Báo cáo của Công ty TNHH CB Richard Elills (CBRE) cho biết, trong quý 2/2011, TP.HCM tiếp tục chứng kiến sự ra đời của 2 tòa nhà văn phòng hạng B và 4 tòa nhà văn phòng hạng C với gần 38.000 m2 tổng diện tích sàn. Trong đó, tòa nhà hạng B có 16.500 m2 sàn được đầu tư bởi Ngân hàng Nam Á trên đường Cách Mạng Tháng Tám đã lấp đầy 50% do nhu cầu của chính chủ đầu tư. Tòa nhà hạng B còn lại trên đường Mạc Đĩnh Chi được đầu tư bởi Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam. Bốn tòa nhà hạng C khác cung cấp thêm cho thị trường khoảng 10.000m2 sàn.
“Quý 2/2011, giá thuê tiếp tục giảm trên tất cả các hạng. Cụ thể, giá chào thuê văn phòng hạng A trung bình giảm 1,9% so với quý trước, xuống 34,21 USD/m2/tháng. Đây là quý thứ 7 liên tiếp giá thuê văn phòng hạng A giảm và cũng là quý có mức giá giảm thấp nhất từ năm 2006 đến nay”, ông Adam Bury, Trưởng phòng nghiên cứu CBRE nhận định và cho rằng, không chỉ có văn phòng hạng A mà cả văn phòng hạng B, C đều tụt giảm trong quý vừa qua. Trong đó, văn phòng hạng B đã giảm về mức giá thấp nhất kể từ năm 2003, còn hạng C giảm đến mức thấp nhất từ năm 2004.
Tình hình cũng không có nhiều thay đổi về lượng diện tích thực thuê mới tới cuối năm, trừ khi tình hình kinh tế vĩ mô đi vào ổn định, mà điều này lại chưa sáng sủa tới năm 2012.
Theo nghiên cứu của công ty Savills, tính đến hết quý 2/2011, tổng nguồn cung văn phòng cho thuê tại TP.HCM đã đạt đến mức hơn 1,1 triệu m2 sàn từ 173 tòa nhà. Từ năm 2012 trở đi, TP.HCM sẽ tiếp tục đón nhận hơn 1 triệu m2 diện tích văn phòng. Quận 1 vẫn sẽ chiếm khoảng gần 50% các dự án tương lai. Tân Bình sẽ là quận kế tiếp vì có khá nhiều dự án đã có kế hoạch đầu tư vào đây. “Từ nay đến cuối năm, giá thuê trung bình sẽ còn tiếp tục giảm, do nguồn cung tăng cao”, Savills nhận định.
Thị trường căn hộ: chủ đầu tư phải “ém hàng”
Thị trường căn hộ tại TP.HCM trong quý 2/2011 cũng tiếp tục chứng kiến sự tụt dốc cả căn hộ tầm trung và cao cấp. Sự khó khăn của thị trường đã khiến các chủ đầu tư quyết định “ém hàng” chờ thời điểm thích hợp mới tung ra, dẫn đến nguồn cung trong quý 2 giảm đến 12,5% so với quý trước, với tổng số 4.926 căn hộ được chào bán.
“Ngày càng có ít người mua nhà có sẵn tiền mặt và hoạt động cho vay mua nhà trả góp ít phổ biến hơn trước đây. Người mua đang đang trở thành đối tượng tạo áp lực cho các chủ đầu tư phải giảm giá bán hoặc đưa ra hàng loạt chính sách khuyến mãi. Đây chính là hệ quả của tài chính khó khăn, tín dụng bị siết, lãi suất tăng cao”, ông Adam Bury nhận định và cho rằng, xu hướng “ém hàng” của các chủ đầu tư sẽ còn tiếp diễn đến hết năm 2011 ở tất cả các phân khúc thị trường căn hộ. Những chủ đầu tư trong thế buộc phải bán để thu hồi vốn sẽ phải vất vả trong việc tìm khách hàng.
Vẫn theo ông Adam Bury, tình hình kinh tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang có những tín hiệu lạc quan, khi chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã bắt đầu có tác dụng. Tại TP.HCM lượng kiều hối chảy vào tăng 27,06% so với cùng kỳ, đạt 4,27 tỷ USD là những tín hiệu mở ra sự lạc quan. Tuy nhiên, nhìn chung thị trường bất động sản TP.HCM sẽ còn tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới, khi mà chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng cao vẫn chưa được cải thiện.