Vấn đề nóng nhất tại các phiên chất vấn một số thành viên Chính phủ vừa qua tại Quốc hội vẫn là hiện trạng đình trệ sản xuất thể hiện trên chỉ số hàng tồn kho và nợ xấu còn rất lớn. TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có những kiến giải về vấn đề này.

Trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, chỉ số hàng tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đã giảm từ 26% trong tháng 6 xuống còn 20% vào thời điểm 1/10 - thấp hơn so với cùng kỳ 2010 và 2011. Theo ông, đây có phải là tín hiệu đáng mừng?

Hàng tồn kho ở Việt Nam tăng cao là hệ quả của suy thoái kinh tế trên thế giới, bên cạnh đó là do những yếu tố chủ quan trong nước như lập kế hoạch phát triển ngành có vấn đề về tầm nhìn của cơ quan quản lý và chính DN, đặc biệt còn liên quan đến tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế. Chỉ số hàng tồn kho có xu hướng giảm dần qua các tháng, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao trong bối cảnh các DN khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và mức độ giảm không đồng đều giữa các ngành. Một số lĩnh vực vẫn còn rất khó khăn như hàng tồn kho BĐS và liên quan đến BĐS rất lớn. Vì vậy, không nên vội lạc quan với chỉ số hàng tồn kho, dù chỉ số này có giảm nhẹ.

Vậy ông có khuyến nghị để giải quyết nút thắt này trong nền kinh tế?

Dư địa để giải quyết vấn đề hàng tồn kho vẫn còn nhiều. Đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; tăng tốc đầu tư công cũng góp phần kéo lượng cầu lên; hay việc thúc đẩy giải ngân tốt hơn cho các dự án xây dựng cơ bản, bởi hiện ngân sách nhà nước cũng nợ các DN rất nhiều. Tất nhiên, để tăng sức cầu thì có liên quan mật thiết đến sự hồi phục của nền kinh tế, qua đó nhu cầu đầu tư sản xuất của DN tăng lên, người lao động có thu nhập, sẽ mở rộng hầu bao hơn. Cho nên ở đây không thể tách riêng câu chuyện xử lý những vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng như dòng chảy tín dụng, lòng tin thị trường và sự ổn định, mở rộng thị trường… với hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của DN. Mặc dù vậy, tôi cũng cho rằng, giải quyết hàng tồn kho không có nghĩa là “cứu” tất cả và có những ngành do quy hoạch sai, phát triển quá ồ ạt cũng phải chấp nhận “đau đớn”.

Giải trình tại Quốc hội sáng 13/11, Thống đốc NHNN cho biết, đến 30/9/2012, nợ xấu theo đánh giá của NHNN là 8,82%, gần gấp đôi so với con số báo cáo của các TCTD. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?

Tôi khẳng định nợ xấu của Việt Nam hiện nay rất nghiêm trọng, bởi mức độ lớn và đang gia tăng (dù rằng mức gia tăng có giảm qua các tháng). Mặc dù vậy, các giải pháp xử lý cũng đã được triển khai và có được kết quả ban đầu. Cụ thể, Thống đốc cho biết, theo giải pháp cơ cấu lại nợ cho các DN khó khăn tạm thời, từ tháng 4/2012 đến tháng 6/2012 đã có khoảng 36.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại; đến 30/9/2012 thì quy mô xử lý đã tăng rất mạnh với khoảng 252.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng dư nợ của nền kinh tế, theo Thống đốc, hiện đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tức là có khoảng 8 - 9% nợ đã được xử lý. Tôi muốn nhấn mạnh đến con số, bởi nếu để tự hệ thống ngân hàng xử lý hơn 8% nợ xấu trên tổng dư nợ 2,7 triệu tỷ đồng nói trên thì sẽ mất rất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, bắt tay vào xử lý nợ xấu cần chuẩn bị rất căn cơ, như bên cạnh một chương trình tương đối cụ thể, chi tiết, cần phát triển khung pháp lý cho công ty xử lý nợ quốc gia… Trên tất cả là sự đồng lòng trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu. Chỉ khi có sự thông suốt giữa tất cả các bên liên quan thì mới có thể xử lý một vấn đề đã bị tích tụ quá lâu.

Theo Hồng Dung (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.