22/11/2014 8:16 AM
Năm 2008, Chính phủ phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư ven biển tỉnh Quảng Nam với tổng vốn đầu tư gần 3.700 tỷ đồng.

Khu tái định cư Duy Hải làm ngập gần 20ha ruộng của nông dân

Theo quy hoạch, có 18.000 hộ dân của 15 xã thuộc 4 huyện, thành phố trong tỉnh chịu ảnh hưởng, trong số đó có hơn 4.000 hộ trong diện di dời. Thế nhưng, dự án bỏ dở mấy năm nay khiến người dân trong vùng quy hoạch “sống dở, chết dở”.

Không biết bị “treo” đến bao giờ?

Đó là câu hỏi nhức nhối và cũng là lời thở than của người dân huyện Duy Xuyên, địa phương lãnh hệ lụy trực tiếp từ “đại công trường”.

Những trận mưa mùa Đông làm cho các làng chài ven biển Duy Xuyên buồn hiu hắt. Các khu tái định cư (TĐC) ở xã Duy Hải, Duy Nghĩa của huyện Duy Xuyên cách đó hơn 1km với diện tích rộng lớn song thưa thớt nhà ở; thậm chí nhiều chỗ nhìn giống sa mạc. Đường lớn, đường nhỏ mở ra chi chít, hệ thống điện cũng bắt đầu đấu nối, nhưng khu dân cư vắng người đến lạ.
Trong khi đó, nhiều trường hợp bắt buộc phải di dời, đã nhận hơn một nửa tiền đền bù, chờ đợi ngày ra đi, đùng một cái dự án thông báo tạm dừng khiến người dân dở khóc, dở cười. “Tiền nhận thì chưa đủ để xây nhà mới nên đã hao hụt theo từng ngày, trong khi nhà cũ xuống cấp, có muốn cũng không thể sửa chữa được do vướng quy hoạch”, một người dân bị “treo” theo dự án nói.

Chỉ tính riêng tại xã Duy Nghĩa đã có hàng chục dự án thành phần, trong đó nhiều dự án sắp xếp dân cư, như khu dân cư (KDC) Lệ Sơn, Nồi Rang, Hồng Triều, đường dẫn cầu Cửa Đại, đường ĐH6; đặc biệt, đường giao thông trục chính KDC làng chài chiếm tới 721ha. Điều dễ nhận thấy, phần lớn các dự án giãn dân đều “chạy sau” các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, chủ đầu tư và chính quyền chỉ thực sự ưu tiên giải quyết cho các trường hợp bị giải tỏa trắng, hoặc thực sự bức thiết về nhà ở, còn việc đưa dân đi TĐC ở đâu, thời gian bao lâu thì phụ thuộc vào tiến độ thi công của từng dự án.
Chị Vinh (trú xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) nói: “Gia đình được đền bù hơn 120 triệu đồng, được chủ đầu tư trả trước 81 triệu đồng. Đùng cái nghe nói dự án dừng triển khai vậy là số tiền còn lại không được nhận. Nhà ở thì xuống cấp mà không dám sửa”.

Trước khi bị bỏ ngang vào năm 2011 vì thiếu vốn, theo kế hoạch ban đầu, dự án dự kiến thực hiện trong 13 năm, từ năm 2008 đến năm 2020 và được chia thành 3 giai đoạn đầu tư: giai đoạn 1 (2008 - 2010), thực hiện di dời, sắp xếp trên 4.300 hộ dân với gần 17.000 nhân khẩu và tổng nguồn kinh phí đầu tư trên 1.300 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2011 - 2015), thực hiện di dời, sắp xếp trên 3.000 hộ dân với gần 13.000 nhân khẩu, tổng kinh phí đầu tư trên 1.400 tỷ đồng; giai đoạn 3 (2016 - 2020), thực hiện di dời, sắp xếp gần 800 hộ với trên 2.400 nhân khẩu, kinh phí đầu tư trên 900 tỷ đồng.

“Không chi xót bằng bỏ hoang đất”

Bất cập mà ai cũng có thể nhận thấy trong quy hoạch dự án là mặt bằng di dân bố trí dàn trải, nhà đầu tư chưa chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng nên người dân không mấy thiết tha xây nhà sinh sống. Tại các khu vực dễ bị tổn thương nhất trên địa bàn xã Duy Nghĩa như Thuận An, Hội Sơn thuộc diện phải cấp bách sắp xếp dân cư nhưng nhiều năm vẫn bất động, vào mùa mưa lũ chính quyền lại sốt sắng sơ tán dân.

Nghịch lý là, nhiều dự án thiếu quỹ đất TĐC cho dân, ngược lại một số khu TĐC dân không chịu vào ở. Đơn cử, dự án tuyến đường trục chính của xã Duy Nghĩa có 146 hộ bị giải tỏa, song đến nay mới bố trí được 31 hộ TĐC, trong khi hơn 50 hộ bị giải tỏa trắng trong dự án đường dẫn cầu Cửa Đại thì lại đang chờ đất TĐC từng ngày.

Khu TĐC Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) do Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm chủ đầu tư thì lại đã làm ngập úng gần 20ha đất ruộng cánh đồng Bầu Ngang. Ông Võ Quốc Hai – Phó ban Nông nghiệp xã Duy Hải lắc đầu: “Với người nông dân, không chi xót bằng bỏ hoang đất. Từ ngày xây dựng công trình TĐC, cao trình cống thoát nước cao hơn mặt bằng tự nhiên, nên ruộng sản xuất của người dân vô tình thành “túi chứa nước” mỗi khi có mưa lớn”.

Bà Nguyễn Thị Bèo, cư dân địa phương than thở: “Tôi có hơn 2 sào ruộng liên tục trồng lúa, đậu phộng, mè. Thế nhưng, 2 năm nay bỏ đất trắng bạc, không dám trồng cây gì vì chỉ cần một trận mưa lớn, nước từ các cống trên cao trút xuống ngập úng hết cả đồng Bầu Ngang”.

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, với nông dân Tây Sơn Đông, đây là “mất mát lớn”. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn cao nhất huyện nên nếu không giải quyết rốt ráo, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại thì việc giải quyết bài toán xóa đói giảm nghèo sẽ còn khó khăn gấp bội.

Còn Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa Nguyễn Tấn Nam than thở: “Nhà nước công bố quy hoạch tràn lan, diện tích lớn, nhưng thực tế thi công thì rất nhỏ. Nhiều khu TĐC gây bức xúc cho người dân. Đây là quy hoạch “treo” nên người dân không thể nào tách thửa, giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng, xây nhà được nên gây khó khăn cho chính quyền trong quản lý hiện trạng đất đai”.

Theo ông Nam, sở dĩ việc bố trí, sắp xếp dân cư không đạt như mục tiêu đề ra là do tư tưởng nôn nóng gấp rút thi công dự án, trong khi công tác quy hoạch vùng sản xuất gắn với KDC chưa được xem xét phù hợp. Thực tế là chủ đầu tư vẫn chưa trả lời được câu hỏi dân đi hay ở lại.

Trương Tam (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.