Trong bản công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, hết quý 3/2024 lượng hàng tồn kho bất động sản tăng mạnh so với quý trước. Dù vậy, giá bán vẫn tiếp tục neo cao ở phần lớn địa phương.
Theo số liệu báo cáo của 60/63 địa phương, lượng tồn kho bất động sản, tức số lượng bất động sản của dự án đủ điều kiện đưa vào giao dịch theo quy định của pháp luật nhưng chưa giao dịch trong kỳ báo cáo tại các dự án trong quý 3 vào khoảng 25.937 căn, nền (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư có 4.688 căn; nhà ở riêng lẻ có 12.250 căn; đất nền có 8.999 nền.
Báo cáo cũng cho biết có 141.363 giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý vừa qua. Đáng chú ý, gần 103.000 lượt giao dịch thuộc loại hình đất nền, chiếm đến 73%.
Dù vậy, so với quý 2, lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ đã có xu hướng tăng, trong khi giao dịch đất nền giảm 18%.
Hết quý 3/2024 lượng hàng tồn kho bất động sản tăng mạnh so với quý trước
Cũng theo Bộ Xây dựng, giá bán bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn. Hiện tượng tăng giá có tính cục bộ, xảy ra ở một số khu vực, loại hình, phân khúc bất động sản dẫn đến tác động làm tăng giá chung.
Với chung cư, giá căn hộ tại Hà Nội, TP.HCM tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ, mặt bằng giá dự án mới đã tăng khoảng 4-6% theo quý và 22-25% theo năm. Thậm chí, Bộ Xây dựng cho biết có một số khu vực tăng cục bộ khoảng 35-40% so với quý trước.
Với biệt thự, nhà ở liền kề trong dự án, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết tại Hà Nội, giá có xu hướng tiếp tục tăng so với quý trước. Phần lớn các dự án mở bán mới trong quý này có vị trí thuận lợi, nằm ở các khu vực đang được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, do đó mức giá chào bán sơ cấp tương đối cao.
Giá thứ cấp của nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội quý này đạt trung bình khoảng 160 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý và gần 7% theo năm. Một số dự án tại các khu vực như Đông Anh và Long Biên mức tăng giá thứ cấp tăng khoảng 5% theo quý, nhờ vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và sản phẩm của các dự án mới đang dần hoàn thiện.
Còn tại TP.HCM, báo cáo cho hay giá sơ cấp gần như ổn định. Một số khu vực giá giảm mạnh ở phân khúc cao cấp, diện tích rộng, giảm khoảng 14% theo quý và 28% theo năm. Riêng các sản phẩm có giá dưới 10 tỷ đồng có giao dịch khá tốt.
Báo cáo cũng chỉ rõ một số dự án tại TP.HCM có giá chuyển nhượng giảm 3-4% như An Phú An Khánh (TP Thủ Đức), hiện còn 265,6 triệu đồng/m2; Q7 Saigon Riverside (quận 7) giảm còn 79,2 triệu đồng/m2; Sim City (TP Thủ Đức) giảm còn 62,5 triệu đồng/m2...
Bên cạnh đó, một số dự án tăng giá gồm Mỹ Phú 3 (quận 7) tăng khoảng 4,4% lên mức 278,9 triệu đồng/m2, Villa Park (TP Thủ Đức) tăng khoảng 4,6% lên mức 123,8 triệu đồng/m2.
Ghi nhận của Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam gần đây cho thấy, các đô thị lớn như Tp.HCM và Hà Nội, thị trường nhà ở hiện nay thiếu hụt nguồn cung giá hợp lý khi thị phần phân khúc này đã giảm từ 60% năm 2016 xuống chỉ còn 35% năm 2024, căn hộ sơ cấp dưới 2 tỷ đồng biến mất hoàn toàn.
Theo bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu Savills TPHCM, giả sử có thể tiết kiệm tối đa 40% thu nhập mội tháng, một hộ gia đình thu nhập trung bình sẽ cần hơn 30 năm để có thể mua một căn nhà với điều kiện giá nhà không tiếp tục tăng. Nhưng với diển biến gia tăng liên tục của của thị trường thì điều này là phi thực tế.
Còn theo đơn vị nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield, với việc quỹ đất trong nội thành sẽ ngày càng khan hiếm, thúc đẩy nguồn cung chuyển sang các khu vực xa hơn nhờ các dự án phát triển hạ tầng sắp hoàn thành. Tại thị trường TP.HCM, khu vực phía Đông dự kiến sẽ trở thành một khu vực thu hút nguồn cung chính, theo sau là các quận xa hơn ở phía Nam và phía Tây.
Trong khi đó tại thị trường Hà Nội, Khu vực Trung tâm, khu vực rìa trung tâm và khu vực phía Tây dự kiến sẽ khan hiếm nguồn cung căn hộ. Đến năm 2025, các quận/ huyện ngoại ô được dự báo dẫn đầu về nguồn cung căn hộ mới nhờ vào việc liên tục phát triển cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị, với các huyện Đông Anh và Gia Lâm sẽ lên quận và đóng góp vào nguồn cung từ các khu đô thị lớn
Ba luật bất động sản mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, dự kiến sẽ giải quyết các vấn đề pháp lý, đẩy nhanh việc phát triển dự án và tăng nguồn cung nhà ở mới trong tương lai.
-
Phân khúc bất động sản nào tồn kho nhiều nhất trong quý đầu năm?
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, lượng tồn kho tại các dự án trong quý 1.2024 chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền.