09/11/2013 7:40 AM
Tại Hà Nội, diện đang được ở “biệt thự” Pháp... trên giấy như cư dân tòa nhà số 8 Tăng Bạt Hổ đang có tới hàng nghìn hộ dân. Tin vui cho các hộ dân này, thành phố đang khẩn trương rà soát để đưa các tòa nhà thuộc diện này ra khỏi danh mục biệt thự. Nếu thoát khỏi “mác” biệt thự, người dân sẽ được mua nhà, được cấp “sổ đỏ” như mong ước bấy lâu.

Sắp được “giải thoát”

Số liệu điều tra, khảo sát gần đây cho thấy, những trường hợp như “biệt thự” số 8 Tăng Bạt Hổ lên tới hàng trăm. Số biệt thự Pháp cổ còn nguyên trạng chỉ chiếm tỷ lệ 15%. Trong khi đó, số đã bị cải tạo, sửa chữa và biến dạng trong quá trình sử dụng, cơi nới, lấn chiếm lên tới 80%. Số ít còn lại (5%) thực tế đã bị phá đi, xây dựng mới. Tỷ lệ biệt thự ít người ở cực thấp. Số có từ 5 đến 10 hộ dân đang ở chiếm gần 50%. Số có từ 10 đến 15 hộ đang chung sống chiếm 40%. Cá biệt, có biệt thự có từ 35 đến 50 hộ! Do phải “gánh” số lượng hộ dân quá lớn, việc các biệt thự bị biến dạng là không thể tránh khỏi.

Mang tâm sự của các hộ dân tới Sở Xây dựng Hà Nội, chúng tôi nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của ông Hoàng Tú, Trưởng Ban 61 (Sở Xây dựng). Ông Hoàng Tú nói: “Người dân sống ở các biệt thự Pháp cũ nát rất khổ. Tất cả các thực tế đó, chúng tôi đều biết, đã ghi nhận và có đề xuất tới các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết”.

Lần này, Sở Xây dựng dự kiến đề xuất loại khỏi danh sách biệt thự khoảng 312 tòa nhà. Thực tế, 312 tòa nhà này chỉ còn “đeo mác” biệt thự trên giấy tờ mà thôi. Một số chúng thực ra chỉ là nhà mặt phố, không phải biệt thự. Số khác từ trước năm 1954 từng là biệt thự nhưng qua thời gian, đã bị “chia năm, xẻ bảy”, đã biến dạng khủng khiếp, không còn hình thù biệt thự, chỉ còn là tòa nhà cũ, nát, đã xuống cấp nghiêm trọng, hay nói như ông Hoàng Tú, “cụ chỉ còn da bọc xương”...

Theo đề xuất của Sở Xây dựng, 312 tòa nhà này sẽ được đưa ra khỏi danh mục biệt thự TP đang quản lý. Nếu kiến nghị này được chấp thuận, Sở Xây dựng mới có cơ sở xem xét, giải quyết bán nhà cho các hộ dân đang ở theo quy trình được quy định tại Nghị định 34/2013/NĐ-CP. Ông Hoàng Tú nói: “Chúng tôi đề xuất như vậy, nhưng quy định đó còn phải được cấp có thẩm quyền và HĐND TP xem xét, phê chuẩn tại kỳ họp cuối năm nay thì mới có giá trị thực thi”...

Cửa ra vào một “căn hộ” được “thưng” tạm bằng ván cót ép

Mua gom được công nhận

Khảo sát xã hội học của cơ quan chức năng cho thấy, nhiều hộ dân Hà Nội rất muốn được Nhà nước “giải phóng” khỏi kiếp ở “biệt thự” trên giấy. Thế nhưng, chuyện được mua nhà, được cấp “sổ đỏ” mới chỉ giải quyết được phần pháp lý, còn nếu muốn thực sự thoát khỏi những “căn hộ” như ở số 8 Tăng Bạt Hổ, người dân vẫn phải tự tìm lối thoát cho mình.

Một chuyên gia bất động sản từng nói vui, trong lúc Nhà nước đang loay hoay làm chính sách, công tác giãn dân biệt thự Pháp cổ đã được... xã hội hóa. Thực tế, nhiều năm qua, các hộ dân đã tự ý chuyển nhượng các “căn hộ” nằm trong biệt thự. Hiện tượng “mua gom” một cá nhân hay doanh nghiệp đứng ra mua lại quyền sử dụng của các hộ còn lại trong số nhà cũng không phải hiếm. Gần đây, hình thức mua gom biệt thự đã được pháp luật công nhận. TP Hà Nội cũng đã có chỉ đạo cấp “sổ đỏ” cho trường hợp nhận chuyển nhượng của nhiều hộ đã mua nhà theo Nghị định 61/CP. Cụ thể, các trường hợp “mua gom” nếu có nhu cầu quy về một thửa đất và cấp đổi “sổ đỏ” sẽ được xem xét, giải quyết.

Ông Hoàng Tú cho biết, thành phố khuyến khích việc giãn dân tại những biệt thự có nhiều hộ ở, để quy về một chủ theo các quy định hiện hành. TP sẽ tạo điều kiện về quyền sở hữu đối với các tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng nhà biệt thự có điều kiện tự đầu tư phục hồi nguyên trạng kiểu dáng, kiến trúc ban đầu của biệt thự đã bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ. TP cũng động viên các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phục hồi quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố...

Dù vậy, đấy là “lộ trình” trên lý thuyết còn như lời một cư dân đang sống ở “biệt thự” cổ 128C Đại La: “Giấy thông hành – “sổ đỏ” – Nhà nước phải cấp cho chúng tôi cái đã. Có cái giấy đỏ ấy rồi, chúng tôi mới tính tiếp được chứ...”.

Bán để về nguyên gốc

Thông tin trên cũng được Sở VH-TT&DL Hà Nội xác nhận. Theo đó, qua 3 giai đoạn rà soát, cập nhật mới nhất từ Sở VH-TT&DL cho biết, Hà Nội có 1.567 tòa nhà được xem là biệt thự cũ. Tuy nhiên, ngày 21-10-2013, Hội đồng thẩm định TP đã thống nhất danh mục biệt thự chỉ còn 1.255 công trình. Còn lại, Hội đồng đề nghị loại bỏ 312 biệt thự khỏi danh mục gồm các biệt thự bị phá dỡ, xây dựng lại hoặc bị biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng hoặc những nhà bị đánh giá nhầm là biệt thự...

Nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm, người rất tâm huyết với bảo tồn, tôn tạo biệt thự Pháp ở Hà Nội không quên nhắc lại định hướng chung khi bán biệt thự cũ nát cho người dân đang sử dụng. Đó là thông qua bán biệt thự để giãn dân và nhằm mục tiêu không chia nát khuôn viên, từng bước dỡ bỏ cơi nới để trả lại hình dáng gốc của biệt thự. Cùng với đó, bán biệt thự phải gắn với chính sách quản lý để tôn tạo giá trị nhằm làm đẹp bộ mặt Thủ đô.

Ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, nghiên cứu giữ gìn di sản kiến trúc biệt thự cần giải pháp đồng bộ. Yêu cầu cấp thiết là phải làm rõ cơ chế, chính sách quản lý, khai thác, sử dụng gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, của cộng đồng về loại hình công trình này, xem đó như lợi ích của toàn xã hội. “Hà Nội cần xác định và công bố một số biệt thự đủ tiêu chuẩn di tích cấp thành phố. Ngoài ra, cần tổ chức lập, phê duyệt Quy hoạch chỉnh trang một số phố trong khu phố cũ và tiến tới quản lý theo di sản thành phố” – ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Chính Trung (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.