Đó là việc Tập đoàn Sands Sheldon (Mỹ) mới có chuyến khảo sát tại Hà Nội và TP.HCM để tìm kiếm khả năng xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng trị giá hàng tỷ USD, là việc CapitaLand vẫn tiếp tục chi 111 triệu USD tham gia phát triển hai dự án bất động sản tại TP.HCM, hay việc Indochina Land chuẩn bị mở bán một dự án biệt thự tại quận 9 (TP.HCM) có tổng diện tích tới 8 ha…
Nêu
lên nhiều khó khăn hiện tại, song ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Công
ty Quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) vẫn cho rằng, bất
động sản Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới. Tuy
vậy, nhà đầu tư nước ngoài này nhận định, giá bất động sản hiện vẫn cao,
chưa đạt mức kỳ vọng, trong khi vẫn còn vướng mắc về cơ chế, luật pháp
liên quan đến việc gia nhập thị trường.
Cũng trong lúc này, thông tin về việc một số nhà đầu tư đến từ Singapore, Hồng Kông… đang quan tâm đến kế hoạch mua lại nợ xấu của một số dự án bất động sản, tuy các dự án này vẫn trong quá trình đàm phán với các ngân hàng và chủ đầu tư các dự án đang vay nợ ngân hàng hoặc đang trong quá trình xử lý nợ, các bên vẫn chưa thống nhất được mức chiết khấu đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, song có thể thấy, khối ngoại đang quan sát những động thái điều chỉnh vĩ mô, điều tiết thị trường để lựa chọn thời điểm tham gia thị trường. Những vấn đề họ đặc biệt quan tâm là lãi suất, lạm phát và chính sách tín dụng với bất động sản.
Ông
Yip Hoong Mun, Phó tổng giám đốc Công ty CapitaLand nhận định, lãi suất
cho vay cao là một tác nhân ảnh hưởng tới các dự án bất động sản và sức
mua của người dân. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển nhà ở dành cho các
đối tượng có mức thu nhập trung bình tại Việt Nam còn rất lớn.
CapitaLand đang tập trung phát triển dự án ở phân khúc này, nhắm vào số
đông người mua.
“Tình
hình thị trường hiện nay chỉ là thách thức trong ngắn hạn và chúng tôi
tin rằng, niềm tin của người mua sẽ trở lại trong thời gian tới. Với
nguồn tài chính mạnh, chúng tôi nhận thấy, những thách thức trên thị
trường Việt Nam là cơ hội tốt để đầu tư”, ông Yip Hoong Mun cho biết.
Còn tỷ phú Sheldon Adelson, Chủ tịch Tập đoàn Sands Sheldon thì nhìn thấy cơ hội phát triển khi Việt Nam chưa có khu phức hợp nghỉ dưỡng nào. Theo tiết lộ của ông Sheldon Adelson, khoản đầu tư cho hai khu phức hợp tại Hà Nội và TP.HCM sẽ khoảng 5 - 6 tỷ USD. Tập đoàn Sands Sheldon đang xúc tiến các thủ tục cần thiết, các tính toán chi phí để đầu tư hai dự án này vào thời điểm thích hợp.
Trong khi đó, Indochina Capital cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong năm 2012. Trong cuộc gặp gỡ với báo giới gần đây, ông Peter Ryder, Tổng giám đốc điều hành Indochina Land nhấn mạnh rằng, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam là cơ hội để họ tiếp tục phát triển hơn nữa. “Dù thị trường bất động sản khá ảm đạm, nhưng TP.HCM và Hà Nội vẫn là những khu vực phát triển năng động nhất trong 15 - 20 năm tới. Năm 2012, có ít nhất hai dự án sẽ được Indochina Land triển khai thực hiện tại Hà Nội và TP.HCM”, ông Peter Ryder nói.
Các
nhà đầu tư nước ngoài đang đặt kỳ vọng rất cao vào sự phục hồi của thị
trường khi Chính phủ đã phát đi thông điệp khẳng định sẽ đưa ra các giải
pháp nhằm khôi phục thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.
Bộ Xây dựng cũng đã có những kiến nghị cụ thể nhằm đưa một số loại hình
bất động sản ra khỏi nhóm phi sản xuất và đề xuất mở van tín dụng cho
một số phân khúc bất động sản hướng tới nhu cầu thực và an sinh xã hội.