Khu kinh tế mở Chu Lai chính là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại Quảng Nam thời gian qua
Kinh tế phát triển
Sau 25 năm xây dựng và phát triển (1997-2022), Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển đã vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế tăng nhiều lần so với năm đầu tái lập, đóng góp 14% số thu ngân sách tỉnh về ngân sách Trung ương.
Năm 2021, quy mô kinh tế hơn đạt hơn 102.600 tỉ đồng, tương đương 4,5 tỉ USD, gấp hơn 40 lần so với năm 1997. Quảng Nam vươn lên đứng thứ 2/5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung và xếp thứ 4 trong 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung.
Đặc biệt, nhiều con số “biết nói” khác cũng đã lột tả được bức tranh phát triển của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 1997-2021 đạt hơn 188.000 tỉ đồng, tăng bình quân 23,6%/năm. Năm 2021, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 23.700 tỉ đồng, tăng gấp 104,5 lần so với năm 1997.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương từ 535 tỉ đồng năm 1997 tăng lên hơn 19.400 tỉ đồng vào năm 2021, tăng gấp 36,3 lần, đồng thời có mức tăng bình quân 16,1%/năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển năm 2021 là 8.700 tỉ đồng, chiếm 45% tổng chi ngân sách địa phương, tăng gấp 54 lần so năm 1997, với tăng bình quân 19,6%/năm.
Giai đoạn 1997 đến năm 2021, cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Nam chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng phi nông nghiệp từ 50% lên 86% và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp từ 50% xuống còn 14%. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng giữ vai trò quan trọng, là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, tổng vốn đầu tư xã hội tăng nhanh đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng. Vốn đầu tư xã hội tăng ở tất cả các nguồn vốn, ngân sách nhà nước, vốn ngoài nhà nước và cả vốn đầu tư nước ngoài và tăng dần qua các năm.
Trong giai đoạn 1997-2021, vốn đầu tư đạt hơn 205.000 tỉ đồng, tăng bình quân 18,1%/năm. Trong đó, vốn đầu tư năm 2021 đạt 30.200 tỉ đồng và gấp 2,6 lần so với năm 2010, gấp 64 lần so với năm 1997.
Kết cấu hạ tầng được Quảng Nam tập trung đầu tư và từng bước được đồng bộ, nhất là hệ thống đường ven biển gắn với sân bay và hệ thống cảng biển Chu Lai được hình thành như: Cầu Cửa Đại, cầu Giao Thủy, cầu Đế Võng, đường ven biển Võ Chí Công từ Hội An đến sân bay Chu Lai, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; mở rộng Quốc lộ 1A.
Sau 25 năm đổi mới và xây dựng, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh tăng về số lượng và quy mô. Các thành phố, thị xã, thị trấn được nâng cao chất lượng đô thị, trở thành những trung tâm phát triển của địa phương, khu vực và của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư thành thị và nông thôn, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh.
Từ năm 2016 thành phố Tam Kỳ lên đô thị loại 2, phấn đấu phát triển đô thị loại 1 vào năm 2025; Điện Bàn từ huyện lên thị xã năm 2015; các thị trấn, thị tứ, khu đô thị mới được quy hoạch đầu tư mở rộng, hạ tầng cải thiện phát triển khá.
Một dự án của Tập đoàn Vingroup tại vùng Đông Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình
.... thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư
Những số liệu nêu trên đã phần nào cho thấy bức tranh phát triển kinh tế xã hội tại Quảng Nam thời gian qua. Đó là động lực quan trọng, thôi thúc nhiều tập đoàn tên tuổi lớn tìm đến Quảng Nam để đầu tư các dự án quy mô lớn.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay, tổng số dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 914 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 236.023 tỉ đồng, với lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ...
Các dự án đầu tư có quy mô lớn đã và đang triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như Trung tâm Phát triển nông nghiệp Thadi - Chu Lai của Công ty cổ phần sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng); đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (vốn đầu tư 2.095 tỉ đồng); khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An của Tập đoàn VinGroup (vốn đầu tư 4.800 tỉ đồng). Một số dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch, phát triển đô thị, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao của các nhà đầu tư chiến lược khác như Tập đoàn Thaco Trường Hải, Tập đoàn SunGroup,…
Cùng với đó, đến nay, tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 193 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 5,8 tỉ USD.
Các dự án FDI đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia có nhiều dự án nhất với 54 dự án và tổng vốn gần 600 triệu USD. Một số dự án FDI tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam như Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (Singapore) có tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD, Nhà máy sản xuất vải mành của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, Nhà máy dệt may và phụ liệu dệt may của Công ty TNHH Panko Tam Thăng (Hàn Quốc) có tổng vốn 70 triệu USD.
