Hình minh họa
Anh D., một môi giới BĐS ở TP.HCM, chia sẻ câu chuyện cay đắng khi làm nghề. Năm 2021, anh đầu quân cho một sàn giao dịch BĐS có tiếng ở TP.HCM. Quá trình làm việc, anh đã chốt thành công 2 giao dịch là 2 căn nhà phố trị giá 6,5 tỉ đồng thuộc một dự án ở Khánh Hòa.
Với 2 giao dịch thành công, anh sẽ thu về 150 triệu đồng tiền hoa hồng. Phía công ty cho biết sẽ thanh toán khoản phí này theo 3 đợt, tương đương với tiến độ thanh toán của khách hàng. Ban đầu, quá trình thanh toán phí diễn ra khá thuận lợi, anh đã nhận được 70% khoản phí sau 2 lần thanh toán.
Tuy nhiên, đến đợt thanh toán cuối cùng vào tháng 5/2022, phía công ty từ chối chi trả 30% khoản phí còn lại của anh D. với lý do nhân viên kinh doanh này đã bị cho thôi việc.
“Ngày 20/5/2021 dịch bệnh bùng phát và tôi bị kẹt ở quê đến ngày 01/01/2022. Trong thời gian nghỉ dịch, tôi nhận được quyết định cho thôi việc từ quản lý. Người này cho biết quyết định cắt giảm nhân sự được ban hành bởi của Tổng Giám đốc do tình hình hoạt động của công ty đi xuống”, anh D. cho biết.
Làm việc với phía công ty để đòi quyền lợi, anh D. được thông báo vì anh đã nghỉ việc và các cấp quản lý của cũng đã dừng công tác tại công ty nên phần hoa hồng còn lại sẽ chuyển vào quỹ phúc lợi của công ty.
“Anh chị em sale trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chắc ai cũng hiểu, việc chốt một hợp đồng không phải là dễ dàng gì và hoa hồng của hợp đồng đó có thể là phí sinh hoạt của cả một năm, là khoản tiền giúp chúng ta có thể bám trụ với nghề”, anh D. cay đắng chia sẻ.
Nhiều môi giới chọn phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vì mức hoa hồng lớn (hình minh họa)
Tương tự, chị M. cũng đang trong quá trình đấu tranh để đòi lại khoản phí hoa hồng của mình. Chị cũng tham gia vào một công ty môi giới bất động sản ở TP.HCM và chốt thành công 1 giao dịch. Khoản phí hoa hồng được thông báo sẽ thanh toán theo đợt.
Quá trình theo nghề không mấy suôn sẻ, thu nhập không đảm bảo nên chị M. đã từ bỏ nghề môi giới và tìm kiếm công việc khác. Thời điểm này, chị M. mới nhận được 40% khoản hoa hồng công ty cam kết.
Đến đợt thanh toán tiếp theo, chị M. liên hệ công ty để được thanh toán thì nhận được tin: công ty đã… giải thế.
Lúc này, chị M. “cuống cuồng” liên lạc với đồng nghiệp cũ để tìm người giải quyết thì được biết những người này đã nghỉ từ lâu, không biết người phụ trách hiện tại là ai. Liên hệ với khách hàng, chị M. được biết người này đã hoàn thành hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Phía chủ đầu tư dự án cho biết đã thanh toán toàn bộ khoản phí cho sàn giao dịch.
Chị M. lo lắng sẽ mất trắng 60% khoản hoa hồng còn lại khi không tìm được người để giải quyết quyền lợi.
Hình minh họa
Tuy không gặp rắc rối về hoạt động nhân sự, nhưng anh T. chia sẻ câu chuyện khó khăn về việc công ty không thực hiện cam kết hỗ trợ. Theo đó, anh T. cũng làm việc cho một sàn bất động sản uy tín ở TP.HCM.
“Đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, vì là phân khúc cao cấp nên môi giới phải đầu tư rất nhiều để bán được hàng. Tôi đã phải tự bỏ tiền túi để chạy quảng cáo, khi tìm được khách hàng thì phải xoay xở thêm tiền để đưa khách đi xem sản phẩm, dự án. Một số đồng nghiệp còn phải cầm cố tài sản, vay mượn để có chi phí hành nghề”, anh T. chia sẻ.
Nam môi giới cho biết phía công ty hứa hẹn sẽ hỗ trợ 50-70% chi phí quảng cáo. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh toán thì công ty lại lấy lí do, kinh doanh khó khăn, hoãn thời gian hỗ trợ hoặc cộng thêm vào khoản hoa hồng sau khi chốt được giao dịch.
