05/07/2014 7:48 AM
Theo báo cáo của Sở Công Thương Gia Lai giai đoạn năm 2007-2013, sở này đầu tư xây dựng 10 công trình hạ tầng làng nghề, từ nguồn vốn có mục tiêu của Chính phủ và vốn ngân sách địa phương, tổng kinh phí 12.354 triệu đồng.

Cơ sở vật chất làng nghề xã Hà Tam, Đăk Pơ bỏ hoang hóa không ai sử dụng

Các hạng mục chủ yếu như xây dựng nhà trưng bày kết hợp với kho chứa sản phẩm, khu vực sản xuất và các hạng mục phụ trợ như giếng nước, tường rào của các làng nghề. Tất cả các công trình này đều được chỉ định thầu từ hồ sơ thiết kế đến thi công.

Đồng thời với việc xây dựng “hạ tầng làng nghề”, Sở Công Thương cũng triển khai công tác “đào tạo nghề và truyền nghề”. Từ năm 2006 đến năm 2013 có đến 54 lớp đào tạo nghề cho 2.489 học viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 2.457 triệu đồng. Tập trung chủ yếu đào tạo các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre, sản xuất giấy và bột giấy.

Tổng kinh phí cho việc xây dựng hạ tầng làng nghề và đào tạo nghề lên đến 14.811 triệu đồng.

Thế nhưng, qua khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai giữa năm 2014 cho thấy hầu hết 10 làng nghề được đầu tư xây dựng theo dự án không hoạt động, cơ sở vật chất xây dựng không được quản lý, nhanh chóng hư hỏng xuống cấp, gây lãng phí lớn. Việc xây dựng cơ sở làng nghề chưa phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, khảo sát địa điểm xây dựng chưa gắn liền với vùng nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất sản phẩm, không thuận tiện cho việc vận chuyển, tập trung sản xuất, bảo quản vật chất, tiêu thụ sản phẩm.

Học viên được đào tạo nghề, truyền nghề có trình độ thấp nên tiếp thu chậm, thời gian đào tạo ngắn nên tay nghề không cao. Từ đó, sản phẩm làm ra giá thành cao, chất lượng kém, không sắc sảo, đơn điệu về mẫu mã, hoa văn dẫn đến sản phẩm làm ra không bán được, không đủ trả tiền công cho các xã viên nên đa số không gắn bó với nghề.

Các làng nghề này được chỉ định cho Ban quản lý Hợp tác xã làng nghề quản lý, nhưng đa số họ bị buộc phải nhận nhiệm vụ mà chưa được đào tạo, tập huấn nên thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm. Cho đến nay chưa có làng nghề nào trên địa bàn tỉnh Gia Lai được công nhận là làng nghề truyền thống theo Nghị định 66/2006 của Chính phủ.

Huỳnh Kiên (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.