Tập đoàn Thaco Trường Hải dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng để phát triển Trung tâm cơ khí của Thaco tại Chu Lai để trở thành Trung tâm cơ khí đa dụng của miền trung, Công ty NutiFood cũng đầu tư vào Công ty CP Thương mại Dược – Sâm Ngọc Linh Quảng Nam khoảng 2.000 tỉ đồng.
Một số tập đoàn, công ty lớn đang nghiên cứu đầu tư vào Quảng Nam như SunGroup, Novaland, Ecopark, FLC, FPT, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, liên doanh các nhà đầu tư Singapore,…
Phố cổ Hội An là một điểm đến du lịch hấp dẫn du khách thế giới
Đón làn sóng đầu tư mới
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong các quy hoạch quan trọng. Đây là cơ sở để chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, phân bổ đất đai trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.
Quy hoạch còn là cơ sở để các địa phương định hướng những dự án đầu tư công thuộc danh mục ưu tiên đầu tư và cả những dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên thu hút đầu tư.
Hiện Quảng Nam đã xây dựng dự thảo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo quy hoạch này phân tích hàng loạt điểm mạnh của tỉnh Quảng Nam, như vị trí địa lý mang đến những lợi thế chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại.
Quảng Nam có nhiều tài nguyên có giá trị rất cao, tạo nên lợi thế vượt trội so với các địa phương khác, giữ vai trò là nhân tố quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối Quảng Nam với các tỉnh, thành phố khác.
Nhiều hạ tầng chiến lược được quy tụ tại Khu kinh tế mở Chu Lai là điều kiện thuận lợi cho khu kinh tế này trở thành “trạm trung chuyển quốc tế”, trở thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đi các nước trên thế giới.
Đặc biệt, quy mô và cơ cấu kinh tế Quảng Nam đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành tỉnh có tiềm lực kinh tế, thị trường thu hút các dự án đầu tư và đóng góp cho ngân sách trung ương.
Quảng Nam cũng đã hình thành tiềm lực công nghiệp vượt trội so với nhiều tỉnh trong vùng và cả nước, có sự đa dạng về các ngành công nghiệp và sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ.
Chưa hết, Quảng Nam cũng đã tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhờ đó nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước và tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đã đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh như ThaCo, VinGroup, SunGroup, Hyundai, Mazda, Suntory-Pepspico.
Mua nhà đất tại Quảng Nam cần lưu ý gì? Song song với sự phát triển về kinh tế xã hội, Quảng Nam cũng là địa phương phát triển mạnh mẽ về thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở tại khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Tuy nhiên, việc thị trường bất động sản phát triển quá nóng đã dẫn đến những hệ lụy mà đến nay cả nhà đầu tư, chủ đầu tư lẫn chính quyền địa phương vẫn đang phải loay hoay xử lý. Đơn cử như vấn đề nhiều dự án bất động sản bán 'lúa non' khiến cho hàng nghìn nhà đầu tư phải cầu cứu khắp nơi để mong sớm được giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các dự án chậm bàn giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan. Nhiều chủ đầu tư yếu kém về năng lực, không tích cực triển khai dự án; gặp phải vướng mắc về quy hoạch, hồ sơ pháp lý; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; phải tạm dừng dự án trong thời gian dài để điều chỉnh quy hoạch phân khu;... Bên cạnh khuyến cáo không nên mua các sản phẩm bán 'lúa non' tại các dự án ở Quảng Nam, nhà đầu tư cũng nên thận trọng khi mua các sản phẩm nhà đất trong dân tại địa phương này. Bởi lẽ, Quảng Nam hiện có gần 150.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên giấy chứng nhận ghi đất thổ cư hoặc đất ở + đất vườn mà không ghi cụ thể diện tích đất ở. Hiện nay, địa phương này đang loay hoay tìm phương án xử lý công nhận lại diện tích đất ở đối với các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên. |
-
Bất động sản ven biển Quảng Nam, Quảng Ngãi sắp sôi động trở lại?
Quảng Nam và Quảng Ngãi đang tổ chức lập quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị dọc hai bên các tuyến đường ven biển, nhằm hướng đến đa mục tiêu, khai thác tối đa hiệu quả mà các tuyến đường này mang lại.
-
Làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) - Làng Du lịch tốt nhất năm 2024
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng ngày 15/11, làng rau Trà Quế (Hội An) được vinh danh trong mạng lưới Làng du lịch tốt nhất năm 2024 của Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc - UN Tourism....
-
Quảng Nam sẽ đầu tư dự án chống ngập thành phố Tam Kỳ quy mô 4.000 tỷ đồng?
Ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 8759/UBND-KTTH giao nhiệm vụ thực hiện thủ tục chuẩn bị dự án Chống ngập thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
-
Quảng Nam đề nghị bàn giao 868 ha đất khu vực phía Đông đường trục chính vào sân bay Chu Lai
Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 8707/UBND-KTN gửi đến Bộ Quốc phòng về việc rà soát, phân định, bàn giao phần đất dân dụng để thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam....