Như đã được dự báo trước, Hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất bầu ban quản trị của khu căn hộ Keangnam Hanoi Landmark Tower diễn ra sáng nay (10-3) đã bị thất bại.
Không bầu được Ban quản trị Keangnam vì thiếu minh bạch
Cư dân Keangnam phản đối cuộc bầu cử do tổ chức thiếu minh bạch, công bằng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Sáng nay (10-3), công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Keangnam Vina chính thức tổ chức hội nghị chung cư lần thứ nhất, bầu ban quản trị của khu căn hộ Keangnam Hanoi Landmark Tower.

Theo lịch trình, hội nghị này sẽ diễn ra theo hai bước: Bước 1, từ 9h – 11h, các chủ sở hữu căn hộ sẽ đến đăng ký tham dự và bầu ban quản trị theo danh sách các ứng cử viên đã được niêm yết tại các bảng thông tin ở hai tòa tháp A, B của khu căn hộ Keangnam Hanoi Landmark Tower; Bước 2, từ 11h-12h30 tiến hành kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử và thông báo biên bản cuộc họp, quyết định hoặc nghị quyết của Hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất.


Tuy nhiên, như đã được dự báo trước đó, hội nghị này đã thất bại giữa chừng, chưa bầu được ban quản trị.


Đến 9h30, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Keangnam Vina – ông Ha Jong Suk đã phải cầm loa gửi lời xin lỗi đến toàn thể cử dân vì việc bầu cử đã thất bại, hẹn cư dân vào một ngày gần nhất sẽ tiến hành lại.


Không bầu được Ban quản trị Keangnam vì thiếu minh bạch
Nhiều người cho rằng cuộc bầu cử không khác nào một cái chợ. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Ông Trần Xuân Trạch, Tổ trưởng tổ dân phố Keangnam bức xúc nói: Keangnam Vina đã tiến hành Hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất (HNNCC) thiếu khoa học, không công khai, minh bạch.


“Hội nghị tổ chức sáng 10-3 nhưng tận ngày 8-3 họ mới bắt đầu gửi giấy mời, thậm chí nhiều người chỉ vừa nhận được tối qua hoặc sáng sớm nay. Như thế, cư dân quá bị động, không thể có thời gian để tìm hiểu kỹ thông tin về các ứng cử viên được đề xuất, hết sức vô lý, thiếu công bằng ” – ông Trạch nói.


Ông Bùi Ngọc Vinh, đại diện một hộ dân ở đây bức xúc cho rằng hội nghị không khác nào “một cái chợ”: “Giấy mời ghi địa điểm tổ chức ở tầng 48 của tòa nhà 72 tầng, nhưng thực tế lại tổ chức ngay tại tầng một. Không hề có sự giới thiệu đại biểu, ứng cử viên này nọ. Mọi người đi lại nhốn nháo, không theo một trật tự nào cả.”


Theo ông Trần Xuân Trạch, hội nghị sáng nay không có sự chủ trì của chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng. Với cách thức tổ chức như vậy của Keangnam Vina, nhiều cư dân cho rằng đây chỉ là việc làm mang tính hình thức, nhằm đạt mục đích: hoặc không tổ chức được HNNCC, không bầu được ban quản trị, hoặc trong trường hợp HNNCC diễn ra, việc bầu cử sẽ có khả năng bị gian lận, tiêu cực và ban quản trị thực chất không đại diện cho quyền lợi của đại đa số cư dân.


Nếu một ban quản trị không đại diện cho số đông cư dân và đứng về quyền lợi chung của các cư dân, dịch vụ cung cấp không đủ chất lượng và thiếu minh bạch thì sự bất ổn trong khu chung cư Keangnam sẽ còn tiếp diễn theo chiều hướng ngày càng phức tạp.


Không bầu được Ban quản trị Keangnam vì thiếu minh bạch
Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Keangnam Vina – ông Ha Jong Suk xin lỗi vì cuộc bầu cử thất bại.
Ảnh: Tuấn Nguyễn

Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 19-1-2012, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản số 528/SXD-QLKT gửi công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Keangnam Vina yêu cầu Keangnam phải cung cấp đầy đủ thiết yếu cho cư dân, đồng thời phải khẩn trương tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban quản trị đại diện chính thức cho cư dân.


Ngày 23-2, công ty này đã cho ban hành Dự thảo quy chế tổ chức Hội nghị nhà chung cư, dán tại sảnh tòa nhà. Tiếp đó Keangnam tiếp tục ra quyết định chính thức tổ chức hội nghị vào ngày 10-3.


Đáng nói ở chỗ, Dự thảo quy chế được Keangnam đưa ra cũng không đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như: Nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư, chức năng nhiệm vụ của Ban quản trị….


Trong thông báo về Hội nghị ngày 10-3, Keangnam Vina cũng cho hay, nếu không tổ chức được Hội nghị nhà chung cư, hoặc không bầu được Ban quản trị thì “việc quản lý hai tòa nhà A và B sẽ vẫn do Chesnut quản lý và áp dụng mức phí 18.848 đồng/m2 cho đến khi bầu được Ban quản trị”.


Phản ứng về quyết định này, nhiều cư dân của tòa nhà bức xúc: Kể từ lúc Dự thảo quy chế được đưa ra đến lúc hội nghị được tổ chức chỉ có hai tuần. Thời gian gấp gáp như vậy nên thực tế nhiều người vẫn chưa nắm được thông tin, như vậy không thể đảm bảo tính khách quan của hội nghị.


Tại cuộc họp các cư dân diễn ra tối 9-3, nhiều cư dân còn lo ngại về tính minh bạch của các lá phiếu, đặc biệt là bằng chứng về các căn hộ đã được Keangnam bán.


Theo đó, như thông báo của Keangnam, họ chỉ còn 33 căn chưa bán và sẽ nắm quyền bỏ phiếu của 33 căn đó. 80 căn đã bán chưa tất toán hết thì sẽ để phiếu trắng.


Như vậy, sẽ có khoảng 800 căn hộ là có quyền bỏ phiếu, tuy nhiên, số căn hộ đang ở Keangnam kể cả chủ hộ lẫn cho thuê thì được nhìn nhận là không thể đến số đó.


Trong 23 ứng viên, Keangnam mặc nhiên sẽ có 1 phiếu, số người ứng cử từ phía Ban đại diện lâm thời giới thiệu cũng chỉ có 10 người, còn lại là do Keangnam chỉ định.


Bà Trịnh Thúy Mai, Trưởng Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam, cho biết: Nếu một Ban quản trị được bầu ra không đại diện cho số đông cư dân và đứng về quyền lợi chung của các cư dân, dịch vụ cung cấp không đủ chất lượng và thiếu minh bạch, thì sự bất ổn trong khu chung cư Keangnam sẽ còn tiếp diễn theo chiều hướng ngày một phức tạp. Điều cư dân Keangnam mong muốn là một Hội nghị nhà chung cư được tổ chức đảm bảo tính khách quan, minh bạch với sự chủ trì của các cơ quan chức năng của nhà nước.

Theo Tiền Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.