05/04/2018 7:33 AM
Một số ĐBQH đã nêu ý kiến như vậy khi đề cập đến việc đảm bảo yếu tố an ninh, quốc phòng ở các đặc khu kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến tại Hội nghị - Ảnh: TTXVN

Đây là một trong những nội dung quan trọng nằm trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) được cho ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách ngày 4/4.

Đột phá, mở rộng không đồng nghĩa với dễ dãi

Đề cập đến quy định về thời gian cho thuê đất lên tới hơn 90 năm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Lê Thanh Vân cho rằng, thời gian này là quá dài và cần cân nhắc, vì ba vị trí dự định thành lập đặc khu (Vân Đồn - Quảng Ninh, Phú Quốc - Kiên Giang và Bắc Vân Phong - Khánh Hòa) đều là vị trí nhạy cảm, có tính chất tiền tiêu. “Ba vị trí này lại nhô ra biển Đông, tác động của nó ở khía cạnh phòng thủ quốc gia sẽ thế nào?”, ông Vân lưu ý và nhấn mạnh thêm quan điểm không đánh đổi chủ quyền quốc gia để có thể phát triển bằng mọi cách.

Đồng quan điểm, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách TP.HCM lưu ý, chính sách đột phá, mở rộng không đồng nghĩa với dễ dãi. “Thời gian giao đất quá dài thì sau này con cháu chúng ta xử lý thế nào nếu có vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng? Chúng ta từng nói không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá. Vì thế, cũng không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia để phát triển bằng mọi cách”, ông Khuê nói.

Ông Khuê cũng nhắc đến các ý kiến của cử tri khi nhiều người gửi thư kiến nghị nên chăng có bước đi thận trọng trong việc này, Quốc hội cho thí điểm thực hiện để rút kinh nghiệm hay đồng loạt triển khai một lúc 3 đặc khu, vì mỗi nơi có ưu thế riêng và cơ chế ưu đãi cũng có nhiều cái riêng.

Làm rõ thêm các ý kiến băn khoăn về thời hạn giao đất, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, thời hạn giao đất 99 năm chỉ trong trường hợp đặc biệt và thực tế sau này khi xem xét yếu tố “đặc biệt” phải trải qua quy trình với nhiều cấp thẩm quyền quyết định. Quy định như vậy nhằm đảm bảo độ mở của luật để hạn chế việc sửa đổi nếu có sau này, chứ không phải giao ngay đất với thời hạn trên.

“Không sợ không kiểm soát được quyền lực”

Đặt vấn đề về cơ chế, ĐB Bùi Văn Phương, Phó đoàn ĐBQH chuyên trách Ninh Bình cho rằng, điều quan trọng trong luật này là phải có sự vượt trội về thẩm quyền, cơ chế vận hành. Giữ quan điểm không nên tổ chức theo cấp chính quyền, tức có HĐND ở các đặc khu, ông Phương khẳng định “chúng ta không sợ không kiểm soát được quyền lực”, bởi lâu nay chỉ vì chưa thực sự công khai, minh bạch nên mới có nhiều sai phạm mà không có kiểm soát, giám sát.

Về việc chính quyền ở đặc khu được giao nhiều thẩm quyền, ông Phương cho rằng, ban đầu chỉ giao một số thẩm quyền, còn lại đặc khu thực hiện nhiệm vụ theo các quy định đã có ở những luật khác. “Cơ quan giám sát có nhiều. Cơ quan T.Ư nào giao thẩm quyền thì cơ quan đó có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn. Nếu đặc khu cố tình làm sau khi có cảnh báo thì trách nhiệm thuộc về đặc khu”, ông Phương nêu quan điểm.

Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Vân đánh giá mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa thể hiện được cơ chế kiểm soát quyền lực trong điều kiện trao thẩm quyền quá lớn cho chính quyền đặc khu. “Cơ chế kiểm soát quyền lực của trưởng đặc khu thế nào? Tư duy mới là ưu đãi vượt trội thì chế tài, trách nhiệm phải vượt trội”, ông Vân góp ý.

Tranh luận lập Ban tư vấn kiểm soát quyền lực

Theo trình bày của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, để tăng cường kiểm soát hoạt động của các cơ quan chính quyền đặc khu, dự thảo luật bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của T.Ư thông qua Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập. “Việc bổ sung cơ chế này cũng là tiếp thu kinh nghiệm của các nước nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu”, ông Định giải thích.

Cho rằng nếu quy định hàng loạt vấn đề phải xin ý kiến của Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu là chưa phù hợp, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) lưu ý, nếu thêm Ban Tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu thì vô hình trung làm mất tính chủ động, thêm sự ràng buộc với UBND và Chủ tịch UBND. Do đó, không cần thiết có ban này.

Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cũng không đồng tình việc thành lập ban này và cho rằng, đây là bước có thể sẽ kéo lùi, làm chậm thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch UBND và UBND đặc khu. Hơn nữa, việc tổ chức ban ngay trong đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là chưa phù hợp chủ trương của T.Ư về tinh gọn tổ chức bộ máy.

Nêu quan điểm khác, đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH lại cho rằng, việc thành lập Ban Tư vấn hỗ trợ phát triển là cách làm mới nhằm giám sát và cân bằng quyền lực khi thẩm quyền trao cho các đặc thu là rất lớn. Theo đó, những vấn đề lớn cần xin ý kiến ban này, tránh tình trạng cứ làm rồi khi xảy ra sai phạm lại đi xử lý cán bộ.

Bỏ quy định buộc các DN công nghệ phải đặt máy chủ tại Việt Nam

Cùng ngày, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật An ninh mạng. Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trần Ngọc Khánh cho biết, với quy định bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam, sau khi cân nhắc nhiều mặt, đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo luật, nhưng có giới hạn về chủ thể (doanh nghiệp) và dữ liệu lưu trữ tại Việt Nam như điểm dự thảo luật đã chỉnh lý.

Liên quan đến quy định về phòng, chống chiến tranh mạng và tác chiến trên không gian mạng, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Tuấn, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng cho biết, dự luật Quốc phòng sửa đổi sắp trình Quốc hội đã đề cập nội dung phòng chống chiến tranh mạng. Do vậy, dự luật An ninh mạng cần bỏ quy định này để tránh chồng chéo

Hoài Thu (Báo Giao thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.