23/02/2018 6:52 PM
CafeLand - Thủy là một nhân viên văn phòng tại TP.HCM và yêu thích đi du lịch. Cứ mỗi khi được nghỉ phép hay các dịp nghỉ lễ, cô gái 25 tuổi này đều sắp xếp thời gian để được vi vu theo đam mê của mình. Đến nay, Thủy đã đặt chân đến nhiều vùng miền của đất nước. Cô đặc biệt ấn tượng với những rẻo cao Tây Bắc, nơi có phong cảnh núi rừng hùng vỹ cùng sự đa dạng văn hóa đặc sắc của các đồng bào dân tộc. Cũng như nhiều cô gái khác, Thủy say đắm Đà Lạt, thành phố mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, lãng mạn.

Và câu hỏi về quản lý

Là thị trường tiềm năng, nhưng hình thức kinh doanh homestay đang có những biến tướng và dần đánh mất bản sắc vốn có của nó. Thủy cho biết, cách đây khoảng 5 năm, loại hình homestay chưa phát triển ở Đà Lạt. Nhưng hiện nay, thành phố này đã được mệnh danh là “thủ phủ của homestay” bởi tốc độ gia tăng chống mặt của loại hình lưu trú này.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - thông tin Đà Lạt, tính đến tháng 4 năm 2017, toàn thành phố Đà Lạt có 928 cơ sở lưu trú du lịch với 14.637 phòng. Trong đó, có 252 cơ sở lưu trú dạng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê - homestay, với tổng số 2.024 phòng, trong đó có 85 cơ sở kinh doanh phòng tập thể. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng có 136 cơ sở với 1.667 phòng chưa đăng ký thẩm định hoặc thẩm định chưa đạt.

Đặc biệt, nhiều homestay hoạt động tự phát, không đảm bảo an toàn, an ninh trật tự khiến chính quyền không thể kiểm soát. Tình trạng lôi kéo khách, chặt chém giá giữa các homestay gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của thành phố.

Theo một chuyên gia trong ngành du lịch, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển loại hình homestay khi có cảnh đẹp thiên nhiên phong phú cùng với đó là bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc.

Vị chuyên gia này khẳng định, yếu tố quyết định khiến cho du khách lựa chọn hình thức du lịch homestay chính là không gian gần gũi với thiên nhiên và được sống như một thành viên trong gia đình của người bản xứ. Việc ăn chung, làm chung, sinh hoạt với gia chủ sẽ giúp họ có những trải nghiệm về văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, do việc chạy theo thương mại hóa, chú trọng đến yếu tố lợi nhuận nên nhiều chủ kinh doanh đang dần làm mất bản sắc của loại hình du lịch này. Những yếu tố truyền thống dần bị thay thế bởi các chi tiết của thời hiện đại. Việc đón tiếp số lượng quá đông không chú ý đến chất lượng đã phá vỡ không gian mà du khách mong muốn được tận hưởng.

Ông Phan Đình Huê, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về loại hình homestay cho rằng, để loại hình homestay phát triển bền vững cần có sự hỗ trợ của chính quyền, Nhà nước. Nếu không có sự quản lý và quy hoạch rõ ràng mà cứ để người dân tự đứng ra làm một cách tự phát thì rất nguy hiểm. Bởi lẽ, một khi người dân không ý thức được đâu là giá trị đích thực kéo chân du khách, mà quyết định thay đổi các yếu tố truyền thống thì du khách sẽ không còn hứng thú.

Ngoài ra, để loại hình homestay lớn mạnh và cạnh trạnh thì cần phải có đội ngũ những người làm chất lượng. Nâng cao nhận thức và khả năng giao tiếp tiếng anh của người dân khi họ làm homestay. Phải có các công ty chuyên nghiệp làm dịch vụ kết hợp với người dân cùng làm. Như vậy mới có thể dung hòa được các yếu tố truyền thống bản sắc nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng dịch vụ tốt nhất cho du khách.

5 điều lưu ý khi kinh doanh homestay

Thứ nhất là vị trí. Kinh doanh homestay thì vị trí có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vì, chỉ cần chọn được vị trí tốt thì dù các mảng khác như maketing, quan lý chưa được hiệu quả vẫn sẽ có một lượng khách hàng nhất định.

Thứ hai là phải hoàn thiện về pháp lý. Khi kinh doanh cơ sở lưu trú nhỏ, quy mô chỉ 1-2 phòng thì có thể không sao, nhưng khi quy mô lên đến hàng chục phòng, số lượng người lưu trú đông thì các cơ quan quản lý sẽ tới kiểm tra bất cứ lúc nào. Do đó, homestay phải hoàn thiện pháp lý như cơ sở hoạt động theo hình thức thuê, mua hay hợp tác. Vì là loại hình kinh doanh có điều kiện nên cần rất nhiều giấy phép như giấy đăng ký kinh doanh, giấy phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, giấy phép kinh doanh ẩm thực, nước uống có cồn…

Thứ ba là bài toán về quản lý khách hàng. Khách hàng là nguồn sống của homestay, do đó cần phải sàng lọc và phân loại khách hàng cụ thể để mình có thể ứng xử phù hợp. Đặc biệt, phải phân biệt được khách hàng thực và không thực. Chẳng hạn, một chiêu cạnh tranh “bẩn” rất phổ biến khi kinh doanh homestay là hai cơ sở lưu trú gần nhau. Cơ sở kia có thể cài người làm khách hàng vào ở và sau đó review không đúng rồi tung lên mạng gây ảnh hưởng đến hình ảnh của homestay.

Thứ tư là quản lý nhân sự. Nếu một mình làm thì có thể không sao, nhưng khi có nhiều người cùng làm thì bài toán quản lý con người và phân công công việc cụ thể rất quan trọng. Nếu không phân công rõ ràng thì sẽ chồng chéo và rối loạn. Phải phân công ai phụ trách tài chính, ai phụ trách khách hàng, ai maketing, ai làm hậu cần dọn dẹp, vệ sinh. Với homestay thì làm hậu cần vệ sinh rất quan trọng, bởi nếu khách hàng mới đến mà thấy cơ sở bẩn, nhếch nhác thì họ sẽ không thể ở lại được.

Thứ năm là tận dụng công nghệ. Làm homestay nên áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý khách hàng. Nhờ hệ thống này, chủ nhân có thể nắm rõ số lượng khách, phòng trống, ngày giờ trả phòng cụ thể ra sao. Khi lượng khách hàng tăng đột biến, nếu không có công nghệ thông tin mà chỉ làm thủ công thì rất dễ xảy ra nhầm lẫn. Có trường hợp khách đến nhưng không có phòng trống. Trường hợp này nếu không có các cơ sở homestay khác để luân chuyển khách thì sẽ mất điểm với du khách. Thậm chí, nhiều trường hợp khách đến lúc giữa đêm hay rạng sáng mà homestay không còn chỗ thì càng khó xử.

Ông Nguyễn Thành Viên, Tổng giám đốc Zo Group, đơn vị đang quản lý và vận hành homestay

Phong Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.