Năm 2016, NHNN đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18-20% và kết quả đạt 18,39%. Năm nay, NHNN đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18%, có thể điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế. Cùng với đó, NHNN ban hành nhiều quy định nhằm nâng cao chất lượng tín dụng. Trước tình hình này, nhiều NHTM chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tương đương năm ngoái và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên.
Chưa kỳ vọng bứt phá
Ngay từ đầu năm các NH đã đẩy mạnh cho vay, nhất là nguồn vốn ưu đãi để thu hút khách hàng. Như DongA Bank triển khai gói tín dụng ưu đãi 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay ngắn hạn hay trung, dài hạn để bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư mua trang thiết bị, nhà xưởng, kho hàng, phương tiện vận chuyển… với lãi suất thấp nhất 5,5%/năm và cao nhất không quá 8%/năm.
BIDV triển khai gói tín dụng mới 15.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,5%/năm đối với các khoản vay dưới 6 tháng, và từ 6,8%/năm đối với các khoản vay 6-11 tháng. OCB có gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng, trong khi KienLong Bank có gói tín dụng đồng hành phát triển nông nghiệp 400 tỷ đồng, lãi suất từ 7,8%/năm.
Theo nhận định của các TCTD, tính đến hết tháng 1, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 2,18%, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 0,2%. Đây là mức tăng rất khả quan bởi theo quy luật trong quý I, tín dụng tăng rất chậm do nhu cầu vốn của doanh nghiệp lẫn khách hàng cá nhân giảm sút.
Mặc dù nỗ lực đẩy vốn ra thị trường và tín dụng có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, song đối với kế hoạch cho cả năm 2017, các NH vẫn thể hiện sự thận trọng. Cụ thể, năm nay Vietcombank đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 18%, thấp hơn mức 18,9% đạt được trong năm 2016. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế năm 2016 của Agribank tăng 17,5% nhưng mục tiêu đề ra cho năm 2017 ở khoảng 14-18%.
Một số NHTMCP tuy chưa công bố nhưng cũng cho biết kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ phù hợp định hướng của NHNN cũng như điều kiện thị trường. Sự dè dặt này cho thấy nhiều NH không kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ có sự bứt phá mạnh so với năm ngoái.
Tâm lý này một phần do NHNN cho biết năm nay tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung và dài hạn, đối với nhóm khách hàng lớn, lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT trong ngành giao thông.
Ảnh minh họa: LONG THANH
Dần đi vào chất lượng
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, cơ cấu tín dụng của các NH vẫn có những rủi ro về chênh lệch kỳ hạn, NHNN đã sửa đổi Thông tư 36, ban hành Thông tư 06 về các tiêu chuẩn an toàn hoạt động các TCTD. Tới đây, NHNN sẽ xem xét nghiêm túc hơn việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhằm tránh các tác động từ rủi ro bên trong và bên ngoài. Như vậy, các NH đang vượt mức an toàn phải tăng cường huy động vốn mới đủ điều kiện để cung cấp tín dụng cho thị trường.
Không chỉ vậy, hoạt động cho vay sắp tới còn chịu tác động từ Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Theo đó, từ ngày 15-3, trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thuộc các lĩnh vực ưu tiên quy định tại Thông tư 39; lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ được áp dụng theo cơ chế thỏa thuận, người vay có quyền mặc cả với NH. Song trên thực tế khi vay vốn, đa số khách hàng đều bị động và NH là người quyết định lãi suất. Hiện DN lo ngại lãi suất sẽ tăng do NH vẫn có xu hướng tăng lãi suất huy động.
Nếu lãi vay tăng, DN sẽ xem xét lại nhu cầu vay vốn để kiểm soát chi phí, chủ động trong kinh doanh. Ngoài ra, Thông tư 39 quy định các đối tượng (như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác…) không có tư cách pháp nhân vay vốn tại các TCTD, chỉ có thể vay với tư cách cá nhân, với lãi suất thông thường, nên dự kiến nhu cầu vốn cho đối tượng này cũng sẽ giảm sút.
Năm 2016, dù lãi từ dịch vụ tăng mạnh nhưng thu nhập lãi thuần vẫn chiếm trên 70% tổng thu nhập hoạt động của các NH. Do đó, việc NHNN kiểm soát chặt tín dụng cùng với cơ chế cho vay mới, dự báo sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng của các NH năm nay.
Song các NH cũng đang thích nghi bằng cách chuyển hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Một lãnh đạo Vietcombank cho biết trong tháng 1 tăng trưởng tín dụng của NH đã đạt 4%, tập trung các lĩnh vực ưu tiên, DN đang kinh doanh hiệu quả, các dự án tốt…
Bà Natasha Ansell, Tổng giám đốc Citibank Việt Nam, nhận định NHNN đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả về số lượng và chất lượng, cùng với việc tín dụng của các NH tập trung vào sản xuất thay vì vào chứng khoán hay bất động sản, là hướng đi phù hợp với thị trường Việt Nam. Citibank Việt Nam cũng có hạn mức rất nhỏ vào lĩnh vực bất động sản và kế hoạch tín dụng năm 2017 là tập trung hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất.
Việc siết tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro là điều cần thiết. Bởi sau khi tái cơ cấu thoát khỏi nguy cơ về đổ vỡ, ngành NH cần phải siết lại kỷ cương, nâng cao chất lượng tín dụng. Theo đó, việc cấp tín dụng không thể cào bằng như trước mà phải theo quy luật thị trường. DN nào chất lượng tốt khả năng tiếp cận tín dụng cao, DN rủi ro hoặc chất lượng kém khả năng tín dụng kém.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia
Đỗ Linh (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.