Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 12 công trình vi phạm trật tự xây dựng nhưng đều của những người có “dán mác” nên rất khó xử lý.

Cụm công trình vi phạm trên phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm). Ảnh: Ngọc Cương

Công trình vi phạm có “dán mác”

Sáng 27/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Quận ủy Hoàn Kiếm. Theo báo cáo, một trong những tồn tại hạn chế của quận là một số vụ việc vi phạm về trật tự xây dựng giải quyết chậm và chưa dứt điểm. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Văn Dục cho biết, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 12 công trình vi phạm, trong đó 3 công trình sai phép, 9 không phép, sai quy hoạch. “12 công trình kéo dài nhiều năm, khiếu kiện vô cùng bức xúc, nhưng toàn của những người có “dán mác”, nên không giải quyết được”, ông Dục nói.

Ông Dục cũng chia sẻ, từ 1/9, quận Hoàn Kiếm đã nhận xử lý công việc này. “Tôi xuống quận trao đổi với anh Khôi (Bí thư Quận ủy - PV) với anh Tuấn (Chủ tịch UBND quận - PV) phải 3 cuộc mới đi đến thống nhất. Bây giờ trong tay quận rồi thì các anh toàn quyền xử lý và Sở Xây dựng sẽ bên cạnh để kiên quyết xử lý các trường hợp gây bức xúc này”, ông Dục nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, với đặc trưng là quận trung tâm, Hoàn Kiếm cần tập trung quản lý trật tự xây dựng trong khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Gươm, vùng phụ cận và thực hiện các quy hoạch, quy chế của khu vực này. “Quận Hoàn Kiếm là một trong những địa phương có hệ thống quy hoạch rất bài bản, tương đối đồng bộ, kèm theo các quy chế rất đầy đủ mà chúng ta không quản lý được, xây dựng vượt quy hoạch thì rất khó”, ông Hùng nói.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói: “Đến nay còn 12 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (ở quận Hoàn Kiếm - PV). Các đồng chí nói ở trong này động đến là rất phức tạp. Chúng ta làm quản lý đô thị thì những việc đó phải đương đầu, phải chấp nhận, phải bền bỉ. Chẳng có cách nào khác cả, bởi vì có việc gì xảy ra thì cuối cùng vẫn là trách nhiệm của cơ quan quản lý”.

Vé xe 500 nghìn, lãnh đạo có biết không?

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Hoàn Kiếm có chợ đêm, phố đi bộ rồi thì phải nâng cao chất lượng giá trị thương mại, dịch vụ, du lịch để tăng nguồn thu. Quận nên đầu tư vào các di tích, bảo tồn, khai thác các thiết chế văn hóa lịch sử. Tuy vậy, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện tại vẫn còn một số bất cập về các dịch vụ này.

“Phố đi bộ ở trung tâm nhưng bật điện thoại lên có thấy gì không? Chưa thấy cái gì đúng không? Tôi muốn tìm hàng phở ngon thì làm thế nào? Anh Hồng (GĐ Sở Du lịch Hà Nội- PV) chưa chỉ cho tôi, chẳng lẽ đến gặp anh Hồng à? Còn nhiều việc phải làm lắm. Vừa rồi đã đưa wifi vào rồi nhưng còn các dịch vụ ở trên đó phải làm nhiều hơn”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm du lịch còn yếu, còn bán hàng kém chất lượng, hàng nhái hàng giả, “chặt chém” du khách, đặc biệt những người ở quê ra Hà Nội. “Vừa rồi, người dân kêu rất nhiều về thu phí ở bãi xe lậu. 500 nghìn một xe. Như thế có chịu được không? Lãnh đạo phường ở đó có biết không? Tất cả tình cảm tốt đẹp người ta dành cho Hà Nội, cho Hoàn Kiếm mà thu cái vé 500 nghìn là mất hết rồi. Địa bàn nào, phường nào để các dịch vụ “chặt chém” tồn tại là phải chịu trách nhiệm”, ông Hải nói.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng lưu ý tiếp tục thực hiện năm trật tự văn minh đô thị, làm sao cho quận và thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp. “Nói thật, tôi hay đi qua Hoàn Kiếm, suốt ngày gọi cho các đồng chí. Vừa mới sạch xong, rồi lại đổ rác ra ngay trước mặt. Rất chán. Như thế mang tiếng cả thành phố này không làm nổi một việc. Điều đó không thể chấp nhận được”, ông Hải nói.

Chủ đề: Trật tự xây dựng,
Trường Phong (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.