“Thậm chí khi chốt được giao dịch, phía công ty vẫn không thực hiện được nghĩa vụ với môi giới khi thanh toán chậm, chia nhỏ khoản hoa hồng. Sau hơn 2 năm chờ đợi, tôi mới chỉ được thanh toán 50% khoản phí môi giới của mình”, anh T. bức xúc.
Những khó khăn của nghề môi giới không dừng lại ở tài chính mà nhiều người còn bị ảnh hưởng về danh dự.
Anh V. cho biết thời gian qua anh bị “khủng bố” bởi các cuộc điện thoại “bắt vạ”. Là người môi giới bất động sản tự do, anh V. nhận các sản phẩm ký gửi và rao bán giúp khách hàng, ăn khoản phí trung gian.
Nhiều môi giới bị người bán gây sức ép khi không bán được đất trong thời điểm thị trường trầm lắng (hình minh họa)
Thời điểm sốt đất, anh môi giới thành công nhiều giao dịch nên cũng nhận thêm nhiều sản phẩm để tăng thu nhập. Lúc này người bán “vỗ vai” tin tưởng anh. Tuy nhiên khi thị trường rơi vào giai đoạn trầm lắng, thanh khoản đi xuống, người bán bắt đầu thay đổi thái độ.
“Ban đầu, họ hỏi han, giục dã, thời gian sau bắt đầu van nài, trách móc. Thậm chí có những người không tiếc lời xúc phạm, chửi mắng tôi, nói tôi lừa đảo, đa cấp,… dọa sẽ “bóc phốt”, đăng thông tin của tôi lên mạng”, anh V. bất bình.
Vì tính chất công việc nên nam môi giới vẫn phải giữ thái độ bình tĩnh, chuyên nghiệp giải thích cho khách hàng các lí do không bán được hàng. Anh cũng gợi ý các phương án giảm giá để thoát hàng nhưng nhận lại là phản hồi không mấy tích cực từ phía khách.
Không chịu nổi áp lực của nghề môi giới, nhiều người đành phải từ bỏ cơ hội làm giàu từ địa ốc, quay trở lại các công việc quen thuộc hoặc tìm kế mưu sinh mới.
Nhiều môi giới phải tìm công việc mới để mưu sinh do khó bám trụ với nghề (hình minh họa)
Anh Th. đã chuyển sang làm xe ôm công nghệ 3 tháng nay, sau thời gian dài không có giao dịch nào.
“Tạm thời mình chạy xe ôm kiếm thêm, chờ bao giờ thị trường khá hơn thì quay lại làm môi giới. Nhưng đến cuối năm mà vẫn không có gì tiến triển chắc tôi sẽ về quê làm công nhân hoặc đi xuất khẩu cho ổn định chứ chạy xe thế này cực lắm”, anh Th. chia sẻ.
Chị K. chán cảnh quần áo lụa là mà không có tiền, nên cũng bỏ nghề môi giới, đi làm phục vụ cho một quán ăn của người thân.
“Nghe bạn bè vay mượn sắm sửa đi làm môi giới giờ tiền không có mà ôm cả khoản nợ. Giờ đi làm phục vụ kiếm tiền trả nợ đã rồi tính tiếp. Mấy miếng đất khách gửi, vẫn nằm đấy, bao giờ có người hỏi thì lại dẫn đi xem, mong là bán được”, chị Th. tâm sự.
-
Xử nghiêm cán bộ tiếp tay môi giới bất động sản “thổi phồng” giá đất
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng yêu cầu cán bộ, công chức trên địa bàn không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động môi giới bất động sản, rao bán, quảng cáo thông tin nhà đất sai sự thật nhằm mục đích đầu cơ, thổi giá nhà đất.
-
Lời tiền tỷ khi mua “nhà Sài Gòn” cho con học đại học
Thay vì thuê trọ nhiều phụ huynh có con học đại học tại TP.HCM sẵn sàng mua căn hộ gần trường đảm bảo an ninh để con an tâm học hành, đồng thời là khoản tích sản giá trị cho tương lai.
-
Cư dân dự án Citiesto phấn khởi nhận bàn giao sổ hồng
Hơn 100 sổ hồng đã được bàn giao thêm cho cư dân dự án Citiesto (Khu đô thị Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP.HCM) trong tuần qua, nâng tổng số sổ hồng được bàn giao lên hơn 85%. Điều này càng thêm khẳng định uy tín của Kiến Á, một nhà phát triển luôn coi trọ...
-
Chủ tịch UBND TPHCM: Thị trường bất động sẽ tích cực hơn vào năm 2025
Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá năm 2025 thị trường bất động sẽ ấm hơn và tích cực hơn vào năm 2025.