10/08/2011 6:52 AM
Trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế, chống lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện “chính sách tiền chặt chẽ” gây trở ngại đối với việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp, sự sụt giảm của thị trường bất động sản,…. Vậy, làm thế nào để khơi thông nguồn vốn cho thị trường này trong ngắn và trung hạn?

Hệ quả của những tác động

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản hiện nay đang hứng chịu nhiều tác động cả trực tiếp và gián tiếp, gây ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm bất động sản.

Trong buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề “Nhận định các kênh đầu tư cuối năm 2011” vừa qua, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết, có 3 nguyên nhân trực tiếp tác động đến giá bất động sản.

Thứ nhất là do lãi suất quá cao, cả doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư, người tiêu dùng bất động sản đều rất khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

Thứ hai là do hiện tượng đầu tư "lệch pha" của một số doanh nghiệp nên dẫn đến cơ cấu sản phẩm trên thị trường bất động sản không hợp lý. Một số phân khúc thị trường bị bão hòa trong ngắn hạn như văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp,... Trong khi đó, phân khúc thị trường căn hộ có giá trung bình, giá thấp khoảng 10 - 15 triệu/m2 có tính thanh khoản cao nhưng lại rất thiếu.

Thứ ba là do sức mua sụt giảm mạnh và tâm lý chờ đợi, kỳ vọng thị trường bất động sản giảm giá sâu hơn nữa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản đứng trước áp lực rất lớn về trả lãi vay, đáo hạn nợ vay và nhu cầu cần vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn tất dự án công trình.

Ngoài ba nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá bất động sản, thị trường này còn chịu tác động của các yếu tố khách quan. Thứ nhất, do những bất ổn về kinh tế vĩ mô và nguy cơ lạm phát cao. Thứ hai do thị trường bất động sản chưa vận hành trên nền tảng của sự phát triển bền vững. Thứ ba là do hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản vận hành không đồng bộ, chồng chéo, đặc biệt là pháp luật về đất đai, xây dựng, tài chính, thuế và đầu tư,…

Bên cạnh đó, do chiến lược quy hoạch phát triển đô thị mới và quy hoạch chỉnh trang phát triển đô thị cũ, chưa có chiến lược phát triển nhà ở quốc gia với tầm nhìn dài hạn. Thủ tục hành chính rườm rà, mất nhiều thời gian, chưa minh bạch.


Khơi thông vốn cho thị trường bất động sản

Hiện nay, có nhiều nguồn vốn cho thị trường bất động sản chứ không chỉ đơn thuần có nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ảnh: Khánh Hòa


Khơi thông vốn cho thị trường

Từ những thực trạng trên cho thấy, thị trường bất động sản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là nguyên nhân thắt chặt tín dụng, lệch pha do cơ cấu đầu tư, thủ tục hành chính,… Song, điều đó không có nghĩa là bất động sản bị bóp nghẹt, không lối thoát.


Phát biểu tại hội thảo “Những giải pháp khơi thông thị trường bất động sản hướng tới an sinh xã hội” tổ chức vào 6/8 vừa qua, TS.Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Thị trường giá cả nhận định, nguồn vốn cho thị trường bất động sản gồm nhiều nguồn có tiềm lực lớn và đa dạng như: Vốn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài, vốn dân cư,... chứ không chỉ đơn thuần có nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Vấn đề là phải tạo dựng và khơi thông được các kênh đầu tư vào thị trường này một cách ổn định, bền vững, hiệu quả và hạn chế rủi ro.


Theo TS.Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, để khơi thông nguồn vốn vào thị trường bất động sản cần một loạt các giải pháp, từ chính sách vận hành tiền tệ linh hoạt đến giảm sự phụ thuộc vào ngân hàng rồi thu hút vốn trong dân cư.


Còn theo ý kiến của ông Lê Hoàng Châu, nhằm khơi thông cho thị trường bất động sản cần có những chính sách giảm dần lãi suất, tính tiền sử dụng đất, phương án thu tiền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, để "giải cứu" thị trường bất động sản, Nhà nước cần cắt giảm đầu tư công, giảm chi ngân sách, không đầu tư vào lĩnh vực kém hiệu quả, không thiên vị khu vực Nhà Nước.

Mặt khác nên cho người dân vay mua nhà dưới 500 triệu đồng/căn. Bởi nếu có tổng cộng khoảng 10.000 căn hộ, ước chừng cũng khoảng 5.000 tỷ đồng, chiếm hơn 2% dư nợ tín dụng nhưng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội rất to lớn.

“Doanh nghiệp không thể ngồi chờ Nhà nước có những chính sách nới lỏng hay thay đổi mà bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự vượt qua khó khăn này bằng cách giảm giá bán, hoặc chấp nhận lỗ ít để tồn tại, chú trọng thiết kế và thi công để tiết kiệm chi phí”, ông Đực cho hay.

Ngoài những ý kiến trên, các chuyên gia còn nhận định rằng, việc tìm kiếm các giải pháp khơi thông vốn cho thị trường bất động sản rất cần thiết, không chỉ đối với doanh nghiệp, đối với các nhà đầu tư thứ cấp, những người thu nhập thấp mà còn đối với tất cả các chủ thể liên quan đến thị trường.

Vì vây, cần xây dựng và phát triển một thị trường vốn thật sự đảm bảo, cân đối cung cầu vốn đầu tư cho thị trường này. Đồng thời phối hợp tốt các nguồn vốn đầu tư khác là yêu cầu bức thiết để phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Tuyết Lê
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.