Theo Thanh tra Chính phủ, tính đến nay, có 42 dự án nhà cho người thu nhập thấp đã được khởi công xây dựng với tổng diện tích sàn là 907.000 m2, tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 73.200 người thu nhập thấp. Tuy nhiên, đến nay, mới có 1.714 căn hộ được hoàn thành đưa vào sử dụng, với hiện tích sàn 95.000 m2, chỉ đạt 1% so với kế hoạch.
Đặc biệt, Dự án Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông (TP. Hà Nội) và Dự án Nguyễn Tri Phương (TP. Đà Nẵng) xây chung cư cao trên 6 tầng, vi phạm Luật Nhà ở.

Cơ quan Thanh tra cũng cho biết, đến nay mới chỉ có 9 dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam ký kết hợp đồng tín dụng cho vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền 1.042 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay thấp một phần do các chủ đầu tư thực hiện các dự án không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi Hồ sơ vay vốn của ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp.


Về đối tượng được thuê - mua nhà ở thu nhập thấp, dù Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 36/2009/TT - BXD ngày 16/1/2009 hướng dẫn cụ thể, nhưng việc UBND TP. Hà Nội quy định đối tượng thu nhập thấp được mua nhà phải là “các hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại các quận, phường” là chưa hợp lý, vì điều kiện để nhập hộ khẩu Hà Nội là phải có nhà ở, phần lớn các đối tượng có nhu cầu mua nhà chỉ có hộ khẩu tạm trú và trên địa bàn TP.Hà Nội còn có các đối tượng mua nhà thuộc các xã, huyện.


Trong khi đó, việc thực hiện thí điểm xây nhà cho sinh viên, công nhân khu công nghiệp cũng không mấy khả quan. Theo thống kê, có 94 dự án nhà ở sinh viên được khởi công từ năm 2009 đến nay tại 28 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với mục tiêu cung cấp 330.000 chỗ ở cho học sinh, sinh viên.


Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 151 khối nhà đã hoàn thành với nguồn vốn trái phiếu đã phân bổ là 7.500 tỷ đồng (trên tổng số 8.000 tỷ đồng được Chính phủ phân bổ), cung ứng 125.000 chỗ ở.


Theo số liệu tổng hợp của 8 chủ đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, tính đến ngày 30/11/2011, nguồn trái phiếu Chính phủ đã cấp là 2.405 tỷ đồng, nhưng các dự án này đang xây dựng dở dang, sinh viên chưa vào ở được. Nguyên nhân là, việc phê duyệt mức đầu tư chưa chính xác, nguồn vốn trái phiếu chính phủ chưa cấp đầy đủ, chủ đầu tư xây dựng dàn trải. Tương tự, các dự án xây nhà ở cho công nhân khu công nghiệp chỉ đạt 54% kế hoạch. Nhà ở công nhân khu công nghiệp có 27 dự án đã khởi công, đến nay mới chỉ có 9 dự án được đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư 1.625 tỷ đồng, đáp ứng chỗ ở cho 27.800 người lao động.


Trong kiến nghị tại Kết luận thanh tra về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà ở, việc xây dựng Chương trình quốc gia về nhà ở giai đoạn 5 năm, chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Xây dựng còn chậm, chưa ban hành tiêu chí phân loại với các loại nhà ở khác, chưa xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành được khung giá cho thuê nhà công vụ, khung giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội đến thời điểm nghị định số 71/2010/NĐ-CP có hiệu lực. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chậm trình Thủ tướng ban hành Đề án Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội theo yêu cầu của Chính phủ, chưa quản lý và thống kê được quỹ đất dành cho phát triển nhà xã hội trên phạm vi cả nước.


Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình, chỉ tiêu phát triển nhà ở, đánh giá định kỳ, công bố thông tin về nhà ở...Đồng thời, yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, bổ sung vốn đầu tư với các dự án nhà ở sinh viên; thành lập đoàn thanh tra xử lý các tồn tại trong các dự án nhà ở sinh viên, cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long như chậm tiến độ, bán nền sinh lời quá quy định.

Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.