08/06/2013 7:46 AM
Trong khi các DN đang kỳ vọng lãi vay giảm thêm thì đại diện các ngân hàng lại lo khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm nay do chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra ngày càng thu hẹp.

4 tháng đầu năm nay, không nhà băng nào hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận

Mặc dù lãi suất đã từng bước được điều chỉnh giảm, song với DN trước bối cảnh khó khăn hiện nay, vay vốn với mức lãi suất 11 - 12%/năm vẫn là áp lực lớn. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hiện nay ở mức 4 - 5%/năm là quá cao, nên đưa về 2 - 3%/năm là phù hợp. Theo ông Thuấn, chi phí vốn của nước ngoài chỉ ở mức khoảng 3%, trong khi DN Việt Nam phải chịu mức trên 10% sẽ làm giảm mạnh khả năng cạnh tranh.

Đó là góc nhìn từ phía người đi vay, song các ngân hàng cũng có những nỗi băn khoăn khó giải về vấn đề này. Theo Chủ tịch HĐQT Vietinbank, ông Phạm Huy Hùng, lãi suất hiện không phải là rào cản với DN khi lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm kể từ năm 2011 đến nay, từ mức trần 14%/năm xuống còn 7,5%/năm hiện nay. Kéo theo đó, lãi suất cho vay cũng hạ dần về thấp hơn mặt bằng năm 2007. Ông Hùng cho rằng, chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động chỉ khoảng 1,5 - 1,8%/năm hiện nay là mức thấp nhất từ trước đến nay.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, nguồn thu được trông chờ nhất đối với các ngân hàng hiện nay chỉ từ mảng tín dụng. Các hoạt động dịch vụ như: kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại tệ… đã bị thu hẹp. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra đang co dần khi ngân hàng phải giảm lãi suất để thu hút khách hàng vay vốn. Trần lãi suất huy động hiện nay là 7,5%/năm, nhưng trên thực tế, rất khó huy động được nguồn tiền gửi với mức lãi suất này.

“Ngoài chi phí huy động cao, ngân hàng còn phải trả lương cho CBNV, khấu hao, trích lập dự phòng rủi ro… thêm khoảng 1 - 1,5%, cộng với cổ tức phải trả cho cổ đông”, ông Dũng nói và cho rằng, nếu cho vay ở mức lãi suất phổ biến 10 - 11%/năm như hiện nay thì ngân hàng chỉ hòa vốn hoặc lãi không đáng kể sau khi trừ tất cả các chi phí hoạt động.

Thực tế, lợi nhuận năm 2012 của các nhà băng chủ yếu từ nguồn thu tín dụng, do áp lực nợ xấu trích lập cao và đòi hỏi giảm lãi suất xuống mức phù hợp mới thu hút được khách hàng nên mục tiêu lợi nhuận bị đặt xuống thứ yếu. Vì thế, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm qua sụt giảm mạnh. Bốn tháng đầu năm nay, không nhà băng nào hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra, một số ngân hàng lớn như Eximbank chỉ thực hiện được 20% kế hoạch lợi nhuận năm.

Còn theo thuyết minh báo cáo quý I/2013 của Vietinbank về chất lượng nợ, ngân hàng này có hơn 5.440 tỷ đồng nợ xấu tính đến cuối tháng 3, tăng 11,3% so với cuối năm 2012. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn một nửa và tăng 43% so với cuối năm ngoái. Nợ xấu tăng và nhất là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5 - trích lập dự phòng 100%) lên cao nên đòi hỏi Vietinbank trích lập dự phòng tăng gấp rưỡi trong quý I, với hơn 1.346 tỷ đồng. Vì thế, tổng lợi nhuận sau trích lập dự phòng của Ngân hàng đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ, còn 1.370 tỷ đồng.

Chênh lệch lãi suất thu hẹp, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp khiến câu chuyện lợi nhuận cũng như cổ tức sẽ là bài toán khó giải với các ngân hàng trong năm nay.

Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Nguyễn Gia Định cho rằng, các cổ đông cần có sự chia sẻ về vấn đề cổ tức, lợi nhuận trong từng thời kỳ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của DN và ngân hàng thì rất khó để kỳ vọng mục tiêu chia cổ tức ở mức 14 - 16% như những năm 2006 - 2208, khi TTCK phát triển mạnh.

“Vấn đề quan trọng đối với người điều hành ngân hàng lúc này là phải làm sao quản trị được ngân hàng một cách an toàn, tạo được chữ tín với các khách hàng gửi tiền. Còn về vấn đề cổ tức, chắc chắn các nhà đầu tư, cổ đông cũng sẽ chia sẻ với ngân hàng trong bối cảnh thị trường hiện nay”, ông Định nói.

Đánh giá về chỉ tiêu lợi nhuận được các ngân hàng đặt ra từ đầu năm nay, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, khả năng để đạt được những kế hoạch này là không dễ. Có hai vấn đề cần quan tâm là nợ nhóm 5 của hầu hết ngân hàng đều tăng trong những tháng đầu năm nay, trong khi tín dụng của nhiều nhà băng tính đến thời điểm này vẫn âm.

Thùy Vinh (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.