặt ra.
Nhìn nhận thẳng thắn để tìm ra giải pháp và quan trọng là tận dụng cơ hội để bứt phá. Lấy ví dụ,tỉnh Bắc Ninh có tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ khoảng 95% GDP của tỉnh, 2% là của nông nghiệp đóng góp. Nhưng cơ cấu xã hội vẫn có tới trên 60% dân số sống ở nông thôn và làm nông nghiệp, chỉ khoảng 35-38% dân số sống ở đô thị. Vậy, Bắc Ninh là một tỉnh đã công nghiệp hóa theo hướng hiện đại thành công hay vẫn là một tỉnh nông nghiệp.
Trong 20 năm, chúng ta đã bỏ lỡ 2 cơ hội tăng tốc. Theo đúng quy luật, khi đã lỡ một chuyến tàu, ta sẽ phải đợi chuyển tiếp theo. Nhưng mỗi lần chậm là thêm một lần khó.
Năm 1997-1998, chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội tăng tốc khi các nước trong khu vực rơi vào khủng hoảng tài chính nặng nề.
Năm 2008, một lần nữa cơ hội bị bỏ qua khi chúng ta đã đặt vấn đề rất đúng là dùng gói kích cầu để hỗ trợ nền kinh tế. Tại thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế đã kiến nghị dùng số tiền đó kết hợp để tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X nhằm tăng tốc đạt mục tiêu đến năm 2020, nhưng đã không được chấp nhận.
Cũng phải nhìn thấy những cái khó của nền kinh tế còn yếu ớt trong hai lần khủng hoảng trên. Sau năm 1997-1998, nền kinh tế Việt Nam phải đến năm 2002 mới bắt đầu bước ra khỏi khó khăn. Giai đoạn tăng tốc chỉ khoảng 6 năm thì lại rơi vào cuộc khủng hoảng mới. Lần nào chúng ta cũng không tập trung xác định khâu đột phá, vì phải loay hoay chống đỡ khủng hoảng.
Ví dụ, năm 2008, rất nhiều quan điểm cho rằng, không nên kích cầu để tránh những hệ lụy kéo dài. Thực tế, hệ lụy này đã kéo dài đến tận năm 2011. Nếu không giải quyết dứt điểm khó khăn nội tại, vòng luẩn quẩn này khó có thể kết thúc và cũng khó nói trước được rằng, cơ hội đến chúng ta có lại bỏ lỡ hay không.
Hiện tại, có thể nói đang là một cơ hội để bứt phá? Nhất là khi các thể chế kinh tế thị trường đang được hoàn thiện theo hướng hiện đại?
Với các luật Doanh nghiệp, Đầu tư, Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua trong năm 2014, thể chế kinh tế thị trường ngày càng rõ nét.
Trong 2 năm qua, với các chương trình xây dựng pháp luật về kinh tế, có thể nói, về cơ bản, chúng ta đáp ứng được 80% tính tương thích với pháp luật của các nước trên thế giới.
Nhưng vấn đề còn lại trong thể chế - khâu tổ chức thực hiện - đấy mới là vấn đề.
Tiếp theo là cách thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta quản lý để hỗ trợ, chứ không phải quản lý để gây khó. Ví dụ, doanh nghiệp đăng ký đầu tư 1 tỷ đồng, thì nhà quản lý không phải ghi thống kê 1 tỷ đồng, mà phải quản lý làm sao để doanh nghiệp đưa được hết số tiền này vào hoạt động càng sớm càng tốt, chứ không phải cứ ghi trong vốn đăng ký.
Chúng ta đã xác định mục tiêu xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại bằng nền kinh tế thị trường XHCN. Tức là nền kinh tế vận hành theo các quy luật của thị trường là yếu tố có tính tổng quát, định hướng XHCN?là tính đặc thù riêng có của Việt Nam. Vì vậy, trong xây dựng và vận hành nền kinh tế, cần tôn trọng cái phổ quát để tạo ra cái riêng có, đặc thù của Việt Nam.
Nếu cải thiện theo hướng này, cộng với động lực từ những cải cách môi trường pháp lý, áp lực không thể né tránh của hội nhập, chúng ta sẽ lên kịp chuyến tàu này.